Từ trước khi thuật ngữ EQ (trí tuệ cảm xúc) ra đời, chỉ số IQ được coi là thành tố quan trọng nhất chi phối thành công hay thất bại của mỗi cá nhân. Thế nhưng qua thời gian, các nhà khoa học bắt đầu nhận ra, chỉ dựa vào chỉ số IQ thì không đủ.
Vào năm 1995, nhà nghiên cứu Daniel Goleman đã chỉ ra rằng, chỉ số thông minh IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành đạt trong khi đó chỉ số cảm xúc EQ mới là nhân tố chiếm đến 75%. Theo đó, EQ ảnh hưởng mạnh mẽ tới hiệu suất công việc, tiềm năng lãnh đạo, khả năng kinh doanh và việc xây dựng các mối quan hệ. Đây cũng là lý do tại sao ngoài các nghiệp vụ đào tạo chuyên ngành, Đại học Harvard vẫn luôn chú trọng vào khâu giáo dục trí tuệ cảm xúc.
Người EQ thấp đánh mất nhiều cơ hội trong công việc và cuộc sống
EQ quan trọng là vậy, thế nhưng đáng tiếc là có rất nhiều người sở hữu trí tuệ cảm xúc thấp, khiến họ đánh mất nhiều cơ hội trong cả công việc và cuộc sống. Trong thời đại công nghệ phát triển, mạng xã hội được coi là nơi phơi bày cái tôi của nhiều người, chúng ta có thể nhận thấy một người có EQ cao hay thấp, chỉ đơn giản bằng 3 dấu hiệu sau đây:
1. Đăng quá nhiều bài bán hàng online
Không khó để chúng ta bắt gặp ít nhất một người trong danh sách bạn bè của mình thường xuyên đăng tải bài viết quảng cáo sản phẩm của họ lên trang cá nhân.
Thời gian đầu, khi newsfeed (trang cá nhân) của bạn bị chiếm trọn bởi quảng cáo bán hàng, bạn có thể tặc lưỡi cho qua vì suy nghĩ "ai cũng cần phải kiếm sống", hoặc may mắn hơn, sản phẩm của họ đúng là thứ bạn cần. Thế nhưng, theo thời gian, tin chắc là bạn chẳng còn thấy dễ chịu khi suốt ngày lướt phải những quảng cáo quần áo, đồ trang sức rồi đến mỹ phẩm. Rõ ràng, mọi người vào mạng xã hội để giải trí, cập nhật thông tin bạn bè chứ đâu phải để... đi chợ đầu mối?
Ở chiều hướng ngược lại, nếu bạn là những "con buôn Internet" chính hiệu, việc lạm dụng quảng cáo trên mạng xã hội sẽ khiến bạn mất điểm trầm trọng trong mắt nhiều người. Họ có thể không trực tiếp thể hiện thái độ với bạn, thế nhưng bạn sẽ âm thầm bị loại bỏ khỏi "danh sách bạn bè" của họ.
Ảnh minh hoạ
2. Lan toả cảm xúc tiêu cực
Năng lượng tiêu cực giống như một loại virus. Chúng có thể lây truyền từ người này qua người khác với tốc độ rất nhanh. Đó cũng là nguyên nhân mỗi khi có người bi quan ngay bên cạnh, bầu không khí sẽ trở nên nặng nề và ảnh hưởng đến tâm lý của người đối diện.
Nói cách khác, nếu như một người liên tục lan toả các bài viết tiêu cực trên mạng xã hội, mọi người sẽ dần nảy sinh suy nghĩ muốn tránh xa anh ta. Đó không phải là thái độ thờ ơ khi chứng kiến ai đó gặp chuyện buồn, mà chỉ là cơ chế tự bảo vệ bản thân trước các nhân tố tiêu cực có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Người có EQ cao, thay vì mang chuyện cá nhân lên mạng xã hội cho thiên hạ biết, họ tìm cách giải quyết nó ngay lập tức. Bởi họ hiểu rằng, việc đăng ảnh hay chia sẻ bài viết chứa cảm xúc cá nhân, không giúp cho tình trạng khó khăn được cải thiện.
Bên cạnh đó, nỗi buồn của bạn cũng có thể tạo ra kha khá tác dụng phụ. Chẳng hạn như nó sẽ biến thành niềm hả hê với một số cá nhân, hoặc gây hiểu lầm bạn là người có thái độ sống tiêu cực, thiếu chín chắn và chưa trưởng thành.
Ảnh minh hoạ
3. Khoe khoang sự giàu có
Nhiều người có thói quen khoe sự giàu có hay những món quà đắt giá họ nhận được lên mạng xã hội. Nếu chỉ đăng với tần suất vừa phải, bạn bè của bạn sẽ ngưỡng mộ, thành tâm chia sẻ niềm vui với bạn.
Thế nhưng, nếu bạn khoe quá nhiều, sẽ có không ít người khó chịu vì điều đó. Ai cũng muốn giàu có, đó là bản chất của con người. Giờ đây, trong mắt họ, những bài đăng của bạn trở thành sự khoe khoang phù phiếm để đề cao giá trị bản thân. Có một số người lại cảm thấy chênh lệch kinh tế giữa bạn và họ quá lớn, từ đó khoảng cách mối quan hệ lại càng cách xa.
Người có EQ cao sẽ biết nên thể hiện "vừa đủ" cuộc sống của mình lên mạng xã hội, giữ niềm vui cho mình để tránh nhận sự đánh giá, ganh ghét từ người khác. Bên cạnh đó, việc chăm chỉ khoe của cải cũng đem đến nhiều rắc rối như trở thành nạn nhân của lừa đảo, vay mượn khó đòi...
Nguồn: Sohu