ngay-xua-1-read-only-1730514813257929156874.jpg

Từ trái sang: Phúc, Miền và Vinh, ba người bạn và câu chuyện tình đầy day dứt - Ảnh: ĐPCC

Trong truyện gốc của Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật nhà văn là bé Su, cậu con trai của nữ chính Miền, khi lớn lên.

Còn trong after credits của phim chuyển thể, nhà văn (do Phan Mạnh Quỳnh đóng) không chỉ là bé Su mà còn chính là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phiên bản trẻ tuổi.

Anh được hỏi rằng liệu câu chuyện trong sách có phải là câu chuyện của cuộc đời anh (đồng nghĩa là của cả cha mẹ anh).

Và dường như Nguyễn Nhật Ánh đã trả lời độc giả thông qua bộ phim.

Đã có nhiều bộ phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh thì Ngày xưa có một chuyện tình vẫn đặc biệt bởi đây là bộ phim đầu tiên ông gián tiếp xuất hiện thông qua một cảnh phim.

Đây là bộ phim đầu tiên ông dự sự kiện giới thiệu phim và dành cho ê kíp những lời động viên. Đây cũng là lần đầu tiên ông đồng ý để bức ảnh các diễn viên trong phim chuyển thể được dùng làm trang bìa chính cho một ấn bản sách.

Trailer Ngày xưa có một chuyện tình

Tình yêu trên mảnh đất tình bạn

Ngày xưa có một chuyện tình kể về bộ ba Vinh, Phúc, Miền và tình bạn, tình yêu của họ từ năm 12 tuổi với rung động trong veo đầu đời cho đến những dông bão của tuổi trưởng thành.

Lúc nhỏ, Miền là cô bé tội nghiệp bị bạn bè xa lánh vì có người anh bạo lực và người cha nát rượu. Vinh thầm thương Miền, không dám thổ lộ vì quá nhút nhát nhưng luôn bênh vực mỗi khi cô bị bắt nạt.

Phúc là bạn thân nhất của Vinh, muốn vun vén cho tình yêu của bạn nhưng rồi lại bí mật quan tâm Miền từ lúc nào.

Một biến cố vào năm 18 tuổi đã khiến cuộc đời của cả ba rẽ nhánh. Tuổi thơ chấm dứt, để lại nhiều nỗi buồn. Một người phải rời làng quê. Nỗi buồn đó kéo dài đến tận nhiều năm sau với sự trở về của người đó.

Tên tác phẩm có chữ "chuyện tình" nhưng dấu ấn tình bạn đậm đà không kém tình yêu. "Hồi đó chúng tôi thật là hồn nhiên và trong đầu óc trong sáng của chúng tôi có lẽ không có gì trên đời đẹp hơn tình bạn" là cách Phúc hồi tưởng về Vinh, trong cuốn sách gốc.

z598046518128735911212eccaf7b8d61c4a8e888c00e1-1730220387104541138515.jpg

Nhân vật Miền (Ngọc Xuân) gây thương nhớ trong Ngày xưa có một chuyện tình - Ảnh: ĐPCC

Và khi lên phim, tình bạn giữa Vinh và Phúc được khắc họa đậm chất "bromance", cho thấy tình bạn cũng có thể lãng mạn không kém tình yêu, bằng những "nét vẽ" nhẹ nhàng, với những cảnh quay đầy duy mỹ với ánh sáng và ánh nắng ngập tràn gợi nhớ đến Thưa mẹ con đi - bộ phim đầu tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.

Bên cạnh đó, còn có tình bạn khác giới giữa Miền và hai chàng trai. Cả ba là bạn thân trước khi tình yêu của tuổi chớm trưởng thành ập đến và xáo trộn mọi thứ. Nhưng cũng chính nhờ nền tảng tình bạn vững chãi, tình yêu mới cao thượng và hy sinh như vậy.

"Tình bạn là mảnh đất phù hợp nhất để tình yêu gieo xuống hạt giống của mình" là câu trích đáng nhớ của tác phẩm gốc và phim đã thể hiện được tinh thần này.

