Tối nay đi làm về, mở cửa ra thấy vắng nụ cười hồ hởi của bố: Con về đấy à? Có hôm đi làm về muộn, nhờ chị Phúc nấu cơm cho bố ăn, về thấy ông đang ngồi uống nước, đăm chiêu nhìn ra ban-công, phía xa xa Thành phố cũng là những tòa cao ốc sáng trưng, rộn rã. Có hôm về sớm thấy bố đang tập thể dục (Dịch Cân kinh), cầm đồ ăn vào nhà dọn cơm tối xong mời bố ra ăn cơm, ông lão không đeo máy trợ thính nghe loáng thoáng có người gọi lại tưởng ai gọi cửa, cứ thế đi ra mở cửa, càng gọi to ông càng đi nhanh, thoáng thấy bực bội. Rồi lại chợt nhớ câu chuyện đọc lâu rồi: Xưa con hỏi bố 10 câu hỏi giống nhau bố vẫn kiên nhẫn âu yếm trả lời con đầy đủ, sao giờ con nghe đến câu hỏi thứ hai đã bực bội làm gì? Lại thoáng thấy ân hận.
Sáng nay đưa bố ra xe để cậu em lái đưa về quê, ông đặt tay lên vai bịn rịn: Bố về nhé, ở một mình nhớ giữ sức khỏe mà còn làm ăn nuôi con, nuôi bố mẹ. Đừng nhậu nhẹt gì không cái hệ tiêu hóa của mi lại lục đục, đừng có hút thuốc lá chứ không bố thấy đợt vừa rồi, mi ho nhiều lắm đó…
Kể từ khi ra trường đi làm, đây là quãng thời gian được ở với bố lâu nhất, mà chỉ có hai cha con một nhà. Về Tết nhiều nhất cũng chỉ một tuần là đi. Từ khi có con, hai cha con dắt díu về với nội chắc cũng được vài ba đêm ngủ ở nhà là lại phải ra để con đi học, ba đi cày. Lần ở Hà Nội lâu gần nhất chắc là lần ông nằm ở Bệnh viện Đại học Y nhưng có anh Thanh trông, nằm ba tuần giời mà suốt một tuần đầu sáng nào Y tá cũng đi lấy máu đi xét nghiệm tìm bệnh khiến thằng con xót xa đến phát khùng mà ông chỉ cười hiền: Tuổi này còn có máu mà lấy là may, cũng giống như con ngày xưa học Toán ấy chứ, giải cách này không ra thì phải giải cách khác, có gì mà mi cứ cuống lên?
Lần này nhân tiện về đám cưới cô cháu gái mà bố lại đang điều trị mắt, rủ mãi ông mới chịu ra, xong cho ông đi lượn Hà Nội được ba lần: một lần khám tai cùng điều chỉnh máy trợ thính, một lần khám mắt và một lần… khám bệnh tổng thể. Còn lại gạ ông đi đâu cũng nhất quyết không đi, chỉ Bamby rủ được ông đi chơi được vài lần… vòng quanh sân chung cư.
Bố đặc biệt thích ăn ngon và có vẻ quý những đứa đẹp giai xinh gái. Ông bảo: tâm sinh tướng con ạ, nhìn thấy ai sáng sủa nhẹ nhõm thì suy ra dòng dõi cũng hào hoa, con người chắc cũng thông minh khí độ. Lâu mới có dịp bố ra nên cũng muốn mua đồ ăn ngon về đãi bố, nhưng mất hai lần, ăn xong cả đêm ông lục đục. Sáng ra thấy bố mãi chưa dậy là biết, vô phòng gọi bố, hỏi thăm thấy cụ phờ phạc là giật nẩy mình. Cứ mỗi lần gần-như-ốm là ông lại… đòi về quê. Bảo bố không về được, càng ốm càng phải ở đây để còn tiện chạy chữa, ông mới thở dài buông thõng tay mà không nói thêm gì. Nhưng ở qua nửa tháng là bắt đầu đòi về dữ, thằng con cứ nhấn nhá lờ đi hay lấy cớ giữ lại thì ông quát lên: Thì phải cho tau về nhà tau nữa chứ. Ừ thì con cho bố về chứ sao. Mà đâu phải về nhà, chắc đòi về với cái bà cụ hay buôn chuyện với ông hàng ngày kia kìa, buôn đến mức hết pin điện thoại là bà mượn cả máy của giúp việc ra a-lô tiếp mí nhao.
Đến lúc không giữ được cụ nữa cũng phải cho cụ về, gần cuối tuần bảo thứ Bảy con chở bố về nhá. Ông gật gù xong lấy lịch ra xem, bảo thứ Bảy mùng 4 âm lịch con ạ, mi mà về cũng không đi ngay được, mà đi mùng 5 không tốt ngày. Các cụ bảo: "Mùng 5, 14, hăm ba/Đi chơi cũng nhỡ nữa là đi buôn". Bảo, ôi giời ơi xưa rồi cụ ơi, giờ mùng 5, 14, 23 sếp đưa cho cặp vé máy bay bảo mày đi công tác cho tao mà nói ngày xấu không đi thì mai nhận tờ A4 cái là thành cả tháng chả có ngày nào đẹp.
Với lại cũng muốn bố ở lại thêm một cuối tuần, con cháu anh em có thời gian qua thăm nom trò chuyện cho cụ vui. Đến lúc quyết ngày về cụ lại tần ngần: tháng Ngâu cũng không nên đi lại, nhưng mùng 6 thì đẹp ngày... Bảo Ngâu thì Ngâu bố ạ, nhưng mình cứ tử tế đàng hoàng không trêu chọc gì ai thì dù có "cô hồn các đảng", người ta cũng đâu có làm gì mình mà phải sợ với kiêng. Nghe nói thế cụ mới yên tâm.
