Nhiều người quyết định bỏ học, đi làm nghề tự do trong khi số khác vật lộn tìm cách trang trải học phí.
Thay đổi suy nghĩ
Grayson cho biết: Tôi có thể làm những điều mình muốn, những việc tôi cảm thấy quan trọng và tận hưởng chúng. Tôi nhận ra mình có thể kiếm một mức lương ổn định mà không cần bằng cấp. Rất nhiều bạn bè giống tôi đã tự hỏi tại sao tôi lại bỏ hàng đống tiền cho một tấm bằng đại học trong khi nó không giúp ích gì cho tôi ở thời điểm hiện tại.
Một năm sau khi tốt nghiệp trung học, Grayson làm tổ chức sản xuất cho một chương trình biểu diễn dành cho giới trẻ ở hạt Jackson, bang Tennessee. Anh trúng tuyển tất cả các trường đại học đã đăng ký nhưng cuối cùng lại từ chối toàn bộ. Chi phí là nguyên nhân chính, nhưng một năm học trực tuyến hồi trung học đã khiến Grayson suy nghĩ lại về quyết định của mình.
Khi còn bé, Grayson mơ ước được học nhạc kịch tại Đại học Pennsylvania, thành viên khối Ivy League. Gia đình anh cũng ủng hộ và đặt nhiều kỳ vọng lúc Grayson còn học tại một trường trung học tư thục.
Trong thời gian học trực tuyến, Grayson bắt đầu tìm việc làm bán thời gian tại các cửa hàng. Ở đây, nam sinh tìm thấy một cuộc sống độc lập, không còn những áp lực, căng thẳng học tập. Sau khi tốt nghiệp trung học, Grayson quyết định bỏ dở kế hoạch học lên cao.
Grayson là một trong số hàng trăm nghìn thanh niên lớn lên trong đại dịch và quyết định không học đại học. Một số nhà cố vấn và ban giám hiệu các nhà trường đã bị sốc khi thấy học sinh tốt nghiệp trung học đổ xô đi làm trong các kho hàng của Amazon hoặc kiếm tiền từ các công việc lao động tự do.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ học đại học tại Mỹ đã tăng lên cho đến khi đại dịch đảo ngược tiến trình kéo dài hàng thập kỷ. Trên toàn quốc, dữ liệu từ tổ chức giáo dục National Student Clearinghouse chỉ ra tỷ lệ tuyển sinh đại học đã giảm 8% từ năm 2019 đến năm 2022. Mức giảm được ghi nhận ngay cả sau khi các trường nối lại học trực tiếp.
Tỷ lệ người học đại học giảm ngay cả khi số lượng học sinh tốt nghiệp trung học tăng lên. Thậm chí, tỷ lệ này còn đi ngược với những biến động kinh tế - vốn được coi là yếu tố thúc đẩy mọi người học lên cao hơn.
Tại bang Tennessee, các nhà giáo dục đã kêu gọi hành động sau khi phát hiện chỉ 53% học sinh tốt nghiệp trung học công lập đăng ký học đại học vào năm 2021, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn quốc.
Đó là cú sốc với một bang có tỷ lệ nhập học tăng vọt sau khi miễn phí đại học công lập từ năm 2014. Các nhà giáo dục cho rằng, khả năng tiếp cận việc làm dễ dàng và nỗi sợ gánh nặng tài chính đã khiến đại học trở nên kém hấp dẫn hơn. Tỷ lệ học đại học hiện nay ở mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Tương tự, tại bang Arkansas, số học sinh tốt nghiệp trung học và đại học đã giảm từ 49% xuống 42% trong thời kỳ đại dịch. Bang Kentucky cũng ghi nhận tỷ lệ giảm tương tự, xuống còn 54%. Bang India cũng ghi nhận mức giảm mạnh từ năm 2015 đến năm 2020 khiến các nhà lãnh đạo phải đưa ra cảnh báo “tương lai của bang đang gặp rủi ro”.
Sự thay đổi này diễn ra rõ rệt ở hạt Jackson, nơi chỉ 4/10 học sinh tốt nghiệp trung học công lập vào đại học năm 2021. Năm 2019, con số này là 6/10. Mức giảm này thấp hơn nhiều so với mức giảm chung của cả nước, báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ chỉ ra.
