Điện thoại có lẽ đang trở thành vật bất ly thân của giới trẻ. Việt Nam có khoảng 72 triệu người dùng mạng xã hội, tương đường 73% dân số. Nhóm người từ 18 đến 34 tuổi là sử dụng nhiều nhất nên hay xuất hiện tình trạng lệ thuộc nhất. Báo cáo digital 2021 cho thấy, mỗi ngày người Việt dùng Internet trung bình 7 giờ, trong đó gần 2 giờ 30 phút dành riêng cho mạng xã hội. Đặc biệt, khi tiến hành thực nghiệm 72 giờ không mạng xã hội, gần một nửa số người tham gia vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên. Những trạng thái cảm xúc thường thấy là mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được thông tin đang diễn ra, bứt dứt, thấy thiếu thốn thứ gì đó. Lệ thuộc chỉ là lớp vỏ, nhiều hệ lụy sinh ra từ cơn nghiện mạng xã hội.

Không ai có thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội trong việc kết nối con người với nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết sử dụng mạng xã hội hợp lý, có ích để không bị chi phối, điều khiển như một liều ma túy. Gần đây, nhiều bạn trẻ đang nhìn nhận nghiêm túc về việc sử dụng mạng xã hội và bắt đầu tìm giải pháp hạn chế chi phối từ cơn nghiện mạng xã hội.

"Mình không tạo ra, không tương tác, không chia sẻ, không ấn thích, không bình luận trên nội dung tiêu cực. Thứ hai là mình lan tỏa những thông tin tích cực, tri thức đúng và thông tin có tính định hướng cộng đồng. Khi mình chia sẻ nội dung như vậy thì những người bạn, những người theo dõi mình cũng nhận được thông tin tích cực và cảm thấy yêu đời hơn, có những thay đổi tốt hơn và khiến cho mạng xã hội dần trở nên trong hơn. Mình sẽ thanh tẩy mạng xã hội theo những cách như vậy", Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Phương Chi, Đại học Arizona (Mỹ) chia sẻ.

screenshot244-16713430961911551676934-crop-16713431048761298902112.png

Từ nhận thức thanh lọc mạng xã hội, nhiều người đã chủ động tạo cho trẻ em cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh. Mới đây nhất, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Theo đó, một 100% các trường trên địa bàn thủ đô sẽ định kỳ tổ chức chương trình giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết để giúp các em sử dựng mạng lành mạnh và biết cách tự bảo vệ mình.

Được trang bị kỹ năng, hiểu biết, người sử dụng mạng xã hội sẽ phân định rõ thông tin nào cần loại bỏ và thông tin nào có thể tiếp nhận. Trên thế giới, xu hướng giảm thiểu thời gian sử dụng mạng xã hội và Internet đang ngày một gia tăng. Bởi nhiều người cho rằng, cũng như cơ thể cần thanh lọc, mắt và cái đầu cũng cần được nghỉ ngơi khỏi sự hỗn độn thông tin trên môi trường số.

"Thanh lọc mạng xã hội không phải là một xu hướng bộc phát hay sớm nở chóng tàn. Thực ra, xu hướng này đã có từ rất lâu và nhiều bạn đã làm cho trang cá nhân của mình. Mình nhìn thấy trào lưu trên thế giới, việc thanh tẩy mạng xã hội, thanh tẩy những mối quan hệ trên mạng trở nên phổ biến", Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Phương Chi cho biết.

Thay đổi thói quen không phải điều dễ dàng khi nó đã cắm rễ vào mỗi cá nhân. Nhưng nhận ra và thay đổi đang là xu hướng đang được hình thành, lựa chọn. Cuộc sống xung quanh có bao điều thú vị, trong một ngày thay vì thế giới ảo, mỗi người hãy quan tâm trực tiếp đến người thân, bạn bè, thưởng cho bản thân một cuốn sách hay, chăm sóc vườn hoa cây cảnh… Như vậy, mỗi bạn trẻ sẽ cảm thấy một ngày trôi qua ý nghĩa hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022