Ngày 8/2, ban tổ chức Miss Universe đã gửi thư tới các giám đốc quốc gia về nội dung duy trì bản quyền cuộc thi. Theo đó, từ năm 2023 các công ty ở các quốc gia sẽ đấu thầu để giành quyền tổ chức và cử đại diện tham dự Miss Universe.
Ban tổ chức Miss Universe cũng gửi kèm một mẫu đơn đăng ký để các đơn vị tham gia đấu thầu. Trong đơn đăng ký, họ cũng yêu cầu các đơn vị muốn đấu thầu trả giá cao nhất để có cơ hội giữ giấy phép Hoa hậu Hoàn vũ.
Nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakapong Jakrajutatip - chủ mới của Miss Universe không ngần ngại thể hiện mục đích thương mại hóa cuộc thi để thực hiện những cải tổ mới mẻ.
Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh mới của bà Anne đang gây tranh cãi trên các diễn đàn sắc đẹp đồng thời nhận phản ứng trái chiều từ các quốc gia.
Nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakapong Jakrajutatip - chủ mới của Miss Universe.
Trả tiền gấp 10 lần vẫn mất bản quyền
Sau khi ban tổ chức Miss Universe ra thông báo, các chuyên trang sắc đẹp đồng loạt đưa tin tổ chức Puteri Indonesia đã mất bản quyền tổ chức cuộc thi Miss Universe Indonesia vào tay công ty PT Capella Swastika Karya.
Sash Factor cho biết trong gần hai thập kỷ qua, quyền cử đại diện tham dự Miss Universe thuộc về tổ chức Puteri Indonesia. Tuy nhiên, ngày 8/2 công ty PT Capella Swastika Karya với chủ tịch là nữ ca sĩ, diễn viên nổi tiếng Poppy Capellaa đã tổ chức buổi họp báo để công bố việc mình đã mua thành công bản quyền của Miss Universe.
Trước thông tin này, bà Mega Angkasa - trưởng bộ phận truyền thông của tổ chức Puteri Indonesia đã phát đi thông báo và cho biết họ cảm thấy rất sốc.
“Quỹ Puteri Indonesia bất ngờ vì lúc đó chúng tôi vẫn đang chờ tin chính thức từ Giám đốc Nhượng quyền Toàn cầu của Miss Universe - Carlos Capetillo về việc tiếp tục cấp phép như những năm trước", ban tổ chức Puteri Indonesia cho biết.
Puteri Indonesia mất bản quyền Miss Universe sau 2 thập kỷ.
Bà Mega cũng cho biết vào ngày 25/1, Puteri Indonesia nhận được thông tin từ tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ rằng một cuộc đấu thầu sẽ được thực hiện để gia hạn giấy phép vào năm 2023 cho Indonesia.
"Chúng tôi chỉ có 3 ngày làm việc. Sau đó, Puteri Indonesia đã gửi giá thầu theo lịch trình mà MUO yêu cầu và gửi một đề nghị tăng 1000% (10 lần) so với giá trị mà chúng tôi đã trả vào năm trước, cùng với một số đề nghị hợp tác với Miss Universe bao gồm việc hợp tác cùng Hoa hậu Hoàn vũ với tư cách là đại sứ thương hiệu, nhà tài trợ trang điểm", bà Megan chia sẻ.
Dù đã đồng ý trả gấp 10 lần nhưng Puteri Indonesia vẫn mất bản quyền Miss Universe vào tay công ty PT Capella Swastika Karya. Điều này cho thấy ở các quốc gia có lượng lớn người hâm mộ các cuộc thi sắc đẹp như Indonesia, vẫn có nhiều công ty sẵn sàng chi trả số tiền lớn để nắm giữ bản quyền của Miss Universe.
Sẵn sàng từ bỏ bản quyền
Ngược lại với các quốc gia yêu thích hoa hậu ở châu Á thì một số quốc gia lại không mặn mà với việc gia hạn bản quyền Miss Universe, điển hình là Ghana.
Ngày 10/2, chuyên trang sắc đẹp Sash Factor đưa tin ban tổ chức Miss Universe Ghana đã quyết định từ bỏ quyền đấu giá bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở nước này.
