Người ta nói rằng không có thành công trong bất kỳ sự nghiệp nào có thể bù đắp được thất bại trong việc giáo dục con cái, vì vậy thực tế đối với các bậc cha mẹ, giáo dục con cái là ưu tiên hàng đầu. Là cha mẹ, chúng ta nên tự hỏi mình đã đạt được bao nhiêu điểm trong quá trình giáo dục con cái? Nếu giáo dục con cái là một bài tập về nhà thì theo bạn, điểm số của mình sẽ ra sao?

Trong quá trình nuôi dạy con cái, bạn nhận thấy trẻ có những dấu hiệu nào sau đây không? Nếu có, chứng tỏ việc nuôi dạy con của bạn rất thành công và đứa trẻ đã giành chiến thắng ngay từ vạch xuất phát!

photo-1-1710568094556847944278.jpg

Ảnh minh họa

1. Trẻ có thể chịu trách nhiệm

Một người kể: "Con gái tôi đi chơi với bé trai hàng xóm, tinh nghịch trêu chọc người khác và bị truy đuổi. Con tôi chạy nhanh nhất có thể và trốn an toàn ở nhà nhưng bé trai kia lại bị bắt lại và mắng cho một trận. Tôi nghe chuyện, nói với con: Bây giờ con đưa em đi chơi, gặp nạn mà lại chạy, bỏ em một mình, đây là hành vi không có trách nhiệm. Cô con gái khóc lóc, do dự hồi lâu, cuối cùng cũng chạy ra xin lỗi người kia và đón em về".

Sự giáo dục kịp thời của người cha đã giúp các con học được cách chịu trách nhiệm. Đây là tính cách không phải sinh ra đã có mà hình thành trong quá trình giáo dục. Để nuôi dưỡng phẩm chất này của con, trước hết cha mẹ phải kiên quyết không chiều chuộng, phải để con học cách tự chăm sóc bản thân và chịu trách nhiệm về việc riêng của mình. Ví dụ, để trẻ tự dọn phòng, tự giặt tất bẩn và tự mình hoàn thành bài tập ở trường. Nếu trẻ làm những việc này thường xuyên và quen dần sẽ không còn cảm giác ỷ lại và tinh thần trách nhiệm sẽ hình thành một cách tự nhiên.

2. Trẻ tuân theo các quy tắc

Một người mẹ rất "khôn lỏi", trong một số trường hợp cần phải xếp hàng, bà thường xúi giục con trai chen ngang vào để khỏi chờ lâu. Tuy nhiên, sau khi đứa trẻ vào học mẫu giáo, cô giáo yêu cầu tất cả các em xếp hàng để lấy đồ. Đứa trẻ rõ ràng không phải là người đến đầu tiên nhưng lại muốn đứng đầu, đương nhiên không được cho phép nên nó bắt đầu khóc. Khi chơi đồ chơi, đứa trẻ này cũng giật đồ của trẻ khác, không được liền ra tay đánh. Thời gian trôi qua, đứa trẻ bị bạn bè "cô lập", ai cũng muốn lánh xa.

Có một câu nói thế này: Ai coi thường luật lệ cuối cùng sẽ phải gánh chịu hậu quả. Một số trẻ luôn coi nội quy như không có gì, tùy ý vứt rác, phá hoại tài sản công cộng, thậm chí gây ồn ào ở nơi đông người, v.v. Tuy đây là những hành vi của trẻ nhưng cũng trực tiếp chứng minh sự thất bại trong giáo dục của cha mẹ.

Bất kỳ cha mẹ nào cũng sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau trong quá trình phát triển của trẻ. Nên đặt ra một số quy tắc ngay từ khi trẻ còn nhỏ, như thế việc dạy dỗ sẽ phần nào dễ dàng hơn.

3. Trẻ có thể thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau trước mặt bạn

Thông thường, càng cảm thấy gần gũi với ai đó, bạn càng dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình trước mặt họ. Tương tự, nếu con cái cảm thấy thân thuộc, an toàn với cha mẹ về mặt tâm lý, chúng sẽ dám thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã,...

Nếu đứa trẻ ít thể hiện cảm xúc trước mặt cha mẹ, hoặc chỉ thể hiện một loại cảm xúc nhất định, điều đó cho thấy có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, các bà mẹ đừng trách con mất bình tĩnh, cũng đừng cho rằng những đứa trẻ thích làm nũng là hư hỏng. Lúc này, bạn cần dạy con cách kiểm soát cảm xúc như thế nào để trẻ có được kỹ năng giao tiếp tốt nhất.

