Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nêu ý kiến trên tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngày 27/5.

Ông Thưởng cho biết kỳ thi năm nay có nhiều đặc thù so với những năm trước. Đây là kỳ thi đầu tiên tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với khoảng 1,17 triệu thí sinh. Ngoài ra, 25.000 thí sinh thi theo chương trình năm 2006. Theo thống kê, tỉnh, thành nào cũng có hai nhóm thí sinh này.

Công tác coi thi, sắp xếp phòng, in sao, vận chuyển đề thi do đó có nhiều điểm khác nhau. Ví dụ ở môn Địa lý, thí sinh thi theo chương trình cũ được sử dụng Atlat còn mới thì không.

Bên cạnh đó, kỳ thi năm nay trong bối cảnh sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp; thanh tra sở, bộ ngành được sắp xếp về thanh tra Chính phủ, công an huyện về công an xã. Vì vậy, ông Thưởng cho rằng các địa phương phải hết sức chủ động, đảm bảo an ninh, an toàn cần được đặt lên hàng đầu.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an như A03, A04, A05, A06 để tập huấn phòng chống gian lận, đặc biệt gian lận công nghệ cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo - AI.

c7a6a16f-8de5-42f8-a358-cd7554-3522-1650-1748321821.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Zrqe2qDSzMVjXlTJ0Or5OA

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày 27/5. Ảnh: Dương Tâm

Đại tá Phạm Long Âu, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Bộ Công an, cũng nhấn mạnh tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận đáng lo ngại. Các thiết bị thường là tai nghe siêu nhỏ, camera ngụy trang, các thiết bị truyền tin thông minh, là thách thức lớn với cán bộ coi thi.

Cũng theo ông Âu, hành vi gian lận không chỉ ở thí sinh mà cả giáo viên, phụ huynh. Thí sinh gian lận trong phòng thi. Giáo viên can thiệp vào các khâu như in sao, vận chuyển, chỉnh sửa, nâng điểm để thu lợi bất chính. Phụ huynh tiếp tay, hối lộ bằng nhiều hình thức để con em được ưu ái.

"Vì vậy, ngoài tổ chức tập huấn giúp nhận biết, phát hiện, các địa phương cần lựa chọn cán bộ coi thi có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao", ông nói.

Kỳ thi diễn ra ngày 26-27/6. Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố ngày 16/7.

Ông Thưởng cho biết Bộ sẽ thành lập 4-5 đoàn kiểm tra ở 63 tỉnh, thành. Ông nhìn nhận không quá cường điệu hóa, căng thẳng với kỳ thi nhưng phải lường trước mọi tình huống có thể xảy ra.

"Cán bộ thanh tra phải nắm chắc quy chế bởi có thể có những khoảng mờ của quy chế chưa phủ hết. Khi có sự cố, thanh tra phải xử lý ngay, không để ảnh hưởng đến thí sinh, dư luận xã hội", ông nói.

Năm ngoái, khoảng 99,4% trong hơn một triệu thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2015.

Hầu hết đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào. Trong gần 615.000 thí sinh nhập học đại học năm 2024, hơn 52% đăng ký xét tuyển bằng phương thức này. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong ba năm qua.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022