Ông Rys Jean- Pierre, người Pháp đang nói chuyện trước máy quay - Ảnh: HOÀNG LÊ
Bé 20 tháng tuổi tên là Khánh An, nhỏ xíu, chẳng ngồi yên lâu, cứ chạy lăng xăng hết nơi này đến nơi khác.
Chị Trang, cô của cháu cười nói: "Tôi dẫn con gái đi casting phim, tiện dẫn bé theo luôn. Vì phim cổ tích nên có thể cũng cần bé nhỏ, nếu được cháu vào phim với chị luôn".
Tìm cơ hội đóng phim cổ tích
Khuôn viên hãng phim Xuân Phước ở quận Gò Vấp ngày 9-6 có rất đông người đến casting phim cổ tích. Chỉ trong buổi sáng có khoảng 200 thí sinh đăng ký tham gia.
Có những gương mặt từng đóng phim, nhưng vẫn có những bạn trẻ mới, chưa biết đến nghệ thuật thứ bảy là gì.
Chị Trang kể con gái chị 12 tuổi, đã đóng một số phim ngắn và vai nhỏ trong phim truyền hình.
Đi đóng phim là một trải nghiệm cho con chứ cũng chưa nghĩ đến việc theo diễn xuất chuyên nghiệp.
Đông đảo bạn trẻ đến casting phim cổ tích - Ảnh: HOÀNG LÊ
Buổi casting này còn có sự xuất hiện của một nhân vật ngoại quốc. Ông Rys Jean- Pierre, người Pháp.
Ông hào hứng nói bằng tiếng Pháp: "Tôi đã 73 tuổi, có vợ người Việt và sống ở Việt Nam được 9 năm. Tôi đã đóng một số phim rồi.
Hôm nay casting phim cổ tích, tôi biết cơ hội đóng phim của mình là không có nhưng tôi vẫn đi.
Hi vọng đạo diễn có thể lưu ý đến tôi, nếu có vai diễn nào phù hợp sẽ gọi ở phim cổ tích này hoặc là ở phim khác".
Các diễn viên tham gia quay phim cổ tích năm 2022 - Ảnh: ĐPCC
Đạo diễn Xuân Phước thực hiện phim cho biết mình đã làm khá nhiều phim cổ tích nhưng đây là lần đầu tiên làm buổi casting quy mô như vậy. Mục đích là tìm kiếm những gương mặt mới cho phim.
Ông bảo: "Phim cổ tích mỗi tập một câu chuyện, nên đòi hỏi nhiều diễn viên… Việc tuyển diễn viên mới cũng là một phần vì chi phí sản xuất phim cổ tích hiện nay khá thấp nên khó mời được diễn viên có tiếng tham gia. Cho nên mỗi tập tôi mời 2 đến 3 diễn viên gạo cội để nâng đỡ câu chuyện còn lại là diễn viên mới".
Giành lại trẻ nhỏ từ cổ tích trên YouTube?
Hãng phim Xuân Phước là cái tên quen thuộc với những bộ phim truyền hình. Thế nhưng chùm phim Cổ tích nước Nam là phim đầu tiên mà hãng phim này sản xuất phát trên YouTube.
Năm 2022, hãng phim đã sản xuất khoảng 40 tập phim (25 phút/tập). Bất ngờ loạt phim này khá thu hút. Mỗi phim đạt vài trăm ngàn đến 1,3 triệu lượt người xem nên năm 2023 này hãng phim lại được mời tiếp tục sản xuất .
"Muốn cho trẻ xem phim thì dù phát trên YouTube nhưng chất lượng phim phải đảm bảo như phim truyền hình vậy.
Các bạn trẻ tham gia casting phim cổ tích - Ảnh: HOÀNG LÊ
Ở đợt quay trước, chỉ riêng việc may quần áo sơ sơ cho một số nhân vật đã ngốn hết 15 triệu đồng. Nhưng cái khó của cổ tích đó là kịch bản. Truyện cổ tích đã được khai thác nhiều nên nên rất khó nghĩ ra cái mới" - đạo diễn nói.
Dù kinh phí thấp, dù kịch bản khó tìm nhưng theo ông Xuân Phước: "Con nít bây giờ coi YouTube vô tội vạ, hay dở gì cũng coi, mà có lẽ cái dở nhiều hơn nên tôi và một số người tâm huyết quyết định làm chùm cổ tích này một cách chỉn chu nhất có thể để phát trên YouTube, giành lại mấy đứa nhỏ".