Tình bạn cũng là điểm khác biệt lớn giữa Ngày xưa có một chuyện tình Mắt biếc, dù cốt truyện có phần giống nhau với các yếu tố tình đơn phương, tình tay ba và nhân vật mang thai.

ngay-xua-2-read-only-17305148132621684473917.jpg

Cảnh chiếu bóng lưu động thời thập niên 1990 với bộ phim Vị đắng tình yêu - Ảnh: ĐPCC

Một thời yêu nhau cao thượng, trong lành

Ngày xưa có một chuyện tình là một trong những truyện dài mang tính "người lớn" nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với những giằng xé rất người lớn.

Phim chuyển thể đã làm tốt khi đưa những giằng xé đó lên phim, đặc biệt là phần cuối, bởi trong sách toàn bộ các chương cuối đều là độc thoại nội tâm, rất khó khắc họa bằng hình ảnh.

Trong dòng suy nghĩ của mỗi người, lựa chọn của ba nhân vật rốt cuộc đều là vì nhau, vì người kia, đều là những lựa chọn cao thượng.

Nổi bật hơn cả là tình yêu trong trái tim của Vinh, một tình yêu "bền chắc, vị tha, sáng rỡ" dành cho Miền từ thời niên thiếu đến lúc trưởng thành, đầy kiên nhẫn và bao dung. Tình yêu ấy là một tình cảm trong lành và cao thượng từ đầu đến cuối.

ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-3-17230072433651627734384.jpg

Vẻ đẹp của Phú Yên làm nên khung cảnh nên thơ thời thập niên 1990 - Ảnh: ĐPCC

Trung thành với nguyên tác, dẫu vậy Ngày xưa có một chuyện tình vẫn là một tác phẩm điện ảnh thực sự thay vì bám sát khô cứng vào sách. Phim có ngôn ngữ điện ảnh đầy trau chuốt, đặc biệt rất khéo léo trong các cảnh nội - thế mạnh của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.

Cảnh ngoại cũng được dàn dựng khá ấn tượng là cảnh đuổi bắt và đám cháy trên cánh đồng ngô. Nhà sản xuất đã trồng hẳn một ruộng ngô để quay cảnh này, lên phim chỉ vài phút, cho thấy tâm huyết của ê kíp.

Ba diễn viên chính được casting chuẩn xác, ngoại hình phù hợp với nhân vật. Vinh (Avin Lu đóng) là nhân vật có tấm lòng đáng trọng nhất nhưng diễn xuất còn hơi hiền và ít kịch tính so với những cơn bão lòng của nhân vật.

Phúc cuốn hút qua diễn xuất của Đỗ Nhật Hoàng, nam tính cả trong cảnh khóc. Miền (Ngọc Xuân) có vẻ đẹp trong trẻo của mối tình đầu, đẹp trong từng khoảnh khắc cô xuất hiện.

ngay-xua-3-read-only-1730514813267945638994.jpg

Phúc và Vinh, hai người bạn thân thiết rồi chia lìa - Ảnh: ĐPCC

Yếu tố tình dục hơi mờ nhạt

Việc đưa yếu tố tình dục lên phim đáng được đánh giá cao và là sự táo bạo cần có khi kể chuyện sinh con ngoài ý muốn.

Nhưng hai cảnh tình dục trong Ngày xưa có một chuyện tình chưa đi đến cùng của sự táo bạo đó.

Hai cảnh lãng mạn nhưng khá ngắn và chưa khắc họa rõ tâm lý nhân vật, bao gồm sự bất an đầy khao khát và nỗi sợ chia ly trong cảnh đầu tiên, hay sự e ngại nhưng đong đầy tình yêu và chở che trong cảnh thứ hai.

Ngoài ra, phim thiếu những kịch tính cần thiết để neo sâu hơn vào lòng khán giả cũng như tăng độ "viral". Khi phát hiện một bí mật động trời, nhân vật lại phản ứng quá hiền.

Tính đến sáng 2-11, sau gần một tuần chiếu, Ngày xưa có một chuyện tình thu 17,6 tỉ đồng. Mức doanh thu khá đáng tiếc xét trên thực tế đây là phim chuyển thể trung thành nhất, toát lên tinh thần của tác phẩm gốc nhất trong "vũ trụ Nguyễn Nhật Ánh".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022