Trở lại vai truân chuyên
Căn nhà giản dị của NSƯT Thanh Quý ở Ngõ Quỳnh (Hai Bà Trưng) ít đổi thay so với chục năm trước. Năm 2011 khi đang vào vai bà trùm trong phim hình sự Đầm lầy bạc, chị có nét sắc lạnh nhiều hơn. Bây giờ NSƯT Thanh Quý có phần giản dị, gần gũi, cũng nhiều nét ảnh hưởng từ nhân vật bà Nga (Thương ngày nắng về). “Bà mẹ quốc dân” được khán giả yêu thương này đánh dấu sự quay trở lại của chị với dạng vai truân chuyên. Thanh Quý luôn gắn với các dạng vai đanh đá trên màn ảnh nhỏ trong khoảng thời gian dài.
Ngược về những năm 1980-1990, Thanh Quý là một trong những gương mặt nổi trội của điện ảnh Việt phía Bắc. Trong dàn diễn viên khóa 2 như Phương Thanh, Minh Châu, Diệu Thuần..., Thanh Quý có chỗ đứng từ khá sớm khi lọt mắt xanh các đạo diễn gạo cội như Trần Vũ (Chuyến xe bão táp, Những người đã gặp). Chị được thử đủ dạng, từ những người phụ nữ khổ cực, truân chuyên hay vai diễn dịu dàng.
Đầu những năm 2000 điện ảnh xuống dốc, Thanh Quý gần như chuyển hẳn sang phim truyền hình. Màn ảnh nhỏ đưa đẩy chị đến với nhiều vai diễn ghê gớm, sắc sảo, có thể kể tới Mùa lá rụng, Đầm lầy bạc, Người phán xử, Hoa hồng trên ngực trái... Tới Thương ngày nắng về, NSƯT Thanh Quý mới có cơ hội làm mới trong mắt khán giả. Bà Nga “béo” Thương ngày nắng về cũng là cái duyên đến tự nhiên. “Có lẽ tại tôi béo, hợp với nhân vật. Vai diễn đòi hỏi ngoại hình đầy đặn trong khi nhiều bạn diễn nữ khác lại giữ hình thể tốt quá”, chị cười. Lâu lắm rồi truyền hình mới để một người mẹ có tuổi trở thành nhân vật trung tâm của câu chuyện.
Chẳng kể hình dáng đậm đà phúc hậu thì dáng đi tất tả, gương mặt thường trực sầu lo của NSƯT Thanh Quý đã đủ làm nên một người đàn bà bươn chải từ tuổi trẻ. Bà Nga gồng gánh gia đình từ khi chân ướt chân ráo về làm dâu cho tới khi chồng mất sớm, một nách ba đứa con thơ và cưu mang một cậu em “dại” đi qua bao biến cố của cuộc đời. Đức tính chịu thương chịu khó, cần mẫn làm lụng nhưng đôi khi lắm lời, hay kể công, nóng nảy... khiến biết bao bà mẹ Việt soi thấy mình trong đó.
Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc nhưng Thương ngày nắng về không bị gượng ép. Những phận người, tình cảm gia đình, triết lí sống rất gần gũi với người Việt. “Cái gốc là kịch bản tốt trở thành cơ sở để cảm hóa diễn viên ngay từ khi đọc kịch bản, để họ vào vai không hề gặp trắc trở. Đạo diễn Bùi Tiến Huy luôn tạo cho diễn viên làm việc trong bầu không khí thoải mái sáng tạo, được trân trọng”, NSƯT Thanh Quý chia sẻ.
NSƯT Thanh Quý đóng vai chính, là “bà mẹ quốc dân” của “Thương ngày nắng về”
Sống đơn giản, đời thanh thản
Diễn viên cùng thế hệ đã “lên” nhân dân từ lâu, nhưng Thanh Quý vẫn “ưu tú”. Tâm trạng của chị khá giống nhiều nghệ sĩ khác, chưa hẳn chẳng màng danh hiệu nhưng cũng không nhất định phải có bằng mọi giá. Đi qua hào quang, nếm đủ thăng trầm, NSƯT Thanh Quý đạt tới cảnh giới của sự cân bằng, hiểu đời hiểu người.
