Học viện Ngoại giao hôm 26/5 cho biết năm nay trường dự kiến tuyển 2.200 sinh viên, tương tự năm ngoái.
Điểm mới là trường sử dụng 13 tổ hợp xét tuyển, trong đó, 5 tổ hợp mới gồm DD2 (Toán, Ngữ văn, tiếng Hàn), D09 (Toán, tiếng Anh, Lịch sử), D10 (Toán, tiếng Anh, Địa lý), D14 (Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh), D15 (Ngữ văn, Địa lý, tiếng Anh).
Chỉ tiêu các ngành và tổ hợp, phương thức xét tuyển Học viện Ngoại giao năm 2025 như sau:

Học viện Ngoại giao dùng 4 phương thức xét tuyển, gồm:
Xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ quốc tế, thí sinh cần có điểm trung bình 6 học kỳ lớp 10, 11, 12 đạt từ 8, kèm một trong các chứng chỉ ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Trung, Nhật, Hàn hoặc điểm bài thi SAT/ACT.
Điều kiện chứng chỉ tiếng Anh là IELTS Academic 6.0 (hoặc TOEFL iBT 60, PTE-A 46 điểm, Cambridge English Qualifications 169 điểm) trở lên. Với các ngoại ngữ khác: tiếng Pháp và Đức tương đương B1, tiếng Trung tối thiểu 260 điểm HSK4, tiếng Hàn TOPIK 3, tiếng Nhật N3 trở lên. Với các mức tối thiểu, điểm quy đổi ngoại ngữ là 8. Ở mức 8.0 IELTS hoặc tương đương trở lên, thí sinh được tính 10 điểm.
Nếu sử dụng điểm SAT/ACT, điểm cần đạt tối thiểu lần lượt là 1200/1600 và 23/36.
Điểm xét tuyển (tối đa 30) = M1+M2+M3+Điểm khuyến khích của Học viện (nếu có) + Điểm ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có).
Trong đó, M1 là điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế. M2 là điểm trung bình học bạ môn Toán hoặc Ngữ văn, cả ba năm. M3 là điểm trung bình học bạ một môn bất kỳ (không phải môn ngoại ngữ và khác M2), thuộc tổ hợp xét tuyển.
Bảng quy đổi IELTS, SAT và chứng chỉ quốc tế của Học viện Ngoại giao
Phương thức thứ hai là xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Điều kiện là thí sinh không có môn nào trong tổ hợp xét tuyển dưới 1 điểm.
Điểm xét tuyển (tối đa 30) = Tổng điểm đạt được + Điểm khuyến khích của Học viện (nếu có) + Điểm ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có).
Với các tổ hợp có môn ngoại ngữ, thí sinh có thể dùng điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm quy đổi từ chứng chỉ quốc tế thay cho môn này. Các em cũng có thể dùng chứng chỉ ngoại ngữ khác để quy đổi sang điểm tiếng Anh.
Thứ ba, trường xét chứng chỉ A-level hoặc bằng tú tài quốc tế IB Diploma. Đây là phương thức mới năm nay.
Nếu xét bằng chứng chỉ A-level, thí sinh cần đạt từng môn từ điểm D trở lên; còn với bằng IB Diploma, tổng điểm cần đạt từ 30. Cùng đó, các em phải đạt các yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tương tự phương thức xét kết hợp chứng chỉ với học bạ.
Điểm xét tuyển (tối đa bằng 30) = M1 + M2 + M3 + Điểm khuyến khích của Học viện (nếu có) + Điểm ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có).
Trong đó, M1 là điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế (tương tự các phương thức trên). M2 là điểm quy đổi theo thang điểm 10 môn Toán hoặc môn Văn trong A-level hoặc IB. M3 là điểm quy đổi của một môn bất kỳ (không phải môn ngoại ngữ và khác M2) trong các chứng chỉ trên.
Bảng quy đổi điểm A-level và IB:


Điểm khuyến khích và ưu tiên ở ba phương thức trên như nhau. Cụ thể, Học viện Ngoại giao cộng 0,2-0,8 điểm với các thí sinh đạt giải khuyến khích quốc gia hoặc giải ba cấp tỉnh trở lên.
Với thí sinh đạt trên 22,5 điểm thi tốt nghiệp, điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cuối cùng, trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học viện Ngoại giao chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến. Học phí dự kiến tương tự năm ngoái, 3,4-4,5 triệu đồng một tháng (34-45 triệu đồng một năm), tùy ngành.

Học viện Ngoại giao. Ảnh: DAV
Năm 2024, Học viện Ngoại giao lấy điểm chuẩn từ 25,37 đến 29,2, cao nhất là ngành Trung Quốc học ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Điểm chuẩn thấp nhất là 25,37 ở ngành Luật thương mại, tổ hợp D03 (Toán, Ngữ văn, tiếng Pháp), D04 (Ngữ văn, Toán, tiếng Trung) và D06 (Ngữ văn, Toán, tiếng Nhật).
Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, trường lấy 35,38/40 điểm, trong đó môn tiếng Anh tính hệ số 2.
Bình Minh