Tuần trước, LHP Cannes 2024 đã mở màn theo cách siêu thực đầy thú vị với bộ phim The Second Act (tạm dịch: Màn thứ hai). Và đến giờ, dư âm từ bộ phim mới của đạo diễn Quentin Dupieux vẫn chưa lắng xuống, khi nó gắn với một câu chuyện rất hợp thời: Hãy để trí thông minh nhân tạo (AI)… làm phim.
Năm ngoái, mở màn LHP Cannes là Jeanne Du Barry - bộ phim đánh dấu sự trở lại ồn ào của Johnny Depp. Còn năm nay, liên hoan chọn mở màn bằng một bộ phim hài - điều có thể dẫn tới một sai lầm lớn. Nhưng lần này, hóa ra lựa chọn gắn với The Second Act lạivô cùng xứng đáng.
Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nghệ thuật
Trong giai đoạn xảy ra nhiều căng thẳng ở cả thế giới thực và điện ảnh, giám đốc nghệ thuật của LHP Cannes Thierry Fremaux khẳng định với báo chí: "Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức một lễ hội mà không có bất kỳ tranh cãi nào. Lý do tất cả chúng ta có mặt ở đây là điện ảnh. Chúng tôi muốn đưa điện ảnh trở lại tâm điểm chú ý".
Đạo diễn Quentin Dupieux (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn diễn viên “The Second Act” tại LHP Cannes 2024
Tưởng như đó điều bất khả thi, bởi điện ảnh luôn gắn liền với đời sống. Và rồi, giữa lúc phong trào #MeToo trở lại cùng lời đe dọa đình công của nhiều nhân viên thời vụ ở Cannes, LHP năm nay mở màn với câu chuyện về sự chiếm lĩnh của AI - vốn chính là lý do dẫn tới vụ đình công lịch sử gần đây ở Hollywood.
The Second Act là tác phẩm mới nhất của nhà làm phim siêu thực dày dặn kinh nghiệm người Pháp Quentin Dupieux. Đây là "phim về một bộ phim". Trong phim, tại một quán cà phê ven đường ở Dordogne (Pháp), 4 ngôi sao điện ảnh đã tụ họp để chuẩn bị xuất hiện trong bộ phim đầu tiên hoàn toàn do AI viết kịch bản và đạo diễn.
Cốt truyện phim xoay quanh mối tình tay ba thuộc loại… không ai thua ai, giữa anh chàng David chuyên mặc áo cổ lọ (Louis Garrel đóng), cô bạn gái mới kiên trì đeo bám của anh ta tên là Florence (Léa Seydoux) và người bạn quảng giao của David là Willy (Raphael Quenard). Bố của nhân vật Florence, ông Guillaume (Vincent Lindon) là nhân vật hoàn thiện bộ tứ.
"Đạo diễn" phim - một chiếc máy tính xách tay được một chàng trai trẻ đội mũ bóng chày vác đi - có kế hoạch vô cùng chặt chẽ, hoàn toàn phớt lờ ý kiến của 4 ngôi sao. Tất cả những sai lệch so với kịch bản đều dẫn đến việc diễn viên bị trừ lương và mọi quan điểm cá nhân về phim đều bị bỏ ngoài tai.
Louis Garrel (trái) và Vincent Lindon trong “The Second Act”
Tuy nhiên, thật khó mà thuận theo những nội dung ngớ ngẩn của AI. Ngay ở đầu phim, khi David nói với Willy về việc anh không có cảm giác với người yêu mới, Willy hỏi rằng có khi nào Florence là người chuyển giới rồi lan man nói không theo kịch bản. Lập tức David sợ hãi nhìn vào ống kính. "Đừng nói linh tinh, chúng ta đang quay phim? Anh có muốn bị hủy vai không?" - David rít lên khiến Willy câm nín.
Ngay sau đó, diễn viên vào vai Guillaume dọa bỏ vai vì không muốn làm một bộ phim vô nghĩa trong khi "cả thế giới đang hỗn loạn". Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với người đại diện, ông đã đổi ý. Triền miên sau đó là tranh cãi giữa các diễn viên, về bộ phim hoặc khúc mắc giữa họ với nhau.
Ở Pháp, "deuxième degré" (cấp độ hai) là khái niệm mỉa mai về việc sự thật bị bóp méo theo hướng trái ngược với bản chất. The Second Act ở đây cũng chính là như vậy, với 4 nhân vật chính diễn xuất một cách lão luyện theo nhịp điệu khác thường của kịch bản. Nhưng nhìn kỹ, nó lại giống như bức tranh biếm họa để che đậy suy nghĩ của chính họ.
Trailer phim “The Second Act”
Đạo diễn Dupieux đã rất tài ba trong việc tạo ra sự giao thoa các ranh giới: Khán giả gần như không bao giờ biết rõ đâu là kịch bản và đâu là sự thật. Ví dụ, một nhân vật phụ đóng vai người phục vụ diễn sai thoại và run lẩy bẩy khi rót rượu, làm bắn tung tóe trên khăn trải bàn. Cảnh này khiến Quenard (diễn viên đóng Willy) bật cười khúc khích còn Seydoux (diễn viên đóng Florence) lao ra ngoài. Nhưng sau đó, một khoảnh khắc kinh hoàng xuất hiện đã đảo ngược mọi thứ…
Vậy chúng ta vừa chứng kiến sai lầm thực sự trong một câu chuyện hư cấu hay một khoảnh khắc sự thật bị giả mạo một cách thuyết phục? Đạo diễn Dupiex khiến cho 2 khả năng này bện chặt không thể tháo rời. Cũng như nghệ sĩ và nghệ thuật của họ không thể tách rời.