Tối trước hôm về, ăn cơm xong thấy ông gắn đủ hai bên máy trợ thính vào rồi hai cha con ngồi trò chuyện. Ông lão 84 tuổi, sáng nay ăn gì có khi còn không nhớ, nhưng chuyện của vài ba chục năm trước kể rất tường tận, logic như mới hôm qua, phân tích xâu chuỗi thông tin, đúc rút mọi thứ đâu ra đấy làm thằng con ngồi nghe mặt cứ nghệt ra. Nghe bố kể chuyện đôi khi thấy bất bình, nói xưa bố giúp bao người tạo nên cơ nghiệp, sao nay chả bao giờ thấy bóng dáng họ đâu. Ông cười:
- Cụ Đồ Chiểu dạy rồi, "Làm ơn há dễ trông người trả ơn". Mình giúp họ giờ họ tốt đẹp hơn là xã hội tốt đẹp hơn, cũng coi như làm phúc thì con cháu mình sẽ được nhận điều may mắn phúc phần. Còn thì họ nhớ hay quên, mình đâu là họ mà mình điều khiển được, nên cứ vui vẻ thoải mái đi con.
Xưa giờ hai cha con ít khi ngồi nói chuyện dài với nhau, dăm câu ba điều vài mươi phút xong các thông tin cơ bản là… hết họp. Thường thì bố quý con gái hơn mà mẹ hợp với con trai, bố thì ít nhiều vẫn có định kiến thằng con mình là đứa khá ngạo mạn, ngông cuồng. Bình thường bố cũng không là người hay nói, thứ gì cần nói mới cất lời, nhưng ông đã nói gì là làm bằng được, kiểu rất nhẹ nhàng chứ không cần đao to búa lớn. Nhớ hồi xưa ông nghiện thuốc lá nặng, mà thuốc lá của ông Hiệu trưởng trường làng hút đa phần không có… đầu lọc (biết nặng cỡ nào). Một lần ông đau mắt phải mổ, lính tráng của ông vào thăm, anh em mời điếu thuốc ông cũng vui vẻ hút, hút xong đêm đó mắt đau hơn. Vậy là ngày mai ông nói mỗi một câu, nhẹ nhàng: Từ hôm nay bỏ thuốc! Thế là từ đó đến bây giờ, chắc gần 30 năm trời đằng đẵng, không còn ai thấy ông cầm một điếu thuốc nào!
Nói chuyện một hồi, thấy Thanh niên U90 lọc cọc vào phòng riêng cầm ra cái ví, nói bố có cầm đi ít tiền nhưng ra đây mọi thứ mi lo cả nên giờ bố đưa hết cho mi. Bật cười, nói: Con không lấy tiền của bố làm gì, mọi thứ con vẫn lo được cả, rồi cầm tiền nhét trả lại vào ví cho ông. Lúc mở ví ra thấy Thanh niên U90 hóa ra lương cao phết!
Không cho được tiền thằng con nên ông lại ngồi lầu bầu: Bố tính ra mi cũng là đứa được (được ông nói "được" là được lắm rồi), nhưng đúng là con người được mặt này mất mặt kia, nếu mi không cố chấp, đôi khi cứ cố tình đi ngược lại "quy luật Xã hội" (chịu, chả biết quy luật đó là gì) thì bố chắc mi còn tiến xa nữa. Nhưng mới Trung niên, thời gian vẫn còn, vẫn phải nỗ lực con ạ. Con người ta khi không còn cố gắng nữa là lúc đó bắt đầu thụt lùi.
Từng cơn gió xào xạc đem hơi lạnh của cơn mưa khuya sắp đến, đêm đã dần tàn. Biết sắp phải đi ngủ, ông chợt đặt tay lên vai tôi, giọng rung rung nhưng rành rẽ:
- Chỉ còn cái chuyện này, bố muốn dặn con. Giờ nhà cao cửa rộng rồi, ngày sóc ngày vọng (mùng Một và Rằm) hay lễ Tết giỗ chạp có cúng bái gì, nhớ kêu tên chị con cho nó về quần tụ. Ông bà cụ kỵ nhà mình đông con đông cháu, không về với đứa này thì về với đứa kia, nhưng chị con không may đi sớm, nếu bố mẹ hay chị em nó nhỡ quên không gọi, nó lại thành đứa lang thang, tủi phận. Bố dặn điều đó sau cùng, mi phải nhớ lấy.
Nói xong ông vội quay đi, lau giọt nước mắt vừa trào ra nơi khóe mắt chằng chịt vết chân chim…
Tác giả Lê Hồng Lam sinh năm 1978 tại Thanh Hóa. Là dân kỹ thuật nhưng anh có đam mê văn chương, làm báo từ khi còn trẻ. Anh từng xuất bản cuốn tản văn “Những mảnh ký ức viết bằng bút chì” do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành và cộng tác với nhiều tờ báo như: Thời nay, Văn nghệ Quân đội, Phụ nữ, Hà Nội Mới, Tiin, Khánh Hoà, Hà Giang, Petrotimes, VOV, VTC, Văn hoá Quân sự, Lao động, Nghệ An, Năng lượng mới, Tạp chí Dầu khí, Nhà văn & Cuộc sống, Văn nghệ, Gia đình và Xã hội nnhiều năm qua… Tính đến nay, số lược bài viết của anh đã lên đến hàng trăm bài.