Đáng chú ý, sinh viên da đen, gốc Tây Ban Nha hoặc sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp là nhóm bỏ học đại học cao nhất. Ở bang Tennessee, năm 2021, chỉ 35% học sinh gốc Tây Ban Nha và 44% học sinh da đen đăng ký vào đại học.
Chi phí sinh hoạt tăng cao trở thành gánh nặng với sinh viên Vương quốc Anh.
Bỏ học đi làm tự do
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Scott Campbell, Giám đốc điều hành tổ chức giáo dục Persist Nashville, cho biết trong dịch Covid-19, nhiều học sinh bị bỏ rơi.
Một số em bị tụt lại phía sau và cảm thấy không sẵn sàng cho việc học đại học. Số khác không tìm được sự hỗ trợ từ giáo viên hoặc những người cố vấn trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển đại học.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và sinh viên mà hãng AP phỏng vấn, đã mô tả một thế hệ bị các tổ chức giáo dục làm cho mệt mỏi trong giai đoạn dịch Covid-19.
Phần lớn sinh viên phải tự học trong quá trình học từ xa. Nhiều người nhận thêm công việc bán thời gian. Một số cảm thấy không học được gì và ý tưởng học thêm 2 năm hay 4 năm nữa không còn hấp dẫn. Đồng thời, nợ sinh viên tại Mỹ đã tăng vọt, làm chùn chân người trẻ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Các nhà kinh tế học cảnh báo tác động của việc người trẻ bỏ học đại học là rất nghiêm trọng. Đáng chú ý, nó báo hiệu một thế hệ mới không mấy tin tưởng vào giá trị của bằng đại học. Số lượng cử nhân giảm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động trong tất cả các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến công nghệ thông tin.
Theo Trung tâm Giáo dục và Lực lượng Lao động, Đại học Georgetown, Mỹ, thu nhập cả đời của người bỏ học đại học thấp hơn 75% so với người có bằng đại học. Khi nền kinh tế sa sút, những người không có bằng cấp có khả năng mất việc làm cao hơn. Điều này cũng tác động ngược trở lại nền kinh tế quốc gia.
Trong khi tỷ lệ thanh niên bỏ học đại học tăng, tỷ lệ thanh niên làm việc bán thời gian hoặc làm những công việc không yêu cầu bằng cấp lại tăng vọt.
Đơn cử, tại hạt Jackson, các nhà lãnh đạo cho biết, số lượng người trẻ tuổi đang làm phục vụ nhà hàng hoặc làm nhân viên tại cửa hàng bán lẻ nhiều hơn từ trước đến nay. Nhiều nhà máy sản xuất thậm chí mạnh tay tăng lương để thu hút nguồn lực này nhằm lấp đầy tình trạng thiếu lao động.
Bà Vicki Bunch, người đứng đầu bộ phận phát triển lực lượng lao động của hạt Jackson, nhận định: “Người trẻ dường như không thể cưỡng lại tiền thưởng và tiền lương khi nó vượt xa bất kỳ mức lương nào họ từng thấy trước đây”.
Tình trạng trên cũng được ghi nhận trên khắp bang Tennessee khi ngày càng nhiều lo ngại người trẻ từ bỏ đại học để làm việc cho các nhà máy mới mở, hứa hẹn tạo ra hàng nghìn việc làm cho những người lao động trẻ tuổi.
Trường hợp của Daniel Moody là một ví dụ. Chàng trai 19 tuổi đang điều hành hệ thống ống nước cho một nhà máy sau khi tốt nghiệp trung học tại Memphis vào năm 2021. Hiện tại, Daniel kiếm được 24 USD/giờ.
“Nếu học đại học, tôi sẽ khánh kiệt. Những người đang cố gắng theo đuổi đại học sẽ không thể kiếm được số tiền như tôi đang làm hiện nay”, Daniel bày tỏ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận tín hiệu tích cực là số lượng thanh niên học nghề đang dần gia tăng. Theo Bộ Lao động Mỹ, sau khi giảm vào năm 2020, số lượng người học nghề mới ở Mỹ đã tăng trở lại gần bằng mức trước đại dịch.
