Không ít bạn trẻ sau khi lựa chọn xong ngành nghề lại cảm thấy ngành học đó không còn phù hợp với bản thân vì một số lý do như chọn ngành theo ý bố mẹ hay chọn ngành theo số đông.

photo-1-17146345033031904510782.jpg

Chọn ngành, chọn nghề đang là chủ đề hot hiện nay. (Ảnh minh họa)

Có nên chọn ngành học theo ý bố mẹ?

Chọn ngành học là việc cực kỳ quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định, bởi ngành học này sẽ liên quan đến công việc trong tương lai và có thể gắn bó với bản thân bạn cả đời.

Từng có nhiều trường hợp lựa chọn ngành học theo ý của bố mẹ và sau đó muốn thi lại ngành học khác vì cảm thấy không phù hợp. Điều này không chỉ lãng phí thời gian mà còn khiến bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Bạn Trần Thu Trang, sinh viên năm 4 trường Đại học Sư phạm Hà Nội từng quyết định lựa chọn ngành học theo ý bố mẹ, nhưng sau một năm học lại cảm thấy bản thân không phù hợp, không có đam mê để theo đuổi đến cùng.

"Em từng theo học ngành Quản lý nhà nước - đây là ngành học do gia đình định hướng với suy nghĩ học xong về làm nhà nước sẽ ổn định. Sau một học kỳ, em quyết định bảo lưu để thực hiện ước mơ làm cô giáo", Thu Trang nói và chia sẻ, các bạn trẻ cũng cần phải nhắc kỹ việc học lại, vì yếu tố đam mê ngành học cũng chỉ là một phần, cần nghĩ đến bài toán kinh tế và năng lực bản thân.

Ông Đỗ Đức Linh, Phòng khảo thí và Đảm bảo chất lượng, trường Đại học Hải Phòng cho rằng, ngoài niềm đam mê, thí sinh nên tìm hiểu về nhu cầu của xã hội với ngành học.

"Ngoài quyết định thi lại vì yếu tố đam mê, thí sinh cần nắm bắt xu hướng nghề nghiệp tương lai hiện nay tình hình thị trường lao động đồng thời, so sánh với những công việc khác và dự đoán nhu cầu sử dụng nhân lực trong 3 - 4 năm tới để có lựa chọn đúng đắn nhất. Sau khi ra trường nếu muốn đổi ngành, các em có thể học thêm văn bằng 2. Có thất bại thì vẫn có nền tảng để làm lại", ông Linh khuyên.

Một số nguyên tắc chọn ngành học thí sinh cần lưu ý

Các chuyên gia chỉ ra 4 bước để giúp thí sinh dễ dàng hơn trong lựa chọn ngành nghề.

Bước 1: Tôi thích ngành nghề gì?

Hãy liệt kê những ngành nghề mà bản thân biết và có hứng thú. Mong muốn về nghề nghiệp: cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, thu nhập, giờ giấc, tính chất công việc hấp dẫn, uy tín xã hội. Sau đó, hãy lập danh sách thứ tự ưu tiên ngành nghề.

Bước 2: Tôi phù hợp với ngành nghề gì?

Tìm hiểu yêu cầu của từng ngành nghề (năng lực, tính cách, điều kiện lao động…), có thể tham khảo ở mục tuyển dụng trên các báo, tạp chí để tìm điểm chung giữa yêu cầu của ngành nghề và khả năng đáp ứng bản thân.

Bước 3: Tôi chọn ngành nghề gì?

Ngành nghề bản thân thích, nội dung công việc, điều kiện lao động, giá trị ý nghĩa với bản thân, các cơ hội - nghề bản thân có năng lực đáp ứng, sức khỏe, năng lực học tập, điều kiện gia đình.

Bước 4: Tôi nên học ở đâu?

Bạn hãy xác định ngành nghề đó thuộc lĩnh vực nào, trường nào đào tạo lĩnh vực đó. Lập danh sách ưu tiên các trường công lập, dân lập, điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển sinh, danh tiếng, uy tín (thời gian thành lập, thành tích), thời gian đào tạo (đại học, cao đẳng, trung cấp), địa điểm đào tạo (gần nhà, xa nhà).

Khi quyết định chọn ngành nghề theo học trong tương lai, thí sinh cần phải cân nhắc đến rất nhiều yếu tố. Với những thông tin trên, chắc hẳn các bạn thí sinh đã tìm được đáp án cho câu hỏi "Nên lựa chọn ngành học theo sở thích hay xu hướng?".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022