Samurai mắt xanh thoát khỏi cái nhìn văn hóa hời hợt, hay chủ yếu khai thác yếu tố hương xa để gây tò mò cho khán giả
Ra mắt đầu tháng 11-2023, tám tập phim Samurai mắt xanh được đón nhận toàn cầu, mở đường cho mùa hai dự kiến sẽ phát hành trong thời gian tới.
Thành công đến từ phần đồ họa đẹp mắt, ứng dụng những kỹ thuật công nghệ tạo những góc quay mãn nhãn đậm chất điện ảnh. Đồ họa của phim đã lột tả trọn vẹn những ý tưởng mà câu chuyện thể hiện ở những đại cảnh, những góc quay trong các trường đoạn hành động, miêu tả tâm lý...
Chính hiệu ứng hình ảnh đã làm tốt vai trò dựng hình tượng samurai đơn độc trong thế giới hỗn độn ẩn dưới vẻ bình yên tưởng chừng bất biến.
Nhưng phim do những nhà làm phim Pháp - Mỹ phát triển nên nhân vật chính dĩ nhiên là một người da trắng, dầu ở Samurai mắt xanh chỉ là một nửa da trắng.
Cô gái lai có đôi mắt xanh, "trái đắng" sinh ra từ người cha Tây phương và người mẹ Á Đông, trở thành nhân vật trung tâm trong bộ phim tôn vinh tinh thần võ sĩ đạo cũng như văn hóa Nhật Bản.
Blue Eye Samurai Trailer
Dẫu vậy, có lẽ giống như The Last samurai, các nhà làm phim phương Tây dù mấy năm nay vẫn giương cao ngọn cờ bình đẳng, thật sự lại chưa sẵn sàng cho một nhân vật chính da vàng.
Tuy nhiên, Samurai mắt xanh đưa ra một kịch bản hợp lý dựa trên bối cảnh lịch sử thực tế ở Nhật thời Mạc Phủ, tương đối thuyết phục được khán giả về sự tồn tại của một bé gái lai mắt xanh trở thành kiếm sĩ vĩ đại nhất... trong phim.
Một thiếu phụ với thanh katana lên đường đi báo thù gợi nhớ đến Kill Bill của Quentin Tarantino.
Dù thế, để tìm kiếm nguồn cảm hứng lớn phủ trùm lên cả Kill Bill và Samurai mắt xanh, khán giả phải quay về mảnh đất Phù Tang, xem lại Tu la tuyết cơ (Shurayuki-hime, 1973) với hành trình phục hận nhưng quan trọng nhất là tính khốc liệt, tàn bạo và đẫm máu trong các cảnh phim.
Vì những tính chất đó, tuy là phim hoạt hình, Samurai mắt xanh không phù hợp với khán giả nhỏ tuổi. Xác định được đối tượng khán giả, bộ phim cũng mạnh dạn hơn trong các cảnh đánh nhau lẫn những cảnh thô ráp, máu me và cả những cảnh có khả năng làm một bộ phận khán giả e dè đỏ mặt.
Phim không sử dụng các yếu tố trên như một chiêu câu khách mà diễn tả cái ngồn ngộn của cuộc sống - một cuộc sống với đầy đủ hỉ nộ ái ố dục, có hận thù thì cũng có tình yêu, có đối nghịch nhưng cũng có hòa giải, có bình yên như tấm bạt phủ lên những nguy cơ xung đột ngấm ngầm.
Nhân vật chính Mizu, tức "ngũ đại", năm nguyên tố trong văn hóa Nhật Bản, quá trình trưởng thành, hay có thể nói là lột xác đầy đau đớn của Mizu cũng có bóng dáng của năm nguyên tố đó.
Nó không được tuyên ngôn thành lời như một cách làm màu mà xuất hiện ý nhị, tinh tế như cái nháy mắt, một món quà ưu ái dành cho khán giả tập trung xem phim thay vì lướt qua theo thói quen của khá nhiều người xem truyền hình thời hiện đại.
Phim cũng làm thỏa lòng các nhà nữ quyền khi xây dựng được khá nhiều nhân vật nữ cá tính bên cạnh Mizu. Họ đều mạnh mẽ, có khát khao, có va vấp và có chiêm nghiệm.
Sau tất cả, vào giây phút quyết định, họ có khả năng vươn lên làm chủ tình thế và hứa hẹn còn mở ra nhiều điều hấp dẫn ở mùa phim kế tiếp.
Nhân vật phản anh hùng trong Samurai mắt xanh nhiều khả năng trở thành tiền đề cho những bộ phim chuyển thể người đóng, điều vốn dĩ ngày càng thường xuyên hơn trong thế giới phim ảnh.
Dù có thể được đánh giá khá cao trên các trang đánh giá phim, chẳng hạn Rotten Tomatoes, cũng có chút đắn đo khi cho rằng Blue eyes samurai đã đạt đến độ thập toàn thập mỹ. Về phần nhìn đã mãn nhãn nhưng có lẽ khán giả vẫn chờ mong một câu chuyện phức tạp hơn, khó đoán, thách thức hơn và khiến khán giả day dứt hơn.
Phim cũng cho thấy trong sáng tạo nghệ thuật không có gì là cũ, các yếu tố văn hóa vẫn có thể được tái khai thác, tái quan sát và trình hiện theo nhãn quan của người hiện đại.
Thậm chí những yếu tố văn hóa chính là xương sống nâng đỡ các tác phẩm vốn bắt đầu từ những câu chuyện mà thoạt nghe chẳng có chi là mới.