Mufasa (phải) và Taka lúc nhỏ trong phim Mufasa: Vua sư tử - Ảnh: Disney
Từng có không ít người hoài nghi về khả năng Disney chuyển thể The lion king (1994) thành phiên bản live-action, bởi đặc thù nhân vật trong phim đều là động vật.
Thế nhưng vào năm 2019, hãng phim gây bất ngờ khi ra mắt The lion king với kỹ xảo vượt trội, tái hiện các loài thú sống động như thật.
Sau 5 năm, Mufasa: The lion king (Mufasa: Vua sư tử) là phần tiền truyện kể về hành trình của Mufasa từ một chú sư tử mồ côi đến khi thành vị vua dũng mãnh của vùng đất Pride Lands, cũng như mối thù với người anh em Scar.
Cái nhìn khác về nhân vật phản diện
Tiếp nối Vua sư tử (2019), Simba và Nala giờ đây có một cô con gái Kiara và đang sắp sinh đứa con thứ hai. Vì vậy, Simba nhờ vả Timon và Pumbaa chăm sóc Kiara.
Rafiki - chú khỉ thông thái - xuất hiện, đưa khán giả trở lại với khung cảnh thảo nguyên hoang dã, kể về câu chuyện cuộc đời của Mufasa - vua sư tử đời đầu, người cha vĩ đại của Simba.
Trailer Mufasa: Vua sư tử
Khi còn là chú sư tử con, Mufasa bị lạc mất gia đình. Gia đình vua sư tử Obasi và Eshe nhận nuôi Mufasa, chú có người anh em nuôi là Taka.
Mufasa được Eshe dạy kỹ năng săn mồi. Còn Taka lại ngày càng hèn nhát do cách giáo dục độc hại của Obasi. Biến cố xảy ra khi cả đàn bị nhóm sư tử khát máu tấn công.
Phim khắc họa hành trình Mufasa từ kẻ ngoại tộc, bị ghẻ lạnh trở thành người trị vì Pride Lands. Ngoài ra, khán giả còn hiểu rõ về Taka - không ai sinh ra đã là phản diện, mà chính hoàn cảnh và dòng đời đẩy đưa họ vào con đường trở thành kẻ ác.
Sự giáo dục sai lầm từ người cha làm méo mó suy nghĩ của Taka, biến cậu thành người sẵn sàng phản bội người anh em chí cốt.
Là anh em chí cốt, nhưng vì tính đố kỵ, Taka (phải) đã đánh mất tình thân với Mufasa (trái) - Ảnh: Disney
Nếu nhìn ở góc độ khác, Taka cũng có những khoảnh khắc thể hiện sự dũng cảm. Cậu được mô tả trong tiền truyện này không khiến người xem ghét bỏ như ở hậu truyện về Simba.
Dù vậy, phim không hề tẩy trắng nhân vật Scar thành một người tốt bị hiểu nhầm. Đạo diễn Barry Jenkins khéo léo xây dựng sự chuyển biến tâm lý của các nhân vật thông qua những chi tiết nhỏ và các thay đổi tinh tế.
Kết quả là khán giả không chỉ hiểu rõ lý do Mufasa trở thành vua và Taka hóa ác, mà còn cảm nhận được câu chuyện mà không làm "sụp đổ hình tượng tuổi thơ".
Nhiều nhà phê bình phim cho rằng đây chỉ là một sản phẩm mang tính chất “moi tiền fan” của Disney khi có kịch bản lỏng lẻo, rời rạc - Ảnh: Disney
Nội dung cũ kỹ
Dưới bàn tay của đạo diễn Barry Jenkins, người từng giành ba giải Oscar với Moonlight và nhận nhiều lời khen cho If beale street could talk, Mufasa: Vua sư tử đánh dấu một bước tiến vượt bậc của công nghệ hoạt hình.
Do ảnh hưởng COVID-19, đạo diễn Jenkins và nhà thiết kế Mark Friedberg không thể trực tiếp khảo sát địa điểm, mà phải tận dụng công nghệ thực tế ảo kỹ thuật số để tìm kiếm địa điểm và lên kế hoạch quay phim.
Từ thiết kế sản xuất, quay phim, kỹ xảo, hoạt họa cho đến dựng phim, Mufasa kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp từ hoạt hình truyền thống đến live-action hiện đại - Ảnh: Disney
So với phần phim trước, chủ yếu diễn ra tại Pride Lands và những khu rừng rậm, Mufasa: Vua sư tử có quy mô bối cảnh hoành tráng hơn.
Khung cảnh châu Phi hùng vĩ hiện lên tuyệt đẹp qua các đại cảnh trải dài từ núi đồi xa xăm đến thảo nguyên mênh mông, biến đổi sinh động qua bốn mùa xuân - hạ - thu - đông.
Mufasa khắc phục điểm yếu từ phiên bản 2019, khi các động vật bị chê thiếu biểu cảm và trông giống như thú nhồi bông. Phim tái hiện sinh động từ lớp lông thú đến từng chuyển động cơ và gân bên dưới.
Những cung bậc cảm xúc như vui vẻ, lo sợ hay hạnh phúc của từng con thú đều được tái hiện vô cùng chân thực, chạm đến trái tim người xem.
Khi nhìn vào đôi mắt hổ phách trong veo của Mufasa, dường như người xem có thể nhìn thấy linh hồn của từng con vật.
Từng phân cảnh trong Mufasa: Vua sư tử đều chân thực, biểu cảm của các con vật rất đa dạng - Ảnh: Disney
Dù vậy, Mufasa: Vua sư tử nhận 55% điểm cà chua thối từ 172 bài đánh giá trên Rotten Tomatoes.
Phần lớn đánh giá cao hình ảnh, âm nhạc nhưng lại chê nội dung. Cây viết Nicholas Barber của BBC đánh giá 2/5 sao, cho rằng phim "vô nghĩa" và chỉ là "một sản phẩm thương mại gượng ép".
Los Angeles Times cho rằng ê kíp đang cạn kiệt ý tưởng và phim chỉ được sản xuất nhằm mục đích giúp Disney kiếm thêm lợi nhuận.
Còn BBC thì nhận xét: "Phần tệ nhất là kịch bản nhàm chán của Jeff Nathanson". The Irish Times bình luận: "Phim thiếu những nhân vật sâu sắc, cảm xúc nhạt nhòa, thay vào đó là một màn phô diễn kỹ thuật hình ảnh".
Hiện nay Disney chủ yếu dựa vào việc khai thác lại các thương hiệu cũ thay vì sáng tạo kịch bản mới. Họ tiếp tục phát triển các phần tiếp theo của các bộ phim hoạt hình kinh điển như The lion king, Moana, Inside out 2... hoặc tiếp tục làm lại Snow White, The Little Mermaid, Mulan... dưới dạng live-action.
Mặc dù chiến lược này giúp Disney tận dụng các tài nguyên có sẵn để tối đa hóa lợi nhuận, nhưng cũng khiến hãng phim bị chỉ trích vì thiếu sáng tạo và không dám mạo hiểm với những ý tưởng mới.