Dịp Tết Nguyên đán, người dân ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore có truyền thống tặng tiền mừng tuổi. Dù tên gọi và cách thức trao tặng có chút khác nhau ở mỗi nước, lì xì đều mang ý nghĩa chung là cầu mong sự may mắn, bình an cho người thân yêu trong năm mới.
Tuy nhiên, việc tặng lì xì đôi khi biến tướng, trở thành thước đo của lòng yêu quý hay mức độ tôn trọng. Năm nay, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì việc mừng lì xì bao nhiêu đang trở thành áp lực đối với nhiều người.
"Tẽn tò" bị chê lì xì ít
Chị Phạm Hồng (30 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ câu chuyện đáng buồn của mình vào dịp Tết. Chị cho biết, Tết năm 2023 vừa qua, chị dự tính sẽ mừng con cháu trong nhà (con anh trai ruột, con chị chồng) 100 nghìn đồng. Còn các cháu trong họ hàng thì chỉ mừng 20 nghìn đồng.
Ám ảnh vì phong tục lì xì ngày Tết
"Biết là số tiền 20 nghìn đồng so với hiện nay thì chẳng đáng là bao, nhưng kinh tế mình còn eo hẹp, tết nhất lại phải lo đủ thứ nên không thể mừng được cao hơn. Để cho đỡ ngại, mình bỏ hết tiền vào phong bao lì xì.
Vậy mà có một đứa trẻ đã bóc ngay trước mặt mình và mọi người, sau đó nó chê 20 nghìn ít quá, cháu chẳng lấy đâu", chị Hồng kể.
Trước tình huống khó xử này, chị không biết phải làm gì, chỉ biết cười trừ cho qua. Còn bố mẹ bé cũng xấu hổ không kém, vội vàng nhặt phong bao lên rồi nói lời cảm ơn chị Hồng.
Cũng đang trong tình trạng buồn phiền vì tiền lì xì, anh Lâm (28 tuổi, Hà Nội) băn khoăn không biết mừng tuổi bao nhiêu cho mọi người mới là hợp lý.
Anh Lâm cho biết: "Năm nay công ty mình cắt tiền thưởng Tết nên bỗng dưng khoản chi cho ngày Tết mất đi một nửa. Hàng năm tiền lì xì cho bố mẹ, ông bà và các cháu cũng tốn kha khá, bởi bây giờ mọi người thường nhìn vào số tiền mình bỏ ra để đánh giá xem mình có chân thành hay không".
"Có lần mình mừng nhiều thì họ khen mình sộp quá, yêu chú Lâm nhất. Năm khác tiền ít thì họ lại bảo giàu mà keo kiệt. Vậy nên Tết không hề vui vẻ như mình mong và lì xì không đơn giản chỉ mang ý nghĩa chúc may mắn như lời đồn đại trong truyền thuyết", anh Lâm chia sẻ.
Lì xì trở thành gánh nặng
Tờ Korea Hearald trích dẫn cuộc khảo sát do SK Communications thực hiện với 6.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 60 ở Hàn Quốc cho thấy:
Lì xì không còn là niềm vui mà trở thành gánh nặng
30% người nói rằng không ủng hộ việc cho hay nhận tiền vì thấy đôi bên đều áp lực.
Có 15% người tham gia khảo sát cho rằng trao lì xì là truyền thống lâu đời nên không thể để mai một, nhưng người lớn chỉ cần lì xì khoảng 10.000 won là đủ để bày tỏ thành ý.
Và có 10% người khẳng định số tiền lì xì tỷ lệ thuận với độ chân thành của người tặng.
Lì xì (thường gọi là "Ang bao") cũng là truyền thống đầu năm mới ở Singapore, quốc gia có 75% dân số là người gốc Hoa đón Tết Nguyên đán. Nhưng những năm gần đây, cùng với lạm phát và chi phí sinh hoặc tăng, số tiền lì xì cũng trở thành gánh nặng, đặc biệt với các cặp vợ chồng mới cưới, theo SCMP.
Trong văn hóa Singapore, những cặp mới kết hôn sẽ phát lì xì cho cha mẹ, trẻ em và những người lớn độc thân trong nhà.
Một trong những nguyên nhân khiến việc lì xì bị biến tướng đó là có rất nhiều trang web ở Singapore đưa ra "giá Ang bao" theo từng năm. Điều này vô tình khiến ta chịu áp lực phải lì xì theo con số "thị trường", dù kinh tế hạn hẹp.
Bởi vậy, đến nay nhiều người trẻ trưởng thành ở Singapore không còn mặn mà với phong tục phát Ang bao. Họ thấy không thoải mái khi số tiền mừng tuổi bị gán với lòng hiếu thảo hay mức độ tôn trọng. Những người đã ngoài 30 tuổi vẫn độc thân cũng không muốn nhận tiền mừng tuổi vì "khó xử".
Tầm quan trọng của giáo dục ứng xử khi nhận lì xì
Có thể thấy, dù ở bất cứ quốc gia nào thì phong tục lì xì đều trở thành đề tài đau đầu mỗi dịp năm mới đến. Trước đây, lì xì chỉ mang ý nghĩa đem lại sự may mắn cho người được nhận. Nhưng đến thời điểm hiện tại, việc lì xì vào đầu năm mới lại trở thành sự cân - đo - đong - đếm khi nhiều người chỉ quan tâm đến mệnh giá tiền được lì xì, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Rèn luyện ứng xử cho trẻ khi nhận được lì xì là vô cùng quan trọng
Để tránh những trường hợp trên, các chuyên gia cho rằng, không ai khác là gia đình phải giáo dục trẻ về nguyên tắc ứng xử khi được người lớn tặng lì xì.
Thứ nhất, hãy dạy con cách thưa gửi đối với khách đến nhà chơi hoặc cả nhà đi chúc Tết. Cha mẹ có thể dạy trước cho bé những câu chúc đơn giản, dễ học và phù hợp với hầu hết mọi người.
Thứ hai, biết ơn chứ không được chê bai. Khi nhận được tiền mừng tuổi, bố mẹ hãy dặn bé phải bày tỏ thái độ biết ơn và chúc Tết lại người lớn với những lời chúc phúc, may mắn đầu năm. Đặc biệt, không được mở lì xì trước mặt người lớn; không chê bai nếu tiền lì xì ít. Bố mẹ có thể giúp con thực hành ứng xử ở nhà để con có thể thực hiện ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh nhắc nhở.
Nhìn chung, nên để lì xì đơn giản là cách bày tỏ tình cảm thay vì biến nó thành thước đo dựa trên số tiền chi ra.