Hôm nay (1/10) là Ngày Quốc tế người cao tuổi. Thường có câu "trẻ cậy cha, già cậy con", từ nhiều đời nay trong quan niệm Á Đông nói chung và văn hóa truyền thống của người Việt Nam nói riêng, bố mẹ khi về già thường sống chung với con cháu. Mô hình này được gọi là tam, tứ đại đồng đường. Thế nhưng, những năm gần đây xã hội ghi nhận sự dịch chuyển xu hướng sống mới của người già. Tuổi xế chiều khi đã lo lắng xong xuôi việc học hành, dựng vợ gả chồng cho con cái thì họ đã chọn cách sống cho riêng mình.

Khoảng cách thế hệ, suy nghĩ và lối sống dẫn đến những xung đột trong gia đình vì sống riêng được hóa giải một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, để có được niềm vui như vậy, cả cha mẹ và con cháu đều phải có sự chuẩn bị về kinh tế, tâm thế trước khi đưa ra quyết định ở riêng.

screenshot161-16646075210171672684332-crop-1664607642911938700400.png

Theo số liệu điều tra mới nhất của Viện Dân số sức khỏe và Phát triển vào năm 2020, thực hiện với hơn 6.000 người cao tuổi trên cả nước, có 19% người cao tuổi sống riêng 2 vợ chồng, 8,6% người cao tuổi sống một mình, hơn một nửa số người cao tuổi sống một mình có con cái sống cùng xã, phường. Việc con ở gần kề nhưng không ở chung nhà được cho là mô hình đáng quan tâm, giúp con cái có thể chăm sóc bố mẹ thường xuyên mà hai bên đều tôn trọng không gian sống riêng của nhau.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự dịch chuyển cấu trúc gia đình của người Việt nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là khoảng cách thế hệ trong suy nghĩ, lối sống hay quan điểm ứng xử dẫn đến những lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt’, nảy sinh nhiều mâu thuẫn không đáng có. Từ đó, gây tổn thương cho người già và người trẻ trong gia đình.

"Bối cảnh xã hội, đời sống thay đổi, người già sẽ phải thích ứng với sự thay đổi đó. Ở tuổi 50, 60 còn rất khỏe, trẻ, có thu nhập chủ động, thụ động từ lương hưu hay đi làm thêm. Chính sự chủ động về kinh tế đó, cộng với đang còn hội nhập trong xã hội, nên họ muốn có không gian tự do. Trong khi đó, con cháu họ có thể đang ở nước ngoài hay tỉnh khác, thường xuyên đi công tác nên chuyện ở chung để chăm sóc cha mẹ già như ngày xưa là không thể", Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy – Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện TP.HCM chia sẻ.

screenshot165-16646075572131883525848-crop-16646076264262065902439.png

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy – Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện TP.HCM

Những mâu thuẫn trong mối quan hệ với con cái khi sống chung có thể ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của người cao tuổi. Theo nghiên cứu từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cứ hơn 2 người cao tuổi sẽ có 1 người không hạnh phúc khi sống chung với con cháu. Với những người này, ở riêng là giải pháp thể hiện sự tôn trọng không gian riêng tư của cả hai bên.

"Với những người ở riêng, họ chấp nhận sự khác biệt của mình với con, tạo ra không gian riêng cho mình và tôn trọng không gian riêng của con. Họ không còn nhu cầu muốn can thiệp vào đời sống riêng của con nữa. Đó cũng là một trong những điều giúp họ bình an, vui vẻ sống độc lập, không dính mắc vào cái gọi là cuộc sống riêng của con, bởi ở đó đôi khi sẽ có cãi vã, xung đột, bất đồng ý kiến với người già… Thậm chí, suy nghĩ phải trông nhà, trông cháu cho con cũng không còn phù hợp với người già bây giờ", Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nói thêm.

Tiềm năng của người cao tuổi được đánh giá là tài sản đáng kể để phát triển bền vững. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người cao tuổi không chỉ hưởng lợi từ phúc lợi xã hội mà còn là thành viên tích cực trong quá trình phát triển với những đóng góp không ngừng nghỉ của mình. Tại Nhật Bản, đất nước có tỷ lệ già hóa dân số cao, nhiều người cao tuổi vẫn nỗ lực cống hiến cho xã hội. Thông qua vào việc tích cực tham gia vào đời sống cộng đồng, vị trí, vai trò và ảnh hưởng của người cao tuổi với thế giới ngày càng được khẳng định, đặc biệt ở các nước phát triển, những tổ chức của người cao tuổi giúp họ không chỉ có tiếng nói lớn hơn trong cuộc sống hàng ngày và giải quyết vấn đề của đất nước.

screenshot158-1664607597987331644100-crop-16646076099812145133403.png

Ngày nay, trong một xã hội hội nhập sâu rộng, con cái không phải lúc nào cũng có điều kiện ở gần cha mẹ. Nhưng dù ở xa hay gần, chung hay riêng, chỉ cần quan tâm, chăm sóc, hiếu kính với cha mẹ thì các con vẫn mang lại niềm tự hào, niềm vui cho cha mẹ ở tuổi xế chiều. Có thể thấy, tính đa dạng về mô hình gia đình của người cao tuổi không làm thay đổi giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam mà vẫn giữa được truyền thống yêu thương giữa cha mẹ và con cháu, lòng hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành.

"Dù xã hội thay đổi thế nào thì người già vẫn là trụ cột cho tất cả con cháu trong nhà. Người ta nói còn ba mẹ là còn tất cà, nhưng vắng ba mẹ dù ở độ tuổi nào thì cũng thấy chông chênh. Dù ông bà sống chung hay riêng thì nó vẫn là ý niệm quan trọng. Đó là truyền thống chữ hiếu của người Việt Nam. Khi coi trọng, kết nối, lắng nghe người già thì con cháu được hỗ trợ rất nhiều", Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nhận định.

Tôn trọng truyền thống gia đình, thấu hiểu và biết ơn cội nguồn thì sẽ xóa nhòa khoảng cách thế hệ. Để rồi, dù sống riêng hay sống chung thì gia đình vẫn là nôi nuôi dưỡng nhân cách con người, chỗ dựa tinh thần cho mỗi cá nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022