4. Tìm đến bạn khi gặp vấn đề khó xử

Trong tâm lý học tồn tại một loại "quan hệ gắn bó an toàn", con người có đối tượng là tín ngưỡng và gắn bó, nghĩ rằng người đó sẽ hỗ trợ mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Rõ ràng, trong giai đoạn đầu đời của trẻ, cha mẹ là một đối tượng lý tưởng như vậy.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng khi trẻ gặp bất kỳ vấn đề gì và có thể tự giải quyết sẽ rèn luyện khả năng tự lập của trẻ. Điều này đúng, nhưng không phải luôn nhất thiết như vậy. Trên thực tế, nhiều vấn đề mà trẻ em gặp phải trong quá trình trưởng thành nằm ngoài khả năng hiểu biết và giải quyết của chúng.

Nếu phản ứng đầu tiên của trẻ là không tìm đến cha mẹ khi những vấn đề này xảy ra hoặc cố gắng tự mình giải quyết thì đôi khi đó không phải là sự cải thiện khả năng độc lập mà là do bạn - những bậc cha mẹ, chưa đủ thành công trong giao tiếp với con. Khi con nhờ giúp đỡ, bạn không được nóng nảy, trách móc mà hãy cố gắng hết sức để giúp con giải quyết những khúc mắc.

5. Trẻ không bị "dán nhãn"

Ví dụ hôm nay con đi muộn: "Sao con lười thế; Con lờ đờ như vậy chẳng làm nên trò trống gì đâu". Ví dụ khác, đứa trẻ hát lạc điệu: "Con thật không có năng khiếu nghệ thuật; Con không thích hợp để học hát". Hay khi đứa trẻ đi trên cầu ván rất căng thẳng, cha mẹ nói, con thật hèn nhát.

Các bậc phụ huynh thường không biết rằng những lời trách mắng, chỉ trích hay lo lắng, thất vọng về đứa trẻ không những làm cho các em cảm thấy buồn khi bị la mắng hay bị đánh giá mà còn hơn thế nữa. Những điều đó sẽ có tác dụng ám thị đối với trẻ, khiến chúng sẽ hành động hay trở nên như vậy một cách vô ý thức. Những điều đó giống như những hạt mầm gieo vào trong tâm hồn con trẻ, chúng sẽ tăng trưởng và có khi trở thành tính cách thực của trẻ.

Một số nhà tâm lý học cho rằng rằng có vô số trẻ em dần dần hình thành những thói quen xấu do đánh giá sai lầm của cha mẹ, để cuối cùng chúng trở thành loại người mà cha mẹ chúng nói. Những nhãn mác mà cha mẹ gắn cho con thời tuổi thơ sẽ theo con đi đến hết cuộc đời. Tổn thương do bị kết tội thường sẽ nặng nề hơn rất nhiều những tổn thương ngoài cơ thể.

6. Trẻ được khuyến khích làm điều mình thích

Khi đăng ký cho con học piano, bạn có hỏi ý kiến của con không? Một số cha mẹ không cho phép con mình phát triển những lĩnh vực mà chúng quan tâm, và những "sở thích" mà họ cho phép con theo đuổi thực chất là những mơ ước mà trước đây bản thân họ chưa được thỏa mãn. Nhiều bậc cha mẹ đã vô tình sử dụng con cái như một công cụ để thực hiện ước mơ của mình, chưa bao giờ hỏi han con muốn làm gì.

Nếu cha mẹ không cho con phát hiện tài năng và ép con học những lĩnh vực mà con không hứng thú, con sẽ sợ làm cha mẹ thất vọng và đương nhiên sẽ cảm thấy áp lực rất lớn trong quá trình học tập. Kết quả là đứa trẻ phải sống trong bầu không khí căng thẳng!

Nhiệm vụ của cha mẹ là hướng dẫn con cái chứ không phải thay chúng quyết định. Cha mẹ nên để con tự do lựa chọn việc mình muốn làm, đồng thời từ từ giúp con củng cố và xác định những điều con thực sự thích và cần thiết cho tương lai của con. Hãy thử tưởng tượng, bạn có muốn con mình giống mình, làm công việc chúng không thích, muốn nghỉ việc nhưng không dám, thay vào đó lại đặt hy vọng vào thế hệ tiếp theo? Đây không phải là một vòng luẩn quẩn sao?

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022