Học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) đang trong giai đoạn nhận hồ sơ. Theo ông Nguyễn Quốc Tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giáo dục Hoa ngữ Quốc tế (QTEDU), mọi năm, CSC thường mở đơn từ 1/1 đến hết tháng 3. Năm nay, học bổng mở sớm hơn và dự kiến kết thúc trong tháng 1, muộn nhất là 15/2. Kết quả sẽ được công bố vào khoảng tháng 6-7 và thời gian nhập học ở Trung Quốc vào tháng 9.

CSC là một trong những học bổng Trung Quốc có giá trị tốt nhất hiện nay. Người giành học bổng ngoài được miễn học phí, ký túc xá, bảo hiểm y tế, còn được trợ cấp từ 2.500 tệ đến 3.500 tệ một tháng (9-13 triệu đồng) tùy theo bậc học, chi trả đủ 12 tháng trong năm. Du học sinh còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, du lịch miễn phí. CSC có đủ các hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; đa dạng chuyên ngành và đào tạo bằng tiếng Anh hoặc Trung. Hơn 280 trường đại học, gồm nhiều trường thuộc top đại học tốt nhất thế giới cấp học bổng này.

Hồ sơ ứng tuyển học bổng CSC gồm đơn xin học bổng, hộ chiếu còn hạn 6 tháng, bằng tốt nghiệp theo yêu cầu, bảng điểm (học bạ), kế hoạch học tập hoặc nghiên cứu, thư giới thiệu của hai chuyên gia trong ngành, thư giới thiệu của Viện Khổng tử, giấy khám sức khỏe, chứng chỉ năng lực Hán ngữ HSK, HSKK hoặc IELTS, TOEFL (với hệ học bằng tiếng Anh), giấy khen, bằng khen hay giấy chứng nhận tham gia hoạt động ngoại khóa (nếu có). Một số trường có thể yêu cầu giấy xác nhận dân sự, thư giới thiệu của đơn vị công tác hoặc chứng minh tài chính.

du-hoc-7974-1670233162.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wKQH0BsQ9IDkpQZTKwpjDg

Ông Nguyễn Quốc Tư (bìa trái) và bà Đinh Thanh Bình (giữa) chia sẻ thông tin về du học Trung Quốc tại hội thảo du học hôm 3/12 tại Hà Nội. Ảnh: QTEDU

Hai loại học bổng CSC phổ biến nhất

Ông Nguyễn Quốc Tư cho hay học bổng chính phủ Trung Quốc là cách gọi chung của các loại học bổng được cấp bởi Quỹ học bổng chính phủ Trung Quốc, phổ biến nhất với du học sinh Việt là học bổng loại A, B.

Học bổng loại A là các gói học bổng của Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao, không phải của các đơn vị phụ trách tuyển sinh cho các trường cao đẳng, đại học Trung Quốc. Chỉ tiêu hàng năm có thể thay đổi, được công khai trong thông báo học bổng. Ví dụ năm 2023, Trung Quốc cấp 69 suất cho sinh viên Việt Nam, trong khi năm 2022 là 50, năm 2021 là 44 suất. Để đăng ký học bổng này, ứng viên cần liên hệ với các cơ quan, tổ chức chính phủ, phi chính phủ có liên quan.

Học bổng loại B là học bổng toàn phần mà Quỹ học bổng chính phủ Trung Quốc cấp cho các trường đại học trong nước để tự chủ tuyển sinh theo mục tiêu của mình. Do đó, ứng viên thường khó biết được chỉ tiêu hoặc ngành học được cấp học bổng hàng năm ra sao.

"Đây là loại học bổng được ứng tuyển phổ biến nhất trong các loại hình học bổng CSC", ông Tư nói.

Bà Đinh Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trác Việt, Hải Phòng, lưu ý ứng viên nộp học bổng loại B nên tìm hiểu trường mình nộp hồ sơ trước, sau đó gửi hồ sơ sớm và đợi phản hồi từ hệ thống của trường. Nếu trường chấp nhận hồ sơ, các em mới lên hệ thống chính thức của học bổng CSC, chọn trường đã nhận mình rồi tải hồ sơ lên. "Bằng cách đó, tỷ lệ trúng tuyển sẽ cao hơn. Nhiều em không biết điều này, chỉ tải hồ sơ lên hệ thống rồi ngồi chờ", bà Bình nói.

Kế hoạch học tập "càng chi tiết càng tốt"

Theo ông Tư, quan trọng nhất trong hồ sơ ứng tuyển học bổng CSC là kế hoạch học tập hoặc nghiên cứu, tương tự như bài luận trong hồ sơ xin học bổng các nước khác. Ứng viên nên viết bản kế hoạch bằng tiếng Trung vì hội đồng tuyển sinh sẽ cảm thấy thoải khi đọc bằng tiếng Trung Quốc.

Đối với bậc cử nhân, ban tuyển sinh quan tâm trong bốn năm tới, ứng viên đặt mục tiêu gì, hoàn thành mục tiêu đó ra sao và chọn học phần gì để nghiên cứu hay đọc các loại sách gì. Kế hoạch học tập được yêu cầu 1.000 chữ nhưng ứng viên có thể viết tới 2.000 chữ.

"Kế hoạch càng chi tiết càng tốt", ông Tư khuyên.

Anh Đoàn Bá Toại, giảng viên tiếng Trung, Đại học Thành Đông, Hải Dương, cho biết thêm thông qua kế hoạch học tập, trường sẽ đánh giá được con người và trình độ ngôn ngữ của ứng viên. "Khó nhất là phải biết kết nối được bản thân với kế hoạch học tập đó", anh Toại nói.

Trong kế hoạch học tập, ứng viên cần giới thiệu bản thân, nêu ra được mục tiêu rõ ràng cũng như lộ trình để đạt được mục tiêu đó. Thông thường ở năm thứ nhất bậc cử nhân, ứng viên sẽ hoàn thành các môn đại cương và nâng cao năng lực tiếng Trung. Năm thứ 2, thứ 3, du học sinh tập trung các môn chuyên ngành và hoạt động ngoại khóa cũng như nghiên cứu để đến năm cuối dành thời gian cho luận án tốt nghiệp, thực tập và tìm việc.

Khung chung như vậy nhưng để nổi bật hơn hồ sơ khác, ứng viên cần đầu tư vào phần phương hướng học tập, nghiên cứu và định hướng phát triển bản thân, kế hoạch sau khi tốt nghiệp.

GPA giỏi và HSK 4 trở lên

Theo bà Đinh Thanh Bình, để có một hồ sơ CSC đẹp, ứng viên cần có GPA (điểm trung bình học tập) giỏi trở lên và điểm HSK cao (tối thiểu HSK 4). Đây thường là hai điều kiện cần của các học bổng. Tiếp đến, ban tuyển sinh sẽ xem xét điều kiện đủ là năng lực nghiên cứu, học tập của ứng viên qua bản kế hoạch học tập, nghiên cứu. Sau đó là hoạt động ngoại khóa và thư giới thiệu.

Các chuyên gia cho rằng ứng viên chỉ cần có 2-3 hoạt động ngoại khóa liên quan đến chuyên ngành nhưng phải gây ấn tượng. Thư giới thiệu cần ở các bậc học nhưng đặc biệt quan trong trọng từ bậc thạc sĩ trở lên. Thư nên từ một giáo sư, phó giáo sư hoặc người đứng đầu chuyên ngành để tăng độ uy tín.

Theo các chuyên gia, học bổng CSC có độ cạnh tranh cao. Do đó, để tăng cơ hội, ứng viên nên tìm hiểu trước và có sự chuẩn bị từ sớm.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022