Nghệ sĩ Hoàng Đức Tâm biểu diễn ca Huế - Video: HOÀI PHƯƠNG
Tối 17-1, ban nhạc ca Huế Phú Xuân có 90 phút trình diễn và giao lưu với khán giả tại sân khấu chính của Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025, diễn ra ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Khán giả thích thú với ca Huế
Nghệ sĩ Hoàng Đức Tâm, nghệ sĩ Thu Thủy cùng ban nhạc ca Huế Phú Xuân mang đến hàng loạt tiết mục ca Huế phục vụ du khách du xuân. Nhiều khán giả nán lại theo dõi hết chương trình, trong đó có nhiều bạn trẻ.
Không chỉ biểu diễn, ban nhạc có phần tương tác hướng dẫn khán giả ca Huế. Nghệ sĩ Hoàng Đức Tâm tận tình tập từng câu cho khán giả hát theo bài Lý tình tang, Hò hụi.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều khán giả nắm bắt được cách hát, luyến láy, mạnh dạn lên sân khấu trình diễn, nhận được sự cổ vũ của khán giả.
Nghệ sĩ Hoàng Đức Tâm chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Nhạc Huế không dễ chơi, đòi hỏi người nghệ sĩ phải thật sự yêu nghề, tâm huyết. Hát Huế có đặc trưng riêng, không có giọng Huế rất khó hát. Âm nhạc Huế trong ca Huế có nhịp, lơ nhạc, lấy hơi, lấy giọng đặc trưng riêng".
"Được diễn, tiếp xúc gần gũi với khán giả là điều hay, tạo điều kiện cho bà con có nhiều cảm xúc, yêu âm nhạc dân tộc hơn.
Có thể những người lần đầu nghe ca Huế sẽ cảm thấy lạ tai nhưng nghe nhiều sẽ thấm dần" - Hoàng Đức Tâm bày tỏ cảm xúc.
Nghệ sĩ Hoàng Đức Tâm, nghệ sĩ Thu Thủy biểu diễn ca Huế - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Thêm màu sắc cho Lễ hội Tết Việt
Nghệ sĩ Hoàng Đức Tâm kể ban nhạc ca Huế Phú Xuân ra đời cách đây hơn 20 năm. Những ngày đầu thành lập, ban nhạc sinh hoạt ở Trung tâm Văn hóa TP.HCM.
Ban nhạc biểu diễn thường có nghệ sĩ đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt, phách bộ gõ, sáo, đàn tam, đàn bầu, tỳ bà… Những nhạc cụ cơ bản của âm nhạc dân tộc là có hết.
Phần lớn các thành viên trong ban nhạc là những tay đàn cứng từ Nhạc viện Huế, Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP.HCM…
Các thành viên ban nhạc ca Huế Phú Xuân biểu diễn ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Ban nhạc ca Huế Phú Xuân thường biểu diễn ở các buổi họp mặt hội đồng hương; diễn trong các sự kiện giới thiệu di sản, văn hóa; các lễ hội về du lịch, ẩm thực; các lễ hội dịp Tết…
Đây là lần thứ hai ban nhạc ca Huế Phú Xuân diễn ở Lễ hội Tết Việt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Các nghệ sĩ chọn giới thiệu các làn điệu dân gian có tiết tấu vui tươi, vui vẻ, tạo sự tương tác với khán giả.
Hoạt động này góp phần giúp các bạn trẻ yêu âm nhạc truyền thống dân tộc, yêu văn hóa người Việt.
Ban nhạc giao lưu với khán giả - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015. Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước đây, ca Huế là một trong những thú chơi tao nhã trong cung đình hoặc trong các gia đình quan lại ở Huế.
Ca Huế hình thành khoảng thế kỷ thứ XVII, gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc theo điệu Bắc và điệu Nam.
Cùng với ca trù, đờn ca tài tử, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng trong kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam, có bề dày lịch sử.