Trong 4 phim Việt Nam ra mắt dịp Tết này, phim Gặp lại chị bầu của Nhất Trung rất được mong chờ, vì đạo diễn này thường mang lại năng lượng rất tích cực. Nhưng hôm nay không chỉ nói về phim, mà là chuyện ca khúc Tết là Tết của Nhất Trung được đưa vào sách Âm nhạc 4, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Trước khi thành đạo diễn trăm tỷ, Nhất Trung là nhạc sĩ khá nổi tiếng, bài Tết là Tết trở thành câu nói quen thuộc của nhiều người dịp cuối năm. Khi nhìn lại những buồn vui của 1 năm vừa trôi qua, người ta sẽ gác lại phiền muộn để... Tết là Tết, là nhẹ lòng đón cái không khí tươi vui rộn ràng đã "vừa đến đây dưới mái hiên nhà, vừa ghé qua trong nhà dưới phố", "cho bầy trẻ thơ cùng khoe áo mới, cho những người lớn lì xì trẻ con".
Ca từ nhẹ nhàng, gần gũi của Tết là Tết đã khiến nó trở thành một bài hát quen thuộc thường được nghe vào những dịp Xuân về.
"Nhạc lý thì đơn giản vậy thôi"
* Là nhạc sĩ có bài hát về Tết nổi tiếng và là đạo diễn nhiều lần có phim ra rạp vào dịp Tết, có thể đoán rằng Tết thường đem đến cho anh cảm xúc đặc biệt phải không?
- Là một người hơi thiên về truyền thống, nên từ xưa đến nay tôi luôn rất thích không khí của những ngày Tết. Nói chung, tôi thích sự đoàn viên, vui vẻ của Tết, nên thường tận hưởng trọn vẹn cảm giác cả nhà quây quần với nhau, nấu cùng nhau những bữa ăn, kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện của gia đình, viết thiệp tặng nhau, chơi những trò chơi dân gian...
Đó là không khí Tết mà những người sinh những năm 1970 -1980 đã lớn lên và tôi tin rằng những điều vừa kể còn mãi trong ký ức của thế hệ của chúng tôi.
Nhạc sĩ - đạo diễn Nhất Trung
Thời gian luôn làm mọi thứ thay đổi, nên dĩ nhiên, Tết xưa sẽ khác Tết ngày nay. Giới trẻ sinh cuối những năm 1990 và những năm 2000 sẽ đón Tết theo cách của thế hệ mình, chẳng hạn, mặc đồ đẹp đến những nơi công cộng quay clip, chúc Tết qua mạng xã hội, không có thói quen đến nhà bạn thăm Xuân...
Theo tôi, giới trẻ ngày nay có nhiều cơ hội để vui chơi và nhiều thú vui mới, nên những cái cũ sẽ dần dần nhạt đi, khiến cho giá trị Tết xưa đang giảm dần. Nhưng thật ra, các bạn trẻ đâu có sai, chỉ vì tôi là người hoài cổ, nên nghĩ rằng những giá trị truyền thống cần được lưu giữvà những nét đẹp như đi tảo mộ, tặng quà cho nhau, tặng thiệp Tết, người lớn sẽ lì xì con cháu và trò chơi dân gian ngày Tết... cần được phát huy.
* Phải chăng vì có nhiều cảm xúc về những ngày Tết mà anh viết bài hát "Tết là Tết"?
- Tôi viết bài hát Tết là Tết năm 2005, được giới thiệu với công chúng vào năm 2006, trong album Những ca khúc Xuân bất hủ của Trung tâm băng nhạc Đồng Giao. Bài hát này được viết theo lời mời của nhạc sĩ Đồng Đăng Dao (bây giờ anh được khán giả biết đến là đạo diễn Đăng Giao).
Anh Giao muốn tôi viết một bài hát để quay và ghi hình vào Tết năm đó. Tôi đã ngồi nghe lại toàn bộ các bản nhạc Tết của Việt Nam trước đó và nhận ra nếu có một bài hát mang giai điệu quê hương và hướng về trẻ con một chút thì sẽ dễ đi vào lòng người. Sau khi trao đổi cảm nhận này với anh Giao, anh ấy rất tâm đắc và tôi bắt đầu viết.
Hiện nay, bài hát đã được đưa vào dạy âm nhạc khiến tôi quá hạnh phúc. Với tôi, cuộc đời một nhạc sĩ nhìn lại sẽ thấy viết không được bao nhiêu bài đâu, mà trong đó có một bài được đưa vào giảng dạy thì coi như là một vinh hạnh đi cùng với cuộc đời sáng tác của mình.
Ca khúc “Tết là Tết” trong “Âm nhạc 4”, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
* Dù anh vừa nói "Tết là Tết"có giai điệu thiên về trẻ con, nhưng trên thực tế, đây là một bài hát đã được những ca sĩ người lớn thể hiện như Ngân Khánh, Lâm Chấn Kiệt...?
- Bài hát Tết là Tết có giai điệu dễ thương, vui tươi, tiết tấu nhanh, nhịp 4/4. Nhạc lý thì đơn giản vậy thôi, nhưng vì nó mang không khí Tết rõ nét, từ giai điệu dễ nhớ đến ca từ không phân biệt vùng miền và lứa tuổi, nên được nhiều ca sĩ chọn hát.