Sau 13 tháng đằng đẵng sống cuộc đời sóng gió của bà Nga Thương ngày nắng về, NSƯT Thanh Quý mới được xả vai ít ngày. Phim kết thúc ngày 3/8 trên sóng VTV3. Chị hiểu cái mệt mỏi đeo đẳng suốt cả năm trời là do tâm lý dằn vặt cùng nhân vật. Một bộ phim gia đình được đón nhận mang lại niềm vui cho người làm nghề, nhưng nó cũng khiến người ta nghĩ về cách cư xử trong đời sống thực. “Điều quan trọng nhất là phim ảnh làm cho người ta muốn sống tốt đẹp hơn, tử tế hơn. Hình như Thương ngày nắng về làm được điều đó, để mọi người thấy cuộc sống không quá bi quan”, NSƯT Thanh Quý chia sẻ.
Hỏi chị còn ước ao một dạng vai nào khác, chị lắc đầu. “Không phải vì tôi nghĩ đã đạt được cái này cái kia rồi đâu, chẳng qua giờ mình già nua rồi, diễn viên lại luôn ở thế thụ động nên vai diễn là cái duyên”, chị nói. Giá mà trẻ lại, chị thầm ước vào vai nữ tướng Bùi Thị Xuân hay bà Nguyễn Thị Lộ. “Tôi luôn nghĩ trong đầu nếu mình được đóng những vai ấy thì sẽ diễn ra sao. Một nữ tướng tài giỏi, một người phụ nữ xinh đẹp nảy nở mối tình với con người xuất chúng như Nguyễn Trãi. Nhiều khi nói đùa giá mà với kinh nghiệm như bây giờ mình được đặt trong hình hài trẻ trung thì tốt biết mấy”, Thanh Quý nói vui. Chuyện vui nhưng cũng là sự tiếc nuối của chị, của nhiều nữ nghệ sĩ tài danh một thuở khi phim ảnh khuyết những tác phẩm, những nhân vật lịch sử lừng lẫy.
Nhiều khán giả gặp Thanh Quý bây giờ hẳn rất bất ngờ. Áo quần đơn giản, mặt mộc ngồi nhâm nhi ly cà phê ở một quán nhỏ là chuyện thường. Thực tế, từ thời trẻ, Thanh Quý luôn tự nhận mình “phá hoại” nhan sắc ghê gớm, không quá căng thẳng để giữ hình ảnh. “Ngoài những lúc son phấn ăn diện khi đi làm phim, tôi muốn trở lại vẻ bình thường, tự nhiên”, chị kể. Sau này bị bệnh đau lưng không đi dép cao được nữa, Thanh Quý luôn chọn cho mình sự thoải mái nhất cả ăn mặc lẫn điểm trang. Một phần vì chưa bao giờ o ép mình phải giữ gìn hình thể, phần vì có đợt uống thuốc trị bệnh kéo dài nên sau này hình thể Thanh Quý trở nên đậm đà hơn.
Đi qua hai cuộc hôn nhân (cuộc thứ hai gắn bó hai chục năm với họa sĩ Thành Chương), từ hơn chục năm nay Thanh Quý lựa chọn sống độc thân. Nhắc lại nhiều vai diễn điện ảnh nổi bật, hỏi vai nào ưng ý nhất, chị nói chẳng ưng vai nào cả, dù khán giả vẫn nhớ một Thanh Quý trong Người đàn bà bị săn đuổi, Không có đường chân trời, Tình yêu và khoảng cách (Bông sen vàng cho Thanh Quý năm 1985), Chuyện tình bên dòng sông, Chuyện tình trong ngõ hẹp...
Là vì chị thấy bây giờ không còn gì quan trọng nữa chăng? “Tôi cố gắng vượt lên những điều tầm thường để sống cuộc đời bình thường, giờ này còn sức lực đâu mà thi thố gì nữa. Nói không có gì quan trọng thì không phải, có nhiều điều chứ. Chẳng hạn ở tuổi này ai cũng cần mái nhà chắc chắn, nguồn kinh tế đảm bảo cho cuộc sống, con cái ổn định, không ốm đau… Điều quan trọng vô cùng là sự yêu thương giữa con người với con người. Không có cái neo ấy thì con người ta cân bằng làm sao được, làm sao thấy cuộc đời đáng sống”, NSƯT Thanh Quý nói.
Mỗi năm đều đặn chị nhận lời mời một, hai vai diễn. Thời gian còn lại dành cho bản thân, cho những chuyến du lịch cùng bạn bè, NSƯT Thanh Quý trân trọng cuộc sống bình an. Như chị nói, cuộc sống không có gì đao to búa lớn cả bởi ở tuổi này "muốn sóng gió cũng khó".