Malz Promotions - công ty nắm giữ bản quyền Miss Universe ở Ghana đã phát đi thông báo về việc họ từ chối trả thêm tiền để gia hạn bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở quốc gia này.
Ghana không mặn mà với việc gia hạn bản quyền Miss Universe.
"Việc triển khai mô hình kinh doanh mới một cách đột ngột của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Tập đoàn Toàn cầu JKN không phù hợp với các mục tiêu của Malz Promotions, vì vậy chúng tôi muốn chấm dứt mối quan hệ với Hoa hậu Hoàn vũ", Malz Promotions phát ngôn.
Malz Promotions cũng cho biết họ tiếc nếu quyết định của họ gây ra bất cứ sự bất tiện nào với người hâm mộ, bên cạnh đó họ cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ với những kế hoạch trong tương lai.
Việc Ghana quyết định từ bỏ bản quyền Miss Universe cho thấy chiến lược kinh doanh của nữ tỷ phú chuyển giới Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai ở những quốc gia còn nghèo khó và không mặn mà với các cuộc thi sắc đẹp như Ghana.
Sash Factor cũng đặt câu hỏi liệu mô hình kinh doanh mới của Hoa hậu Hoàn vũ dưới thời JKN có khả thi với các quốc gia nhỏ và dự đoán không chỉ Ghana mà nhiều quốc gia khác cũng sẽ từ bỏ bản quyền Miss Universe.
Nghi vấn gian lận
Sự việc Puteri Indonesia mất bản quyền Miss Universe vào tay đối thủ trong khi vẫn đang chờ đợi phán quyết từ Giám đốc Nhượng quyền Toàn cầu của Miss Universe khiến tổ chức này đặt ra câu hỏi liệu đã có sự gian lận trong khâu đấu thầu.
Bà Mega Angkasa - trưởng bộ phận truyền thông của tổ chức Puteri Indonesia cho biết: "Trong khi chúng tôi vẫn đang chờ tin tức từ ban tổ chức Miss Universe về việc gia hạn giấy phép thì vào lúc 16h30 ngày 8/2, chúng tôi đã nhận được thông tin về cuộc họp báo liên quan đến quyền sở hữu giấy phép Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia và một tổ chức ở Indonesia tuyên bố trở thành chủ nhân mới của giấy phép Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia.
20 phút sau khi buổi họp báo bắt đầu, chính xác là vào lúc 16h50, chúng tôi nhận được câu trả lời gửi qua email rằng giấy phép của chúng tôi chưa được gia hạn. Tuy nhiên bức thư này do tập đoàn JKN gửi đi, chứ không phải từ Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, hay Carlos Capetillo - Giám đốc Nhượng quyền Toàn cầu của Miss Universe".
Tổ chức Puteri Indonesia nghi ngờ có gian lận trong việc đấu giá bản quyền Miss Universe ở Indonesia.
Với sự việc này, tổ chức Puteri Indonesia bày tỏ sự thất vọng và cho rằng không có sự minh bạch trong quá trình đấu thầu để sở hữu giấy phép Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia.
"Chúng tôi cảm thấy có sự bất công vì Puteri Indonesia chỉ có 3 ngày làm việc trong khi các giám đốc quốc gia khác có thời gian gia hạn. Ngoài ra, chúng tôi không được cung cấp định dạng đặt giá thầu phù hợp, trong khi các quốc gia khác có định dạng đặt giá thầu khá chi tiết", bà Mega nói.
Do không có sự minh bạch trong quá trình đấu thầu, Puteri Indonesia bày tỏ nghi ngờ rằng có những yếu tố chi phối quyết định việc chuyển nhượng giấy phép Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia.
Theo Missuupdates, sau Indonesia thì hàng loạt quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cũng sẽ thay đổi đơn vị nắm giữ bản quyền cuộc thi Miss Universe trong thời gian tới.
Từ ngày 23 đến 26/2, nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakapong Jakrajutatip và Hoa hậu Hoàn vũ 2022 R'Bonney Gabriel cùng 2 Á hậu người Venezuela và Cộng hòa Dominica sẽ có chuyến công tác tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng chuyến đi này cũng liên quan tới việc đấu thầu bản quyền của cuộc thi Miss Universe tại Việt Nam.
Theo Tiền Phong