Như mọi người đã biết, tôi đã tốt nghiệp nhạc viện, nên việc sử dụng kỹ thuật để viết một bài hát sẽ không khó, mà cái khó khi viết bài hát này là chọn ý tưởng nào, giai điệu gì cho dễ thương, dễ nghe, dễ nhớ... Cuối cùng, tôi đã làm được và rất vui vì đã gần 20 năm mà khán giả vẫn thích nghe trong những ngày Tết.
"Bài hát Tết là Tết có giai điệu dễ thương, vui tươi, tiết tấu nhanh, nhịp 4/4. Nhạc lý thì đơn giản vậy thôi, nhưng vì nó mang không khí Tết rõ nét, nên được nhiều ca sĩ chọn hát" - nhạc sĩ Nhất Trung.
Không thể dự đoán - đó là điều thú vị của điện ảnh
* Từ sân chơi âm nhạc với khá nhiều bài hit cho giới trẻ anh chuyển hướng sang lĩnh vực điện ảnh là vì lý do gì? Ở thời điểm hiện tại, anh nghĩ mình phù hợp với vai trò nào hơn: Nhạc sĩ và đạo diễn phim?
- Ngày viết nhạc, mọi người gọi tôi là nhạc sĩ, sau đó tôi đi hát và là trưởng nhóm của nhóm nhạc AXN thì được gọi ca sĩ, khi mở công ty làm quản lý thì được gọi là bầu show và làm các chương trình âm nhạc thì được gọi là biên tập… Khi chuyển qua làm phim thì được gọi là đạo diễn và biên kịch (vì hầu hết các phim tôi làm đều do tôi viết kịch bản), khi đầu tư cho các đạo diễn khác làm phim thì mọi người gọi là nhà sản xuất.
Tôi nghĩ, gọi cái gì không quan trọng, quan trọng là ta làm có giá trị gì đọng lại trong lòng mọi người.
Về cảm xúc, tôi như người hoài cổ, nhưng đối với công việc, tôi là người của hiện tại, chứ không phải quá khứ hoặc tương lai. Tôi bắt kịp dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nên sẽ bắt tay vào làm những việc mà nhắm thấy mình có khả năng và luôn cố gắng làm hết sức lực để hoàn thành công việc tốt nhất.
Tôi bước từ âm nhạc sang điện ảnh vì muốn thử mình ở một lĩnh vực khác mà mình thích và thấy có thể làm tốt, chứ cũng không có lý do gì đặc biệt.
Phim “Gặp lại chị bầu” của Nhất Trung sẽ ra rạp dịp Tết này
* Phim "Gặp lại chị bầu" do anh đạo diễn sẽ tham gia vào thị trường phim Tết năm nay, cảm giác của anh thế nào?
- Đây là phim thứ 5 tôi ra rạp vào dịp Tết, cũng như những lần trước, tôi có hồi hộp lẫn mong chờ. Với tôi, đây là một bộ phim đặc biệt, vì có nhiều yếu tố đặc biệt (cười).
Đầu tiên, khi viết xong kịch bản này, tôi rất hài lòng, phải nói đây là kịch bản tôi hài lòng nhất từ trước đến nay. Thứ 2, đây là phim kể một câu chuyện hiện đại trên nền những bối cảnh mang tính hoài cổ, nó có yếu tố hài hước và cảm động về sự dấn thân của tuổi trẻ, tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời mình. Ở thời điểm này, tôi rất mong chờ phim ra mắt để được lắng nghe ý kiến của khán giả.
* Anh có dự đoán gì cho phim mình trên đường đua phim Tết năm nay không?
- Thật khó mà dự đoán một bộ phim sẽ như thế nào trước khi nó ra rạp và đây cũng là 1 trong những điều thú vị nhất của điện ảnh. Bạn có thể thấy, các đạo diễn nổi tiếng trong nước và quốc tế đều có những bộ phim không thành công về chuyên môn, hoặc doanh thu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, mỗi năm lại luôn có những bộ phim ra đời mang lại những "cú hit" về doanh thu và truyền thông. Vậy nên, tôi chỉ hy vọng rằng khán giả sẽ yêu mến bộ phim của mình và thông điệp của bộ phim sẽ được mọi người chia sẻ cùng nhau.
* Thành công về doanh thu của phim "Cua lại vợ bầu" có khiến anh gặp áp lực với bộ phim mới này không?
- Sau Cua lại vợ bầu, tôi vẫn tiếp tục làm phim, trong đó có phim thành công và có phim thất bại. Tôi đã quen với những cảm giác đó, nên không thấy áp lực.
Tôi có nói vui rằng bộ phim mới này tôi đặt tên Gặp lại chị bầu là lấy vía may mắn của Cua lại vợ bầu và mong rằng sẽ làm được điều tốt hơn.
Tôi thích tốt hơn chính mình ngày hôm qua và sẽ tốt hơn nữa vào ngày mai. Đương nhiên, mỗi một phim, dù thành công hoặc không, cũng đều mang lại những ý nghĩa nhất định trong các hành trình đi tiếp của một đạo diễn điện ảnh.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh! Chúc anh năm với mọi điều tốt đẹp!
Vài nét về nhạc sĩ, đạo diễn Nhất Trung
Nhất Trung sinh năm 1979 tại Đồng Tháp, hiện đang sống tại TP.HCM. Anh là nhạc sĩ của những bài "hit" một thời như Một vòng trái đất, Làm sao tốt cho cả hai, Không yêu đừng nói lời cay đắng...
Sau những thành công với âm nhạc, anh chuyển sang lĩnh vực điện ảnh và gặt hái được một số thành công. Với phim Cua lại vợ bầu, anh đã đạt giải Bông sen Bạc và Biên kịch xuất sắc…