Trong ngày hội du học châu Âu tổ chức ở Hà Nội hôm 2/10, các cựu du học sinh Việt có ba lưu ý với sinh viên có ý định du học ở khu vực này.
Chị Nguyễn Thị Hạnh Tiên, từng du học Thạc sĩ ngành Nuôi trồng thủy sản và Tiến sĩ Khoa học Sinh học ứng ụng tại Đại học Ghent (Bỉ), cho biết thay đổi cách học là thử thách đầu tiên. Người học được tiếp cận nền giáo dục hiện đại, phát triển kỹ năng tư duy, phản biện, học tập với giáo sư từ các nước thành viên. Tuy nhiên, việc phải tiếp thu lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn khiến nhiều du học sinh áp lực.
"Học càng sâu kiến thức càng khó, mình nhớ trước mỗi kỳ thi, tài liệu cho một môn học có thể xếp thành chồng gối ngủ", chị Tiên kể. Cách học của chị Tiên là nhìn vấn đề đa chiều và liên ngành. Chị thường tìm đọc về các ngành, nội dung liên quan với chủ đề của môn học gốc, giữ tinh thần thoải mái để tiếp thu được nhiều và ghi nhớ lâu hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh Tiên nói về trải nghiệm du học Bỉ ngày 2/10 tại Hà Nội. Ảnh: Ban tổ chức Ngày hội Giáo dục châu Âu 2022.
Cùng quan điểm, Khánh Ly, cựu du học sinh Đại học Erasmus Rotterdam, Hà Lan, cho rằng phải rèn thói quen tự học vì thời gian trên lớp không nhiều như Việt Nam, chủ yếu dành để trao đổi với giảng viên. Để học tốt, nữ sinh kết bạn với sinh viên bản xứ để học hỏi và tìm nguồn tài liệu thực tế ở địa phương thay vì chỉ đọc tài liệu ở thư viện như thời gian đầu.
Với cách học mới và lượng kiến thức lớn, nhiều du học sinh phải kéo dài thời gian để hoàn thành khóa học hoặc bỏ dở giữa chừng. "Chương trình tại Bỉ của mình có 10 người theo học nhưng chỉ có bốn sinh viên tốt nghiệp", chị Tiên nói.
Tiết kiệm chi tiêu khi du học châu Âu, nơi có mức sống cao cũng là điều cần lưu ý. Hồng Châu, cựu du học sinh Đại học Gothenburg, Thụy Điển, đã phải mất cả tháng để làm quen với cách chi tiêu ở đây. Nước này dùng đồng SEK, 1 SEK tương đương 2.180 đồng Việt Nam.
"Mức sống của người Thụy Điển cao nên bạn rất dễ mua nhầm các mặt hàng cao cấp không cần thiết như thịt bò, hoa quả, rau củ đắt tiền", Châu cho biết. Nữ sinh luôn tìm hiểu kỹ về mặt hàng, chọn mua tại các khu bán đồ châu Á hoặc cửa hàng nhỏ để tiết kiệm chi tiêu. Mỗi tháng, Châu dành 3.700 SEK tiền nhà, 500 SEK cho phương tiện đi lại công cộng, 2.000 SEK tiền ăn, tổng cộng gần 14 triệu đồng tiền Việt.
Mua đồ với số lượng lớn là cách Khánh Ly thường áp dụng. Thay vì mua 1 kg thịt gà với giá 3 euro, Ly rủ bạn bè cùng mua một lần 3 kg với giá 6 euro, rồi chia nhau.
Hồng Châu và Khánh Ly lưu ý sinh viên nên tham khảo cách thuê nhà và địa điểm mua sắm trước khi du học, thông qua các hội, nhóm du học sinh Việt Nam tại châu Âu.
Hồng Châu (bên phải) cùng bạn tham quan quần đảo Archipelago, Thụy Điển, tháng 9/2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Du học sinh còn cần thích nghi với khác biệt văn hóa và khí hậu.
Hồng Châu mất ba tháng để quen với môi trường đa văn hóa và có bạn mới. Theo Châu, sinh viên đến từ nhiều quốc gia, mỗi người có tính cách và lối sống riêng, rất khó để cởi mở và làm quen với họ.
Khánh Ly tuy dễ dàng kết bạn với sinh viên Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp..., nhưng thời gian đầu, cô sốc với văn hóa của người bản địa. Ly cho biết ở Hà Lan, mọi người rất thẳng thắn, cô từng nhiều lần tự ái khi được nghe góp ý. Ngoài ra, ở các thành phố nhỏ có rất ít dịch vụ mở cửa vào buổi tối. Cửa hàng và địa điểm ăn uống có thể đóng cửa lúc 18-19 h, muốn mua đồ ăn uống hay giải trí, Ly phải tranh thủ giờ hành chính.
Về thời tiết, châu Âu có những khoảng thời gian rất đẹp, nhiều du học sinh tranh thủ đi du lịch vì giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, sang mùa Đông, đặc biệt ở các nước Bắc Âu, nhiệt độ giảm mạnh. Du học sinh phải cẩn trọng khi ra ngoài để tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Các du học sinh còn dễ rơi vào trạng thái cô đơn trong mùa đông. Để đỡ nhớ nhà, Hồng Châu thường tránh ở một mình mà tới thư viện đọc sách, hẹn đồng hương tới nhà trò chuyện, ăn uống hoặc ra ngoài săn những hình ảnh đẹp.
"Thời tiết lạnh giá cùng áp lực học hành, cuộc sống, nếu không cởi mở và tìm kiếm bạn bè để chia sẻ, các du học sinh rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm vào mùa đông", chị Tiên nói.
Duy Phương