THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ MỐI QUAN HỆ HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂN GIỮA TÁC GIẢ VÀ NHÀ SẢN XUẤT ÂM NHẠC

Thời gian qua, thị trường âm nhạc Việt Nam đã ghi nhận những bước nhảy vọt vượt bậc. Giới âm nhạc Việt Nam tuy “sinh sau đẻ muộn” so với nền công nghiệp văn hóa của thế giới, nhưng đã ghi được những dấu ấn tích cực, làm tự hào những người con đất Việt. Sân chơi âm nhạc ngày càng chuyên nghiệp hóa hơn với sự hỗ trợ tích cực của mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ, cơ quan quản lý, công ty truyền thông và cộng đồng người hâm mộ. Đặc biệt trên hạ tầng số, nhiều ca khúc của giới trẻ Việt Nam đã được xếp vào danh sách các bài hit của các trang mạng xã hội quốc tế. Ngay mới đây, một sự kiện gây tiếng vang lớn trong làng âm nhạc là sự ra đời của MV ca nhạc Bắc Bling của ca sỹ Hòa Minzy. MV "Bắc Bling" của Hòa Minzy đang gây chú ý khi cán mốc 5,6 triệu lượt xem trong 24 giờ và giữ vững vị trí top 1 trending.

Trong kỷ nguyên số, các mạng xã hội, kênh truyền thông, chương trình giải trí và đặc biệt là các doanh nghiệp truyền thông đã tạo điều kiện cho giới nghệ sĩ tự do sáng tạo, thể hiện cá tính âm nhạc, tạo nên làn sóng mới mẻ và đa dạng của các sản phẩm âm nhạc. Theo dữ liệu từ Statista và We Are Social, doanh thu phát nhạc trực tuyến ở Việt Nam dự kiến đạt 40 triệu USD trong năm 2024, trở thành phân khúc dẫn đầu ngành âm nhạc Việt Nam. YouTube, với tỷ lệ người dùng 99,6%, giữ vị trí đầu bảng nền tảng nghe nhạc phổ biến trong hai năm qua nhờ mở rộng thị trường và dịch vụ âm nhạc chất lượng cao có tính năng cá nhân hóa hiện đại. TikTok theo sát với 99% nhờ tính phổ biến của các video ngắn cũng như các bài hát xu hướng. Facebook đứng thứ 3 với 96%, cho thấy thế mạnh của nền tảng này trong việc kết nối người dùng và chia sẻ nội dung âm nhạc.

Những dấu ấn phát triển này đã đưa đến những trái ngọt mà người được hưởng lợi đầu tiên là các tác giả. Các tác phẩm mới có thể đến được người nghe nhanh hơn, đa dạng về phương thức, phong phú về cách thể hiện. Vòng đời của các sản phẩm âm nhạc được dài hơn với tần suất nghe nhìn được tăng lên. Doanh thu các tác phẩm sẽ phụ thuộc vào chất lượng và độ yêu thích của các bài hát, đặc biệt là phụ thuộc vào độ lan tỏa của các bài hát. Mức độ lan tỏa sẽ do chính các công ty truyền thông quyết định với các chiến dịch tạo view, đẩy trend trên thị trưởng âm nhạc. Có thể nói, số tiền các tác giả nhận về có tỷ lệ thuận với số tiền chi cho hoạt động quảng bá, quảng cáo, tạo viral cho các bài hát. Chẳng hạn, với các bài hát thuộc top trend trên Youtube, với lượng view khoảng 50 triệu thì các tác giả có thể nhận về khoảng 5.000-6.000 USD. Và quan trọng nhất, số tiền này được tính toán và chi trả tự động thông qua hệ thống CMS của Youtube. Trong nền công nghiệp âm nhạc, sẽ chẳng thể có bài hát đạt mức top trend mà thiếu các công ty truyền thông đứng đằng sau. Các tác giả sẽ kết hợp chặt chẽ với các công ty sản xuất, phát hành sản phẩm âm nhạc. Nếu không có các nhà phát hành âm nhạc chuyên nghiệp, các tác giả còn phải tự chi trả kinh phí để thuê các ca sỹ hát bài hát mới sáng tác của mình chứ đừng nói là kiếm được tiền trên Youtube ngay. Và đương nhiên, với người nghệ sỹ thì vấn đề “cơm áo gạo tiền” sẽ không phải là thế mạnh của họ. Nếu sa đà vào câu chuyện thuê mướn người hát, triển khai công nghệ, thuê xây dựng chiến dịch tạo sức lan tỏa viral, đi đòi tác quyền của mình trên hạ tầng số... thì các tác giả sẽ không thể có sự bay bổng nghệ sỹ để cho ra đời các tác phẩm âm nhạc tiếp theo. Sự kiện âm nhạc Anh Trai “Say Hi” đã tạo cảm hứng cho thị trường âm nhạc Việt Nam với cơn địa chấn kỷ lục: 8 bài hát thống lĩnh Tab Thịnh hành âm nhạc Việt Nam trải dài từ Top 1 đến Top 8, 2 tuần liên tiếp chiếm lĩnh 1/3 BXH YouTube Music Trending, 11 tuần liên tiếp dẫn đầu Top YouTube Trending từ Top 1 đến Top 3. Nhưng đằng sau sự thành công thần kỳ đó là sức mạnh truyền thông và tính chuyên nghiệp của công ty DatVietVAC. Họ khiêm nhường đứng sau nhưng là nhân tố chính dẫn đến thành công của sự kiện âm nhạc này.

