
Studio Ghibli với những tác phẩm hoạt hình bất hủ đứng đầu danh sách này - Ảnh: Studio Ghibli
Theo đó, Studio Ghibli - đơn vị đứng sau các tác phẩm kinh điển như Spirited Away, My Neighbor Totoro hay Princess Mononoke - đứng đầu bảng xếp hạng với mức lợi nhuận ròng 4,97 tỉ yen (tương đương khoảng 34,9 triệu USD).
Đứng thứ hai là Bandai Namco Filmworks, chủ sở hữu thương hiệu Mobile Suit Gundam, với 3,76 tỉ yen (khoảng 24,6 triệu USD).
Các vị trí tiếp theo thuộc về những cái tên quen thuộc như Production I.G (Ghost in the Shell, Attack on Titan - 2,51 triệu USD), Wit Studio (Spy x Family, Vinland Saga - 1,9 triệu USD) và CloverWorks (My Dress-Up Darling, Spy x Family - 1,42 triệu USD).
Ghibli vẫn là đầu tàu, studio của Solo Leveling không lọt top 10
Mặc dù chỉ là những con số tài chính, bảng xếp hạng này phản ánh phần nào sức ảnh hưởng của từng studio trong thị trường anime.
Trong đó, Ghibli vẫn là cái tên hiếm hoi có tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn, với lượng người hâm mộ đông đảo trên toàn cầu và loạt phim có giá trị trường tồn.

Thương hiệu Gundam của Bandai Namco thì lại thu lợi nhuận khổng lồ từ lượng đồ chơi/mô hình bán ra hằng năm trên khắp thế giới - Ảnh: Sunrise
Gần đây nhất, The Boy and the Heron - tác phẩm mới của đạo diễn Hayao Miyazaki - đạt doanh thu hơn 235,5 triệu USD trên toàn thế giới dù gần như không có chiến dịch quảng bá nào.
Ngoài Ghibli, Bandai Namco cũng ghi dấu ấn với vũ trụ Gundam - thương hiệu mecha được xem là biểu tượng quốc dân tại Nhật Bản.
Bộ phim mới nhất thuộc dòng Gundam ra mắt tháng 1-2025 là Gundam GQuuuuuuX nhanh chóng trở thành hit phòng vé tại Nhật và Mỹ.
Ở chiều ngược lại, báo cáo cũng cho thấy nhiều studio sản xuất những bộ anime cực kỳ hot nhưng chỉ đạt mức lợi nhuận chưa đến 500.000 USD/năm, điển hình như Studio Colorido (196.000 USD), Kusanagi (189.000 USD) hay A-1 Pictures (175.000 USD).
Báo cáo trên được tổng hợp từ Công báo Chính phủ Nhật Bản - nơi công bố dữ liệu tài chính chính thức của các công ty trong nước, cho thấy lợi nhuận ròng của từng studio dựa trên các sản phẩm anime nổi bật của họ.
Điều này phản ánh thực trạng ngành công nghiệp anime vẫn đầy thử thách, khi chi phí sản xuất ngày càng cao trong khi lợi nhuận không đồng đều.

Bất ngờ nhất trong danh sách này hẳn là A-1 Pictures, studio làm ra Solo Leveling nổi đình đám còn không vào được top 10 doanh thu - Ảnh: A-1 Pictures
Theo số liệu từ Teikoku Databank, chỉ tính riêng năm tài khóa 2021, có tới 40% studio hoạt động thua lỗ. Nguyên nhân đến từ chi phí sản xuất đắt đỏ, cạnh tranh gay gắt và các hạn chế phát sóng tại thị trường quốc tế như Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, doanh thu từ sản phẩm ăn theo (merchandise), bản quyền streaming và đĩa DVD vẫn là nguồn sống chính giúp các studio tồn tại.
Dù ngành công nghiệp anime tiếp tục tăng trưởng và lan rộng ra toàn cầu, chặng đường duy trì hoạt động và phát triển với nhiều studio vẫn không hề dễ dàng.
Báo cáo mới là lời nhắc rằng đằng sau mỗi khung hình đẹp mắt và câu chuyện đầy cảm xúc là một ngành công nghiệp phải vật lộn để sinh tồn mỗi ngày.