Dù vậy, không ít thanh, thiếu niên Mỹ vẫn đang loay hoay ngoài kia mà không biết phải theo đuổi con đường nào. Trở lại hạt Jackson, Grayson chia sẻ: “Đôi khi, tôi tự hỏi điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Tôi thực sự lo lắng về tương lai. Nhưng ngay bây giờ, tôi cố gắng nhắc nhở bản thân rằng tôi đang làm tốt ở vị trí của mình và tôi sẽ thực hiện từng bước một”.
Thanh niên Mỹ quyết định đi học nghề thay vì vào đại học.
Cân nhắc bỏ học
Còn tại Vương quốc Anh, 1/5 sinh viên tại 24 trường thành viên của nhóm Russell, nhóm các trường đại học tiêu biểu trong nước, cân nhắc bỏ học vì chi phí sinh hoạt gia tăng. 1/4 sinh viên thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu thức ăn và nhu yếu phẩm khác.
Những sinh viên có khả năng bỏ học cao nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, khuyết tật... Sinh viên quốc tế, với quy định không được làm thêm quá 20 giờ một tuần, cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều sinh viên chia sẻ muốn tự tử, không thể chịu được lo lắng và cô đơn giữa cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay. Một số người thậm chí không dám bật lò sưởi trong những ngày rét buốt nhất vì sợ sẽ không kham nổi tiền điện.
Là sinh viên năm nhất Đại học College London, Sophie Bush, 20 tuổi, thừa nhận đã suy nghĩ nghiêm túc đến việc bỏ học khi chi phí sinh hoạt tăng cao. Sống tại ký túc xá của trường đại học, Sophie từng mơ ước sẽ tốt nghiệp cử nhân, tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ nhưng vấn đề tài chính đang khiến giấc mơ này trở nên bất khả thi.
“Tôi phải từ bỏ một số phần trong mục tiêu của mình và điều hướng nó theo một cách khác bởi vì trên thực tế, tôi sẽ không đủ khả năng chi trả học phí. Điều đó khiến tôi thực sự đau lòng”, Sophie bày tỏ.
Hiện tại, Sophie làm phục vụ bàn bán thời gian cho một cửa hàng đồ ăn. Nữ sinh cố gắng tiết kiệm tiền nhiều nhất có thể để tiếp tục việc học trong năm tới nhưng vẫn cảm thấy bất an và mông lung.
Người trẻ Mỹ bỏ học đi làm trong các nhà kho của Amazon.
“Đại học không giống những gì tôi tưởng tượng. Nhiều sinh viên, giống như tôi, đã bị đẩy đến giới hạn của mình. Tôi sợ rằng nếu tình trạng trở nên tồi tệ hơn, tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ. Tôi đã khóc rất nhiều mỗi khi nghĩ đến tiền”, Sophie bộc bạch.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu Chính phủ Vương quốc Anh không hỗ trợ kịp thời, khủng hoảng từ lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao có thể dẫn đến quá trình “chọn lọc” sinh viên cho các trường đại học.
Điều này đồng nghĩa chỉ người trẻ đến từ các gia đình khá giả mới đủ khả năng học đại học - đi ngược lại với tiến bộ hàng thập kỷ trong việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục đại học.
Phản hồi ý kiến của các học giả, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh cho biết: "Bộ Giáo dục nhận thấy nhiều sinh viên đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt. Chúng tôi sẽ dành thêm 15 triệu bảng Anh để hỗ trợ những sinh viên đang gặp khó khăn, đồng thời tăng khoản tài trợ chi phí bảo hiểm cho sinh viên lên mức 276 triệu bảng Anh trong năm học 2022 - 2023".
Đại diện Bộ Giáo dục cho biết thêm, các cơ sở giáo dục đang tăng cường hỗ trợ sinh viên và kêu gọi các em "hãy nói chuyện với thầy cô trước khi quyết định nghỉ học" để hai bên cùng tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo AP, TG