Vấn đề hợp đồng giữa nghệ sĩ và công ty quản lý K-pop tiếp tục trở thành chủ đề nóng dư luận quan tâm - Ảnh: SM Entertainment
Gần đây, vấn đề ngược đãi từ công ty giải trí K-pop tiếp tục trở thành đề tài nóng sau vụ việc KG (VCHA) tố JYP Entertainment ngược đãi.
Thêm một công ty giải trí bị tố ngược đãi
Ngày 8-12, nữ thần tượng KG thông báo quyết định chấm dứt hợp đồng với JYP Entertainment chỉ sau 1 năm ra mắt. Lý do xuất phát từ việc cô bị ngược đãi, tấn công tâm lý từ một số nhân viên trong công ty.
"Tôi không ủng hộ nơi làm việc khiến các thành viên cố gắng tự tử. Tôi cũng không ủng hộ môi trường khiến nghệ sĩ mắc chứng rối loạn ăn uống và làm các thành viên tự làm hại mình" - cô viết.
KG (VCHA) và bức tâm thư gây xôn xao xứ sở kim chi dạo gần đây - Ảnh: JYP USA/IGNV
Bên cạnh đó, KG còn hé lộ hợp đồng lao động với các điều khoản bất công. "Tôi tích luỹ một khoản nợ khổng lồ cho việc ra mắt. Trong khi đó, tiền lương tôi nhận về rất ít cho công việc căng thẳng và những hạn chế cực độ trong cuộc sống cá nhân".
KG không chỉ trích cá nhân cụ thể mà gọi chung là "vấn đề cắm rễ sâu vào ngành công nghiệp K-pop".
Ngoài ra, một phần nội dung bản hợp đồng giữa VCHA và JYP USA (thuộc JYP Entertainment) cũng được tiết lộ.
Theo đó, công ty sẽ chỉ định và định hình tính cách, ngoại hình của mỗi người. Các thành viên buộc phải thể hiện điều này trong suốt thời gian hoạt động.
VCHA là nhóm nhạc nhắm đến đối tượng khán giả toàn cầu. hình thành qua dự án hợp tác giữa JYP Entertainment và Republic Records - Ảnh: JYP USA
Sau cáo buộc của KG, JYP USA bày tỏ "tiếc nuối sâu sắc" trước vấn đề này.
"Vào tháng 5-2024, KG rời ký túc xá nhóm, bắt đầu thảo luận về việc chấm dứt hợp đồng qua đại diện pháp lý của mình.
Đáp lại, chúng tôi tạm dừng các hoạt động dự kiến của VCHA và tiến hành những cuộc thảo luận để tìm kiếm giải pháp phù hợp với đôi bên" - thông báo từ JYP USA.
Công ty cho biết họ chưa nhận được phản hồi nào từ đại diện của KG và đang chờ đợi. Đồng thời khẳng định các tuyên bố của KG mang tính đơn phương, sai sự thật và phóng đại vụ việc.
"JYP USA sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng các thành viên khác của VCHA và công ty không phải chịu thêm tổn hại nào từ sự việc này" - đại diện JYP USA kết luận.
Vấn đề nhức nhối trong K-pop
Vụ việc của KG chỉ là một trong những vụ kiện pháp lý liên quan đến các thần tượng K-pop và các công ty quản lý.
Tháng 6-2023, 3 thành viên EXO là Chen, Baekhyun và Xiumin nộp đơn kiện lên Ủy ban Thương mại Công bằng nhằm chống lại SM Entertainment.
Ba thành viên EXO kiện công ty sau 11 năm gắn bó vì bất cập trong hợp đồng - Ảnh: SM Entertainment
Bộ ba cáo buộc công ty ép nghệ sĩ ký hợp đồng với loạt điều khoản bất công. Các thành viên EXO hé lộ họ không được cung cấp chi tiết về thanh toán kể từ khi ra mắt vào năm 2012 và bị ràng buộc bởi những "hợp đồng nô lệ" dài hạn.
Tương tự, toàn bộ 12 thành viên của Loona đồng loạt đệ đơn kiện Công ty BlockBerry Creative sau khi thành viên Chuu chấm dứt hợp đồng vào năm 2021 liên quan đến vấn đề phân chia lợi nhuận bất công và làm việc quá sức.
Loona thắng kiện công ty quản lý sau quãng thời gian dài tranh chấp - Ảnh: Blockberry Creative
Xa hơn, vào năm 2009, cả làng giải trí rúng động trước vụ kiện lịch sử giữa Jae Joong, Junsu và Yoochun (JYJ) và SM Entertainment. Các thành viên khẳng định công ty bóc lột sức lao động, tước mất sự tự do, chèn ép nghệ sĩ.
Kết quả, nhóm nhạc TVXQ đình đám bị chia cắt. Jae Joong, Junsu và Yoochun dù tái ra mắt với tên nhóm mới nhưng trong những năm đầu, nhóm chật vật vì liên tục bị các nhà đài từ chối hợp tác, không thể quảng bá album mới.
Theo Korea Times, những vụ kiện này phần nào làm nổi bật thực tế khắc nghiệt phía sau vẻ hào nhoáng của nền công nghiệp K-pop.
K-pop nhìn ngoài hào nhoáng nhưng bên trong đầy bất công - Ảnh: SM Entertainment
"Công việc của các thần tượng K-pop rất mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ phải làm việc trong thời gian dài, tần suất dày đặc mà không có thời gian nghỉ ngơi rõ ràng" - CedarBough T. Saeji - giáo sư ngành nghiên cứu Hàn Quốc và Đông Á tại Đại học Quốc gia Pusan cho biết.
Gần đây, phát biểu của Hanni (NewJeans) tại cuộc kiểm tra của Quốc hội vào tháng 10 cũng là nỗ lực nhằm làm nổi bật các vấn đề này. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các thần tượng K-pop bởi luật lao động để đảm bảo đối xử công bằng.
"Dù thực hiện nghĩa vụ lao động nhưng thần tượng vẫn không được xem là nhân viên chính thức và không có công đoàn lao động bảo hộ. Rõ ràng, không có bất cứ cơ quan chính phủ nào bảo vệ họ trong quá trình làm việc.
Đây là vấn đề đầy nhức nhối cần tìm ra giải pháp" - Saeji nói thêm
Cuối tháng 11, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc quyết định bác bỏ khiếu nại của Hanni và cho rằng nghệ sĩ không được xem là "người lao động" theo định nghĩa của Luật Lao động hiện hành tại Hàn Quốc.
"Dựa trên tính chất và các điều khoản trong hợp đồng quản lý, rất khó phân loại nghệ sĩ là người lao động theo luật hiện hành, vì luật yêu cầu mối quan hệ phụ thuộc giữa người lao động và người sử dụng lao động, trong đó người lao động cung cấp lao động để đổi lấy tiền lương" - phía Bộ Lao động giải thích.