minh-bach--e-phat-trien-thi-truong-am-nhac-viet-nam-38201316078660704786762.jpg

Có thể khẳng định, trong kỷ nguyên số, vai trò của các tác giả với các nhà sản xuất âm nhạc, các doanh nghiệp truyền thông quảng bá sẽ là mối quan hệ hợp tác cùng phát triển win-win. Mỗi bên có vai trò của mình và có tầm quan trọng của mình. Câu chuyện tranh cãi “ai quan trọng hơn ai?”, “ai có quyền hơn ai?” sẽ không có chỗ đứng trong thời đại kỷ nguyên số.

CÂU CHUYỆN XUNG ĐỘT GIỮA TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN TẬP THỂ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ NHÀ SẢN XUẤT, PHÁT HÀNH ÂM NHẠC

Trong sự khởi sắc của thị trường âm nhạc hiện đại, vẫn còn đó những nét trầm vương trong lòng người hâm mộ. Thời gian gần đây, dư luận đang đặt sự quan tâm đến câu chuyện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đang vướng vào vòng rắc rối. Một doanh nghiệp quản lý sản phẩm âm nhạc trên hạ tầng số phản ánh VCPMC đã có hành vi cố tình cản trở việc phổ biến các tác phẩm âm nhạc trên nền tảng số Youtube. Thậm chí, trong số đó có nhiều tác phẩm âm nhạc cách mạng đang cần được phổ biến rộng rãi trong dịp cả nước đang hào hứng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Văn bản phản ánh này được gửi chính thức đến các cơ quan quản lý là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền Tác giả, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an và nhiều cơ quan báo chí.

Vấn đề đánh giá yếu tố chính trị và văn hóa trong việc ngăn chặn các tác phẩm âm nhạc cách mạng là câu chuyện của các cơ quan quản lý văn hóa. Ở đây, chúng ta nhìn nhận về phương diện mối quan hệ hợp tác giữa các tác giả và các nhà sản xuất, phát hành âm nhạc.

Theo văn bản đơn vị quản lý sản phẩm âm nhạc này đã phản ánh sự việc họ phát hiện VCPMC đã cố ý thực hiện các hành vi ngăn chặn, block, xóa bỏ các nội dung âm nhạc cách mạng trên nền tảng YouTube. Cụ thể một số tác phẩm bị chặn phát hành, như “Vì Nhân Dân Quên Mình", "Bài Ca Thống Nhất", "Hành khúc ngày và đêm" của tác giả Phan Huỳnh Điểu, và đặc biệt là tác phẩm "Đoàn Vệ Quốc Quân" thuộc album "Bài Ca Người lính Vol.2" do Trung tâm Hãng phim Trẻ đầu tư sản xuất.

minh-bach--e-phat-trien-thi-truong-am-nhac-viet-nam2-99439477765217600219105.jpg

Với những tài liệu đã có, họ chứng minh việc VCPMC đã nhận được tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả do VCPMC đại diện từ Youtube. Hình ảnh trên hệ thống Quản lý nội dung của Youtube (CMS Publishing) hiển thị VCPMC_CS hay chính là VCPMC đã nhận 100% quyền “Biểu diễn” - PR và 100% quyền “Sao chép”-MR tại Việt Nam từ Youtube bằng cách gắn/nhúng các quyền của mình vào bản ghi âm liên kết với video trên Youtube. Từ đó Youtube sẽ trả lại tiền bản quyền về cho VCPMC đối với các bài hát, các video mà VCPMC gắn quyền. Số tiền này được trích từ chính doanh thu của kênh phát hành bài hát đó.

