Sợ #1: Không hòa hợp với bạn cùng phòng
Đây là một trong những nỗi sợ của những sinh viên "chân ướt chân ráo" bước vào cánh cổng trường đại học. Có thể chúng ta là những người xa lạ mới gặp, cũng có thể là người bạn cũ, dù thế nào, thì việc sống chung thời gian đầu không phải câu chuyện đơn giản. Chúng ta phải thích nghi lẫn nhau và đôi khi chấp nhận và dung hòa một vài điều chúng ta không thích về nhau. Nhưng cũng đừng quá lo lắng về điều này, cuộc sống ở chung đôi khi mang đến cho bạn những người bạn tuyệt vời. Chỉ cần chúng ta chân thành, thẳng thắn và chia sẽ quan điểm cùng nhau, cuộc sống chung phòng sẽ dễ chịu, vui vẻ hơn nhiều.
Thúy Lan ( SV năm 2 ĐH Kinh tế quốc dân) chia sẻ: "Năm nhất đại học, mình thật sự hi vọng trở nên gần gũi với bạn cùng phòng và mong muốn chúng mình sẽ làm mọi thứ cùng nhau. Lúc đầu, mình có chút thất vọng, chúng mình không có những điểm hòa hợp về tính cách. Nhưng sau một thời gian ở chung, đối mặt với một số việc, mình cảm thấy tuyệt vời khi đã ở cùng cô gái này và giờ đây chúng mình là bạn tốt của nhau". Thế đấy, chẳng việc gì phải sợ hãi, mọi thứ chỉ mới bắt đầu!
Sợ #2: Không có những người bạn mới
Cuộc sống thanh xuân vườn trường của bạn vui vẻ và ý nghĩa hơn nhiều khi có những bạn bè mới bên cạnh. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng tự tin vào khả năng kết bạn của mình. Đôi khi vì tự ti, vì ngại giao tiếp, cuộc sống đại học của bạn trở nên khép kín, không giao lưu với bạn bè, tham gia các hoạt đồng tập thể. Thậm chí, bạn không tin là tìm được sự chân thành trong tình bạn thời đại học. Đây cũng chính là lý do bạn sợ, bị cô lập, không có những người bạn mới trong trường đại học.
Thật ra thì bạn suy nghĩ quá nhiều, mọi thứ không phức tạp như bạn nghĩ đâu. Đừng ngại nói chuyện với ai đó vào ngày đầu tiên của lớp học hoặc nói chuyện với ai đó đang ngồi cạnh nhau trong phòng ăn, họ chắc chắn cũng rất vui vẻ khi có một người bạn mới nữa. Hãy thử một số điều mới mẻ, hãy cởi mở nói chuyện với mọi người, bạn có thể tìm thấy cho mình những tình bạn tuyệt vời trong những năm tháng đại học đó.
Sợ #3: Ở một thành phố khác, bạn sợ không nhớ nổi những con đường
Tin tôi đi, thật sự có nỗi sợ này ở những sinh viên năm nhất đó. Bước vào đại học, ở một thành phố xa lạ, đôi khi có những nỗi sợ đơn giản vô cùng. Bạn cảm thấy không thể nắm bắt, làm chủ mọi thứ, đơn giản chỉ như là con đường từ phòng trọ đến trường hay những lần di chuyển để phục vụ công việc học tập. Hay chỉ như, việc đứng trước khuôn viên rộng lớn của trường để tìm đúng giảng đường mình cần đến cũng khiến chúng ta bối rối.
Sự thật là, ai rồi cũng sẽ qua những cảm giác này khi mới bắt đầu thôi, vậy nên đừng quá lo lắng về điều này. Sau khoảng một tuần làm quen, bạn sẽ thấy mọi thứ cũng đơn giản và hoàn toàn có thế thích nghi được thôi. Vấn đề chỉ là, bạn đã lo nghĩ quá nhiều rồi!
Sợ #4: Không hoàn thành được hết các môn ở cấp Đại học
Thật là bình thường khi nhiều bạn lo ngại về khối lượng công việc của đại học, và gần như không có ai đốc thúc nhắc nhở, bạn phải chủ động trong việc học của mình. Nhưng hãy suy nghĩ theo cách này: Khi bạn bắt đầu học Trung học, bạn cũng có suy nghĩ này không? Khi bắt đầu bất cứ điều gì mới trong cuộc sống,chúng ta dễ có tâm lý nghi ngờ về bản thân và nghĩ rằng mình không thể giải quyết nó. Nhưng, sự thật chúng ta đều hoàn thành mọi việc đúng không?
Tất nhiên, sẽ có một số thay đổi so với việc bạn học trung học nhưng nhưng theo thời gian bạn sẽ điều chỉnh và có thể hoàn thành công việc với khả năng tốt nhất (giống như bạn đã làm điều này ở trường Trung học vậy). Nếu đang gặp vài rắc rối với công việc học tập của mình, đừng ngại ngần hỏi thêm giảng viên, tham gia nhóm học tập, hoặc có thể nhờ bạn dạy kèm. Đừng bao giờ sợ hãi, ngại ngần khi yêu cầu sự giúp đỡ từ mọi người trong việc học hành vì mọi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng của họ.\
Sợ # 5: Nếu tôi chọn sai trường đại học?
Đây là một cảm giác đáng sợ khi bước vào lớp học vào ngày đầu tiên, bạn nhìn xung quanh và nghĩ rằng mình đã chọn sai trường! Bạn cảm thấy điều này trong vài tuần đầu tiên, và thậm chí cả tháng, không phải điều quá lo ngại. Giữa nỗi nhớ nhà và sự mới mẻ của mọi thứ, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái. Khi bạn có cảm giác đó, điều quan trọng là phải tự nhắc nhở mình tại sao bạn chọn trường học này.Cố gắng nhớ tại sao bạn đã đưa ra quyết định bạn đã làm khi bắt đầu có cảm giác nghi ngờ.
Cố gắng nhớ tại sao bạn đã đưa ra quyết định lựa chọn khi bắt đầu có cảm giác nghi ngờ. Thậm chí nếu bạn nghĩ rằng trường học này không phải là nơi dành cho bạn, ít nhất là cho nó một cơ hội, đừng vội phán xét mọi thứ. Tham gia vài lớp học, trò chuyện cùng giảng viên, tham gia CLB nào đó, khám phá khuôn viên trường, các sự kiện thể thao... bạn có thể tìm thấy điều gì đó bạn thích, bạn quan tâm sau tất cả.