Sau 5 tháng nghiên cứu, 7 dự án này đã được giới thiệu trong vòng chung kết cuộc thi đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, ngày 24/3.

Trước đó, các nhóm sinh viên đã nhận "đề bài" là vấn đề mà một số doanh nghiệp đang gặp phải, như xử lý nước nuôi tôm; lọc kim loại nặng từ nước thải công nghiệp; ứng dụng blockchain vào giao thông vận tải; tối ưu hóa sử dụng điều hòa; thiết kế khuôn mẫu; đánh giá học tập online.

Giảng viên và cố vấn đến từ doanh nghiệp sẽ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, đưa ra giải pháp bằng những kiến thức lý thuyết gắn với chuyên ngành học của các em.

336205002-1272582763329075-829-3395-1878-1679735801.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9TqHFyDayj5i4HY8X_lU-w

Nhóm sinh viên gắn mô hình lọc kim loại nặng từ nước thải công nghiệp tại cuộc thi, sáng 24/3. Ảnh: Nhật Lệ

Dự án hệ thống xử lý nước nuôi tôm của nhóm sinh viên trường Đại học Cần Thơ được đánh giá hiệu quả nhất. Dự án xuất phát từ việc xử lý nước đầu vào và nước thải nuôi tôm đều phải sử dụng một lượng lớn thuốc tím (pemanganat) hoặc clo (Chlorine) để khử trùng, gây ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Văn Mạnh, sinh viên trường Đại học Cần Thơ, cho biết nhóm đã đưa ra giải pháp thay thế việc sử dụng thuốc tím (pemanganat) hoặc clo (Clo) bằng phương pháp điện hóa – siêu âm kết hợp với sục khí ozone nhằm giảm tác hại của hóa chất đối với môi trường và con người, cũng như giảm chi phí trong sản xuất.

Tham gia nhóm dự án lọc kim loại nặng từ nước thải công nghiệp cùng hai sinh viên khác, Vân Phụng, trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho hay giải pháp hiện tại của nhóm đã có thể xử lý nước thải quy mô phòng thí nghiệm. Đây là tiền đề để nhà máy vận dụng xử lý nguồn nước thải lớn.

Phụng nói trước đó doanh nghiệp này đã từng sử dụng phương pháp lọc hỗn hợp nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn vì chỉ lọc được bùn ra khỏi nước, kim loại nặng vẫn lẫn vào nước thải. Về lâu dài, nước thải lẫn với kim loại nặng sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và cây trồng, vật nuôi trong nước.

Là doanh nghiệp tham gia chương trình, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng giám đốc Công ty Dow Việt Nam, đánh giá những giải pháp của sinh viên có thể áp dụng được trong tương lai.

Cô Phan Thị Mai Hà, giảng viên trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho rằng các sản phẩm của sinh viên cần cải tiến, nghiên cứu thêm để có thể áp dụng trên quy mô lớn, nhưng giải pháp mà các em đưa ra đều là những điều doanh nghiệp đang cần.

Theo cô Hà, sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp đặt sinh viên vào những bài toán khó, qua đó vận dụng những lý thuyết được học vào thực tế và học hỏi kỹ năng làm việc, nghiên cứu.

Nhật Lệ

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022