Năm nay Trần Phạm Hoài Thương, trường THPT Việt Đức (Hà Nội) sẽ thi tốt nghiệp THPT. Những ngày gần đây, thông tin về việc đề thi 2023 được Bộ GD&ĐT thay đổi theo hướng tăng cường vận dụng thực tiễn khiến em lo lắng.

"Một số môn học chúng em vẫn đang học theo chương trình, một số môn đã đẩy nhanh tiến độ học và bắt đầu bước vào quá trình ôn luyện. Còn vài tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu có đề minh họa để luyện từ sớm, chúng em sẽ chủ động và dần quen với các dạng câu hỏi", Thương nói.

photo-1-16757694100211959503684.jpeg

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)

Lê Văn Tùng, trường THPT Tam Đảo II (Vĩnh Phúc) cũng lo lắng đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT năm nay sẽ khó hơn, mức độ các câu hỏi vận dụng nhiều hơn. "Em cố gắng học xong kiến thức càng nhanh càng tốt để có thời gian ôn luyện nhiều hơn. Nếu có đề minh hoạ sớm thì chúng em sẽ dễ hình dung được cấu trúc đề, còn hiện tại chưa có thì chỉ biết học theo những năm trước đó", Tùng nói.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 được tốt nhất, ngay từ đầu năm học cô Hoàng Ánh Loan (Lương Sơn, Hoà Bình) đã cho học sinh tăng tốc các bài học môn Ngữ văn, bài nào nằm trong phần giảm tải, các em sẽ tự đọc thêm ở nhà, tập trung chủ yếu cho việc củng cố kiến thức, ôn luyện và làm thử nhiều dạng đề kiểm tra.

"Để học sinh không bỡ ngỡ, mỗi tháng tôi cho các em làm 2 bài kiểm tra giống như khung cấu trúc đề thi tốt nghiệp. Các câu hỏi thay đổi thường xuyên, khi thì câu hỏi đóng, khi lại câu hỏi mở, bàn luận, bình bàn về một vấn đề nóng. Tôi cũng kết hợp các dữ liệu văn học trong nhiều tác phẩm để cùng bàn về một vấn đề", cô nói và giải thích, việc làm như vậy sẽ giúp cho các có kỹ năng phản xạ tốt với đề.

Cô đồng thuận với việc Bộ GD&ĐT tăng độ khó, các câu hỏi vận dụng thực tiễn trong đề thi tốt nghiệp THPT 2023. "Thường như các năm cuối tháng 3 Bộ GD&ĐT sẽ công bố, nhưng năm nay nên có vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 để học sinh, giáo viên có hướng ôn tập tốt hơn. Đồng thời cũng tạo điều kiện, khoảng nghỉ cho các em tập trung ôn tập song song cho các kỳ thi đánh giá năng lực riêng vào một số trường đại học lớn", cô nói.

Mục tiêu cô Loan xác định cho học sinh cả lớp không ai dưới 7 điểm môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT.

Trả lời VTC News ngày 4/2, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, thông thường khoảng 31/3 hàng năm, Bộ GD&ĐT mới công bố đề thi minh họa.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022, có tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học.

Bộ cũng có nhiều điều chỉnh để kỳ thi diễn ra tốt hơn. Thứ nhất, điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi. Bộ đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

Thứ ba, tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi.

Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội về một số nội dung mang tính kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022