Thay vì sử dụng 10 câu nói dưới đây, bạn hãy biến chuyển ngôn từ tinh tế, linh hoạt hơn vì lợi ích của trẻ.
1. "Con làm tốt lắm"
Nhà tâm lý học Jenn Berman, tác giả cuốn Hướng dẫn từ A đến Z để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, chỉ ra rằng việc khen ngợi con bằng câu nói chung chung sẽ khiến trẻ phụ thuộc vào lời khen của cha mẹ hơn là động lực nội tại.
Khi khen ngợi trẻ, bạn nên nói rõ lý do khen ngợi và thuyết phục trẻ tin vào khả năng của bản thân. Ví dụ, khi trẻ hoàn thành tốt công việc nhóm, bạn có thể thay thế câu "Con làm tốt lắm" thành "Đó là hành động tuyệt vời, mẹ thích cách con làm việc cùng bạn bè".
2. "Con hãy thực hành để làm nên sự hoàn hảo"
Dành nhiều thời gian có thể khiến các kỹ năng ngày càng sắc bén hơn, nhưng câu nói này có thể tăng áp lực cho trẻ. Thông điệp của câu nói là nếu mắc lỗi, đó là do trẻ không tập luyện chăm chỉ. Thay vào đó, hãy khuyến khích trẻ làm việc chăm chỉ vì nó sẽ tiến bộ hơn so với bản thân của ngày hôm qua.
3. "Con ổn mà"
Khi con bị thương và bật khóc, bản năng của bạn là trấn an trẻ không bị tổn thương nặng. Việc nói "Con ổn mà" chỉ làm trẻ cảm thấy tồi tệ hơn vì thực tế chúng cảm thấy không an toàn. Nhiệm vụ của phụ huynh là giúp con hiểu và giải quyết cảm xúc tiêu cực của bản thân, không cố nói giảm nói tránh. Bạn hãy ôm con và thừa nhận những gì đang xảy ra, giải thích mọi chuyện sẽ trôi qua nếu trẻ làm theo lời bạn.
4. "Con nhanh lên"
Vì còn nhỏ, trẻ có thể chưa thành thạo hoặc có tính chây lười khi làm việc. Tuy nhiên, việc thúc đẩy trẻ bằng câu "Con nhanh lên" sẽ tạo thêm căng thẳng cho chúng. Khi cần nhắc con hành động nhanh, phụ huynh nên dịu giọng hoặc biến hành động thành trò chơi. Ví dụ, khi ăn sáng, hãy cùng con chơi trò "Ai ăn nhanh hơn" nhưng đảm bảo không để trẻ hình thành tính nhanh ẩu đoảng.
5. "Bố/mẹ đang ăn kiêng"
Không nên để trẻ thấy hình ảnh bạn đứng lên bàn cân mỗi ngày, liên tục theo dõi kết quả cân nặng hay than thở việc béo. Từ đó, trẻ sẽ tự ti về cơ thể hoặc có xu hướng học tập theo bố mẹ, phát triển cơ thể không khỏe mạnh.
Thay vì nói "Bố/mẹ đang ăn kiêng", cha mẹ nên nói "Bố/mẹ muốn ăn uống lành mạnh để phù hợp với cơ thể của mình". Ngoài ra, câu nói "Chúng ta cần tập thể dục" cũng nên thay bằng "Bên ngoài thật đẹp, cả nhà sẽ đi dạo" để truyền cảm hứng sống khỏe cho con chứ không chỉ là lời phàn nàn về thân hình.
Ảnh: Psychology Today |
6. "Chúng ta không đủ tiền mua nó"
Đây là câu trả lời quen thuộc của phụ huynh khi trẻ muốn mua đồ chơi, nhưng câu nói này dễ khiến trẻ lầm tưởng tài chính gia đình đang gặp vấn đề. Từ đó, trẻ sẽ thấy sợ hãi, lo lắng.
Bạn hãy chọn cách khác để truyền đạt ý tưởng tương tự, chẳng hạn "Chúng ta sẽ không mua nó bởi đang tiết kiệm tiền cho những thứ quan trọng hơn". Nếu trẻ tiếp tục muốn thảo luận về vấn đề này, bạn có thể bắt lấy cơ hội để dạy trẻ về cách sử dụng và tiết kiệm tiền.
7. "Con đừng nói chuyện với người lạ"
Người lạ là khái niệm khó nắm bắt đối với trẻ vì có người đối xử tốt, trẻ sẽ không coi đấy là người lạ. Ngoài ra, trẻ có thể hiểu sai câu nói này và chống lại sự giúp đỡ của cảnh sát hoặc nhân viên cứu hỏa khi gặp tình huống nguy hiểm.
Thay vì cảnh báo con về người lạ, cha mẹ hãy đặt ra tình huống, giả sử "Nếu một người đàn ông lạ mặt cho con kẹo mút, con sẽ làm gì?". Lắng nghe câu trả lời, đánh giá xem việc trẻ định làm đúng hay sai và hướng dẫn cách hành động phù hợp. Đừng quên nhắc trẻ, bất cứ ai khiến chúng buồn bã, bối rối hay sợ hãi đều ngay lập tức phải báo lại với bố mẹ.
8. "Con hãy cẩn thận"
Nếu con bạn đang ở trong tình thế không an toàn, lời nhắc nhở này sẽ khiến trẻ cảm thấy mất tập trung, hoảng loạn và nhiều khả năng sẽ gặp vấn đề. Khi bạn cảm thấy lo lắng, hãy lại gần trẻ để quan sát và giúp đỡ.
9. "Con sẽ không được ăn món tráng miệng nếu chưa ăn xong"
Câu nói này sẽ làm giảm sự thích thú của trẻ trước bữa ăn. Bạn hãy chuyển thành "Đầu tiên, con sẽ ăn cơm, rồi sau đó là ăn món tráng miệng nhé". Việc thay đổi từ ngữ tinh tế sẽ tác động tích cực tới vị giác của trẻ.
10. "Hãy để mẹ giúp"
Khi con đang vật lộn giải quyết vấn đề của mình, việc bạn muốn giúp là dễ hiểu, nhưng đừng giúp quá sớm, làm giảm khả năng tư duy, làm việc độc lập của chúng. Thay vào đó, hãy đưa ra những gợi ý và chỉ bắt tay vào giúp khi trẻ thực sự không thể làm được.
Tú Anh (Theo Parents)