
KATSEYE mở ra cột mốc mới cho các nhóm nhạc K-pop đa quốc tịch khi lọt vào vị trí 92 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 - Ảnh: HYBE
Nhóm nhạc nữ đa quốc tịch KATSEYE của HYBE vừa mở ra cột mốc lịch sử khi ca khúc mới Gnarly bất ngờ lọt vào vị trí 92 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Đây là lần đầu tiên một nhóm nhạc mang mác "K-pop" không hoạt động tại Hàn Quốc đạt thành tích như vậy, Đáng nói, Gnarly gần như lược bỏ những yếu tố đặc trưng của K-pop truyền thống mà thay vào đó là màu sắc hyperpop đậm chất phương Tây.
Ngày 19-5, tạp chí Billboard vinh danh KATSEYE và NewJeans vào danh sách 21 Under 21, đánh dấu sự lan tỏa mạnh mẽ của K-pop trên toàn cầu dù yếu tố K (Korean) trong K-pop ngày càng ít hơn.
Không có người Hàn vẫn gặt hái thành công lớn
Theo Korea JoongAng Daily, từ năm 2020, sự xuất hiện của các nhóm nhạc K-pop không có thành viên người Hàn Quốc ngày càng trở nên rõ rệt. Các công ty giải trí không chỉ đưa vào một số thành viên ngoại quốc mà còn ra mắt các nhóm nhạc chỉ toàn thành viên bản địa, gọi là các nhóm nhạc K-pop nội địa hóa.
Đặc biệt, vào đầu năm 2024, việc Hàn Quốc triển khai visa văn hóa Hàn Quốc, cấp cho thanh thiếu niên muốn đến quốc gia này để học hỏi về K-pop càng làm cho xu hướng này phát triển mạnh mẽ.

Xu hướng các nhóm nhạc K-pop không có thành viên người Hàn Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ - Ảnh: JYP Entertainment
Năm 2020, JYP Entertainment cho ra mắt NEXZ - nhóm nhạc nam Nhật Bản hoạt động theo mô hình K-pop, thành lập qua chương trình sống còn thông qua cuộc thi "Nizi Project Season 2. Tương tự, năm 2023, SM Entertainment cũng tạo ra NCT Wish với các thành viên toàn là người Nhật.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác cũng áp dụng mô hình K-pop để phát triển các nhóm nhạc của riêng họ. Trong đó, Nhật Bản được xem là thành công nhất. Dù K-pop từng vay mượn nhiều yếu tố từ J-pop nhưng giờ đây lại là điều ngược lại.

BE:FIRST là nhóm nhạc Nhật Bản thành công khi áp dụng mô hình K-pop - Ảnh: Naver
Sky-Hi - cựu idol Nhật kiêm nhà sản xuất, từng cảnh báo ngành giải trí Nhật có thể "lệ thuộc Hàn Quốc" nếu không giữ nhân tài lại trong nước nhưng giờ đây, chính anh là người áp dụng hệ thống K-pop để tạo ra nhóm BE:FIRST và gặt hái thành công lớn.
Không chỉ Nhật Bản, mô hình K-pop còn được "nhập khẩu" vào Trung Quốc, Đông Nam Á và Mỹ.
Năm 2024, nhà sáng lập SM Entertaiment Lee Soo Man tái xuất cùng Công ty A20, ra mắt nhóm nữ Trung Quốc A20 May.
Tại Philippines, danh hài Jung Sung Han giúp thành lập nhóm nam SB19, sau đó tiếp tục ra mắt YGIG và PLUUS thông qua công ty riêng.
Đặc biệt, NiziU, nhóm nhạc nữ gồm toàn thành viên Nhật Bản do JYP Entertainment đào tạo đã giành chiến thắng đầu tiên tại show âm nhạc Hàn Quốc với ca khúc Love line, trở thành nhóm K-pop đầu tiên không ra đời tại Hàn Quốc nhưng vẫn chiến thắng trong nước.

NiziU tạo kỳ tích, trở thành nhóm K-pop đầu tiên không ra đời tại Hàn Quốc nhưng vẫn chiến thắng trong nước - Ảnh: JYP Entertainment
Khi K-pop bước sang giai đoạn 3.0
Về xu hướng này, ca sĩ Park Jin Young - nhà sáng lập JYP Entertainment, nói K-pop đã bước vào giai đoạn 3.0. Trong đó, các nhóm nhạc không còn cần phải gắn bó với ngôn ngữ Hàn Quốc trong tất cả các sản phẩm âm nhạc của mình.
Điều này có nghĩa là thay vì thành công ở một quốc gia, sau đó mở rộng ra các thị trường khác thì các nhóm nhạc K-pop có thể đồng thời nhắm đến nhiều thị trường toàn cầu với một sản phẩm âm nhạc chất lượng.

Nhóm nhạc A20 May gồm các thành viên Trung Quốc ra mắt vào cuối năm 2024 - Ảnh: A20
Một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào sự thành công của K-pop chính là việc các nhóm nhạc hiện nay không chỉ giới hạn trong các thị trường châu Á. Thay vào đó, K-pop đã vươn ra thế giới, đặc biệt là các thị trường phương Tây.
Theo thống kê từ Cục Hải quan Hàn Quốc, các quốc gia nhập khẩu đĩa nhạc Hàn Quốc đã tăng từ 78 nước vào năm 2017 lên 114 nước vào năm 2020 và 148 nước vào năm 2021.

NCT Wish là nhóm nhạc Nhật Bản nằm trong hệ thống các nhóm NCT của SM Entertainment - Ảnh: SM Entertainment
"K-pop không đơn thuần là nhạc Hàn Quốc mà là một hệ thống sản xuất văn hóa bắt nguồn từ Hàn Quốc với hệ đào tạo nghiêm ngặt và giá trị thẩm mỹ riêng biệt.
Quan trọng không phải là ai hát, mà là họ được đào tạo và hoạt động trong hệ thống nào" - giáo sư Yamamoto Joho, chuyên gia nghiên cứu K-pop tại Đại học Ritsumeikan, nhận định.
Còn Bang Si Hyuk - chủ tịch HYBE, cho rằng K-pop sẽ có cơ hội lớn hơn và tiếp cận được một lượng người tiêu dùng rộng lớn hơn nếu bỏ bớt chữ "K" trong K-pop. Đồng thời đưa ra cảnh báo nếu giữ nguyên mô hình hiện tại, K-pop sẽ gặp phải hạn chế lớn trong việc phát triển.