Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia, đại biểu quốc hội nhiều lần khẳng định dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật và chính đáng của cả giáo viên và học sinh. Vì vậy, thay vì cấm hay chê trách, Bộ xây dựng các quy định theo hướng quản lý hiệu quả hoạt động này, cũng như ngăn chặn hành vi ép học thêm của một số giáo viên.

Đây cũng là quan điểm của nhiều nhà giáo. Đầu tiên, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất xây dựng một hệ thống trực tuyến, quy mô cả nước để quản lý dạy thêm.

Trên nền tảng này, giáo viên dạy thêm đăng ký chương trình dạy, nêu rõ các học phần, tiến độ bài giảng cũng như chuẩn đầu ra. Theo ông Nam, việc này nhằm đảm bảo chương trình dạy thêm không trùng với chính khóa. Ngoài ra, hệ thống có thể giúp phân tích dữ liệu của học sinh, từ đó gợi ý nội dung học phù hợp và định hướng nghề nghiệp cho từng em.

"Việc học thêm nếu đúng cách có thể khuyến khích tư duy phản biện, sáng tạo và hợp tác thông qua các phương pháp dạy học thực tế và trải nghiệm", ông Nam nói.

Thứ hai, ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, tỉnh Lâm Đồng, đề nghị hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên và sâu sát hơn. Qua đó, nhà chức trách nắm được lịch học, thời gian, học phí, cơ sở vật chất, cũng như những bất cập, phản ánh của người học.

Về lâu dài, ông mong có riêng quy định về dạy thêm, học thêm ở mỗi cấp học, không để chung như hiện nay. Lý do là nhu cầu học thêm của mỗi cấp khác nhau, nhất là học sinh lớp 9, 12 phải thi chuyển cấp, tách riêng các yêu cầu giúp ngành và địa phương dễ quản lý. Chẳng hạn, ở mỗi cấp học có quy định cụ thể về số tiết giáo viên được dạy, cũng như thời gian tối đa học sinh được học thêm ở ngoài trường.

Thứ ba là đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo đề xuất trong nghiên cứu đánh giá tác động của dạy thêm, học thêm của thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo quy định, khi nằm trong danh mục này, các đơn vị phải được cấp phép, đáp ứng các quy định nhất định của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian qua cũng nhiều lần kiến nghị điều này, nhằm giúp hoạt động này không biến tướng, thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.

trung-tam-day-them-4847-163759-3075-1335-1734016377.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pEzldu8waoCqnh7JC4VJcg

Một trung tâm dạy thêm, học thêm tại quận Tân Phú, TP HCM. Ảnh: CTV

Các đề xuất nói trên tương tự quy định dạy thêm ở nhiều nước.

Trên thế giới, dạy thêm là ngành công nghiệp khổng lồ, đạt doanh thu 196,3 tỷ USD vào năm 2020, phần lớn đến từ châu Á, theo Global Industry Analysts. Nhật Bản, Hàn Quốc không cấm dạy thêm, học thêm, mà coi đây là ngành kinh doanh, phải đóng thuế và tuân theo quy định của nhà nước.

Tại Nhật Bản, các trung tâm dạy thêm được gọi là "juku", phải đăng ký và đóng thuế thu nhập. Theo Statista, năm 2023, gần 6.000 cơ sở diện này, thu hút hơn 14 triệu học sinh, chiếm 11% dân số cả nước. Đội ngũ giáo viên ở trường học và các trung tâm luyện thi độc lập với nhau, không được làm việc lẫn lộn. Nếu bị phát hiện, giáo viên sẽ bị sa thải.

Hàn Quốc gọi các trung tâm dạy thêm là "hagwon". Dữ liệu từ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho thấy năm ngoái, 78,5% học sinh học thêm.

TheoKorea JoongAng Daily, từ năm 2008, Hàn Quốc hạn chế các trường luyện thi hoạt động sau 0h, với mục đích giảm chi phí giáo dục và đảm bảo học sinh ngủ đủ giấc. Nếu vượt quá, những cơ sở này sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép. Cùng đó, từ kỳ thi đại học năm 2023, những "câu hỏi sát thủ" bị loại khỏi đề thi đại học. Đây là những câu chiếm nhiều điểm nhất trong đề, đánh giá học sinh bằng kiến thức không được dạy trên trường.

Giới chức hy vọng góp phần tạo bình đẳng giữa các nhóm học sinh, nhất là những em không có điều kiện học thêm, đồng thời giảm áp lực với việc học ngoài nhà trường.

230629094733-05-file-south-kor-7502-1195-1734016377.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lJ0n7PlJPy-_fAPBHJ0Zuw

Trẻ em Hàn Quốc đi học thêm ở Seoul. Ảnh: AFP

Trung Quốc cấm dạy thêm, học thêm nhưng đang xem xét lại việc này.

Chính phủ ra chính sách "giảm kép" vào cuối năm 2021: cắt giảm bài tập về nhà và số giờ học thêm, nhằm giúp học sinh khỏi tình trạng kiệt sức, giảm bất bình đẳng và ngăn cha mẹ chi những khoản tiền lớn cho các lớp này.

Từ tháng 1/2022, tất cả hoạt động dạy thêm đều bất hợp pháp. Dù vậy, nhu cầu dạy thêm, học thêm rất mạnh mẽ. Các trung tâm hoạt động trá hình dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, còn giáo viên cũng lén dạy thêm sau giờ học.

Trước thực tế này, đầu năm nay, giới chức Trung Quốc dự thảo quy định về ngành công nghiệp dạy thêm. Lần đầu tiên, dạy thêm được định nghĩa là hình thức đào tạo "có tổ chức và hệ thống" ngoài chương trình chính quy, dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 và trẻ từ 3 đến 6 tuổi, theo Caixin Global.

Các cơ sở dạy thêm phải xin phép và đăng ký dưới danh nghĩa là tổ chức phi lợi nhuận. Giáo viên trong trường học không được dạy thêm, còn những người đứng lớp tại trung tâm phải có chứng chỉ sư phạm. Các cơ sở dạy thêm cần nộp tài liệu giảng dạy cho nhà chức trách, bị cấm hoạt động vào các ngày quốc lễ, cuối tuần, nghỉ hè, nghỉ đông. Học phí dự kiến do chính quyền quy định.

Thanh Hằng - Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022