"Tôi thật sự nghĩ cuộc sống không hoàn toàn logic và không phải lúc nào cũng có ý nghĩa" - đạo diễn Quentin Dupieux.
Làm phim như một giấc mơ
Thật ra, đạo diễn Quentin Dupieux đã hứng thú với đề tài về trí thông minh nhân tạo ít nhất là từ năm 2014, khi bộ phim Reality của ông ra mắt ở LHP Venice. Phong cách siêu thực này được ông rèn giũa ngày một sắc bén, biến nó thành tác phẩm nghệ thuật châm biếm hoàn hảo.
Dupieux sinh năm 1974 tại Paris. Năm 18 tuổi, khi tìm thấy một chiếc máy ảnh, ông bắt đầu theo đuổi đam mê điện ảnh. Chỉ 1 năm sau, phim ngắn của ông đã được đài truyền hình hỏi mua. Tuy nhiên, khi phát hiện phải mua bản quyền cho nhạc phát trong phim, Dupieux đã mày mò tự làm nhạc.
Áp phích quảng bá phim “The Second Act”
Dần dần, tài năng âm nhạc của Dupieux được phát hiện. Ông có nhiều hoạt động âm nhạc sôi nổi, gặt hái không ít thành tựu dưới nghệ danh Mr. Oizo.
Tuy vậy, niềm đam mê điện ảnh chưa bao giờ vơi trong ông. Cả khi làm nhạc, Dupieux cũng nhận luôn khâu sản xuất MV. Ngược lại, những bộ phim đầu tay của Dupieux cũng dùng nhạc do chính ông sáng tác.
Phim đầu tay của Dupieux, Nonfilm, phát hành năm 2001. Bộ phim thứ hai, Steak (2007) đại thắng phòng vé, gây dựng danh tiếng cho Dupieux là đạo diễn phim hài tài năng. Theo thời gian, các tác phẩm của ông thể hiện rõ tính chất siêu thực và ông thường được so sánh với các thần tượng của mình là Charlie Kaufmann và Luis Bunuel.
Với Dupieux, làm phim cũng giống như một giấc mơ. "Khi mơ, ta tạo ra những mối liên hệ rất kỳ lạ giữa một số chuyện ngẫu nhiên và những con người ngẫu nhiên. Đôi khi ta mơ về một người đã gặp 15 năm trước mà không biết tại sao người đó xuất hiện trong giấc mơ của ta nhiều năm sau" - ông giải thích.
Lea Seydoux (trái) và Raphael Quenard trong “The Second Act”
"Tôi chỉ đang cố gắng tìm kiếm một số nơi bí mật trong bộ não con người, vì tôi nghĩ điện ảnh đôi khi có xu hướng quá lý trí. Mọi thứ tại đó được cho là đều phải có lý, hợp logic" - ông nói - "Tôi thật sự nghĩ cuộc sống không hoàn toàn logic và không phải lúc nào cũng có ý nghĩa. Tôi chỉ đang cố gắng tạo ra một số logic mới giống như những giấc mơ".
Còn về The Second Act, bộ phimnày mới chỉ được đề cập đến vào đầu năm nay, khi Lea Seydoux tiết lộ cô vừa hoàn thành 2 tuần quay trong một bộ phim mới chưa được thông báo của Dupieux. Cô cũng cho biết mình xuất hiện cùng 3 ngôi sao hạng A nữa của Pháp: Vincent Lindon, Louis Garrel và Raphael Quenard.
Như chia sẻ, Seydoux đọc kịch bản một lần và nhanh chóng nhận vai vì ngưỡng mộ đạo diễn Dupieux - người mà cô mô tả là một "nhà làm phim phi thường" có phong cách hài hước khi mô tả những xung đột xã hội ngày một gia tăng, thông qua những nhân vật vụng về, không hoàn hảo. Đồng thời, cô đánh giá phim là "điên rồ" và "rất, rất hài hước".
Phim được quay ở Dordogne vào cuối năm 2023, hoàn toàn bí mật tới mức chủ sở hữu địa điểm quay còn không biết tài tử Vincent Lindon đang có mặt trên đất của mình.
The Second Act vừa ra mắt tại LHP Cannes, đồng thời phát hành tại các rạp ở Pháp hôm 14/5. Phim nhận được cả những lời khen lẫn ý kiến phê bình. Trên trang Allocine của Pháp, dựa trên 30 đánh giá, The Second Act đạt điểm 3,8/5.
Danh sách phim tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2024
- The Apprentice của đạo diễn Ali Abbasi
- Motel Destino, Karim Aïnouz
- Bird, Andrea Arnold
- Emilia Perez, Jacques Audiard
- Anora, Sean Baker
- Megalopolis, Francis Ford Coppola
- The Shrouds, David Cronenberg
- The Substance, Coralie Fargeat
- Grand Tour, Miguel Gomes
- Marcello mio, Christophe Honoré
- Caught by the Tides, Jia Zhangke
- All We Imagine as Light, Payal Kapadia
- Kinds of Kindness, Yorgos Lanthimos
- Lamour ouf, Gilles Lellouche
- Diamant brut (Wild Diamond), Agathe Riedinger
- Oh Canada, Paul Schrader
- Limonov, Kirill Serebrennikov
- Parthenope, Paolo Sorrentino
- The Girl with the Needle, Magnus Von Horn