Hàng năm Youtube đã chi trả hàng trăm tỷ hàng năm tiền bản quyền ca khúc cho VCPMC. Ngược lại, VCPMC cũng phải cam kết với Youtube không được kiện hoặc gây khó khăn cho hoạt động khai thác âm nhạc của các chủ thể khác. Về công nghệ, các kênh âm nhạc càng hoạt động tốt, càng nhiều view thì lượng tiền tự động đổ về VCPMC cũng càng nhiều. Không có lý do nào các tác giả mong muốn mình nhận ít tiền về hơn bằng việc ngăn cản quá trình vận hành của các kênh âm nhạc. Do đó, bất kỳ hành vi gây khó khăn cho chủ thể khác, dù là nhằm thu tiền thêm hoặc là dù với bất kỳ lý do gì cũng đều là trái quy định của sân chơi Youtube này. Đây chính là xu hướng hiện đại trong quản lý âm nhạc mà thế giới đang vận hành và theo đuổi.

VCPMC là tổ chức đại diện tập thể cho một số lượng lớn các tác giả tại Việt Nam, doanh thu được Youtube chi trả lên tới hàng trăm tỷ/năm và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Thế nhưng, cách vận hành khai thác âm nhạc mà họ được ủy thác liệu đã theo kịp sự phát triển của nền công nghiệp âm nhạc hiện đại hay không là điều mà thời gian sẽ trả lời. Với cách quản lý và block âm nhạc như phản ánh thì có một số luồng quan điểm cho rằng VCPMC chưa hoàn toàn đề cao vai trò của các nhà sản xuất, các nhà phát hành âm nhạc trên hạ tầng số.

Về vấn đề này, VCPMC cũng đã lên tiếng trên một số cơ quan báo chí. VCPMC cho rằng đã vận dụng đúng pháp luật Việt Nam trong việc khai thác tác phẩm và họ bị cố tình bôi xấu, hạ thấp uy tín. VCPMC cũng cho biết sẽ tiến hành khởi kiện công ty đại diện âm nhạc trên. Quan điểm của VCPMC là khoản tiền mà YouTube phân chia gồm PR và MR để trả cho các tổ chức quản lý tập thể như VCPMC chỉ với mục đích để Youtube được sử dụng quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng trên nền tảng của họ, hoàn toàn không bao gồm quyền sao chép để đồng bộ hóa (Sync rights) nhằm tạo ra bản ghi tác phẩm (video) hoặc bản sao kỹ thuật số để thực hiện việc đăng tải, phát hành trên nền tảng nhằm với mục đích “kiếm tiền”, khai thác thương mại.

Tuy nhiên, vấn đề này cần được các luật sư đánh giá một cách kỹ lưỡng khi đã xảy ra độ vênh pháp lý với quy định tại Điều 20 K3 điểm a của Luật SHTT (Luật sửa đổi năm 2022) “Chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi sau đây: a) Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này”. Dễ thấy là ở đây, việc sao chép để đồng bộ hóa cũng chỉ để nhằm mục đích phổ biến trên Youtube mà thôi.

Câu hỏi quan trọng nhất là liệu VCPMC có thu tiền hai lần cho một quyền trong lĩnh vực khai thác âm nhạc hay không đang được các bên tranh luận. Sự minh bạch trong hoạt động chính là chìa khóa giải quyết mọi rắc rối của tranh chấp âm nhạc hiện nay. Nhiều thuật ngữ kỹ thuật, pháp lý, cũng như nhiều thông tin phản ứng bên lề đang được tung lên báo chí và vẫn chưa có hồi kết. Trong lúc đó, nhiều sản phẩm âm nhạc mà VCPMC đại diện quyền tác giả lại đang bị ngăn trở đến với công chúng. Thời gian tranh chấp càng kéo dài thì người chịu thiệt hại nhiều nhất là chính đông đảo công chúng yêu nhạc.

minh-bach--e-phat-trien-thi-truong-am-nhac-viet-nam3-65949766217052707884850.png

Thị trường âm nhạc hiện đại đang đòi hỏi những động thái quyết liệt từ cơ quan quản lý, từ VCPMC và từ chính những công ty đại diện để giải quyết dứt điểm câu chuyện tranh chấp này. Chỉ có sự minh bạch trong hoạt động giữa các chủ thể âm nhạc thì mối quan hệ hợp tác phát triển win-win giữa tác giả và nhà sản xuất mới được tôn trọng và phát huy. Minh bạch và thay đổi tư duy sẽ giúp thị trường âm nhạc Việt Nam khởi sắc. Nền công nghiệp văn hóa Việt Nam đã xuất phát chậm so với các nước phát triển, nếu càng trì trệ trong tư duy phát triển sẽ càng là kéo lùi của một giai đoạn phát triển. Thời gian không chờ một ai. Đừng để khán giả là người chịu thiệt thòi nhất trong hưởng thụ những tác phẩm âm nhạc của đất nước!!!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022