Cách đây vài năm, một nữ sinh 18 tuổi ở Osaka, Nhật Bản đã khởi kiện, yêu cầu trường học bồi thường 2,2 triệu yen (khoảng 400 triệu đồng) vì cho rằng bị sang chấn tâm lý khi liên tục bị yêu cầu nhuộm mái tóc màu nâu tự nhiên của mình thành màu đen.
Vụ kiện gây xôn xao toàn quốc. Năm 2021, cả tòa án cấp phúc thẩm và quận Osaka đều ra phán quyết trường học có thể yêu cầu học sinh nhuộm tóc đen "vì mục đích giáo dục". Tuy nhiên, nữ sinh vẫn nhận được khoản bồi thường khoảng 330.000 yen.
Thực tế, trong một thời gian dài trước đây, nhiều trường học Nhật Bản không cho phép học sinh để tóc quá dài, cấm nhuộm tóc và yêu cầu về ăn mặc rất khắt khe, thậm chỉ chỉ định màu của đồ lót. Tờ The Asahi Shimbun khảo sát 170 trường học công lập hồi năm 2017, kết quả 57% số này cấm nhuộm tóc, đồng thời yêu cầu học sinh chứng minh màu tóc của mình là tự nhiên. Các quy định được cho là để đảm bảo trật tự và thống nhất trong nhà trường.
Tuy nhiên, tháng 3/2022, gần 200 trường công lập tại Tokyo bỏ quy định học sinh phải để tóc đen. Động thái này được đưa ra sau một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021 với 240 trường học ở thủ đô, cho thấy ngày càng nhiều người, gồm cả học sinh và người làm việc trong ngành giáo dục, đánh giá các nội quy đã lỗi thời.
Ảnh: istock
Tại Hàn Quốc, vào những năm 1990 và 2000, nhiều trường học yêu cầu cả nam và nữ để tóc ngắn, hầu hết nữ sinh phải không được để tóc dài quá 3-5 cm tính từ dái tai. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục nước này vào năm 2005, hơn 92% trường THCS và 91% trường THPT trên cả nước có quy định nghiêm ngặt về tóc. Một số trường dùng kéo hoặc tông đơ để cắt tóc học sinh nếu các em không tuân thủ nội quy.
Đến năm 2018, trong một khảo sát được thực hiện với 200 trường THCS và THPT Hàn Quốc, 88% cấm học sinh nhuộm hoặc uốn tóc; gần 40% vẫn kiểm soát độ dài tóc của học sinh. Tờ Korea Times nhận định các quy định khắt khe về tóc của học sinh là thông lệ lâu đời tại Hàn Quốc, dù nay đã giảm so với giai đoạn trước.
Tháng 9/2018, Văn phòng Giáo dục Seoul tuyên bố bãi bỏ các quy định về tóc tại tất cả trường học ở thủ đô. Học sinh được tự do nhuộm, uốn cũng như chủ động quyết định độ dài mái tóc. "Chọn kiểu tóc nào là một phần của quyền tự quyết và nó phải được đảm bảo như một quyền cơ bản của con người", Giám đốc Văn phòng Cho Hee-Yoen nói vào thời điểm đó.
Song, ở quy mô toàn quốc, không phải địa phương nào cũng nới lỏng các quy định này. Tháng 10/2022, một nữ sinh THPT tại tỉnh Bắc Gyeongsang đã đệ đơn lên cơ quan chức năng, cho rằng các quy định liên quan đến tóc mà trường đặt ra vi phạm quyền tự do của em. Cơ quan này sau đó khuyến nghị các trường cần thay đổi các chính sách về tóc của học sinh.
Học sinh trung học tại Seoul, Hàn Quốc, sau khi tan học. Ảnh: Yonhap
Nhiều trường học Trung Quốc cũng áp dụng các quy định tương tự. Hồi tháng 8/2022, SCMP đưa tin một trường trung học tại Đinh Châu, tỉnh Hà Bắc, cấm học sinh để những kiểu tóc "kỳ lạ". Các em được yêu cầu cắt ngắn, cả phần mai và không để mái vì chúng sẽ gây "phiền hà", ảnh hưởng đến kết quả học tập. Ngoài ra, trường này cũng cấm học sinh nhuộm, uốn hoặc đeo bất kỳ phụ kiện nào lên tóc.
Một giáo viên của trường cho biết các quy định này đã được áp dụng trong nhiều năm, và nhiều trường khác tại Đinh Châu cũng vậy. Người này nói thêm rằng khi tham gia các hoạt động như khiêu vũ, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, học sinh có thể xin miễn quy định về đầu tóc.
Năm 2019, một nữ sinh tại trường Công nghiệp - Thương mại và Du lịch Hạ Môn bị yêu cầu chứng minh mái tóc của em là xoăn tự nhiên. Sau khi tìm đến bệnh viện nhưng bị từ chối vì thiếu thiết bị, em được Hiệp hội Mỹ phẩm và Sắc đẹp địa phương chứng nhận không uốn tóc. Đại diện trường cho biết việc không cho học sinh nhuộm, uốn tóc là vì "sự phát triển lành mạnh của học sinh".
Theo SCMP, trường học Trung Quốc áp dụng hàng loạt quy tắc để học sinh dành toàn bộ thời gian, sức lực cho việc học. Một số trường còn cấm nam và nữ sinh ở một mình với nhau hoặc đến gần nhau quá 0,8 m.
Thanh Hằng (Theo SCMP, Korea Times, CNN)