GĐXH - Á hậu Trịnh Kim Chi chính là Á hậu đầu tiên ở Việt Nam nhận danh hiệu NSND. Đây là thành quả đáng tự hào của người đẹp đang bước sang tuổi U50.
Những ngày qua, việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10 vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng bi hài những trường hợp nghệ sĩ được đông đảo nhân dân mến mộ thì không là NSND, lý do liên quan đến vô số các thủ tục cứng nhắc như: thiếu huy chương, thiếu phiếu bầu, có đơn thư,... Lại cũng có nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu khi còn quá trẻ, tên tuổi không nổi bật, "lên NSND mà không ai biết là ai".
Chính vì thế, có nhiều nghệ sĩ gạo cội dù đủ tiêu chí hoặc thiếu 1 vài tiêu chí song họ là nghệ sĩ được công chúng yêu thương nên được khuyên làm đơn xin xét tặng, để được xét đặc cách song đều từ chối. Với những nghệ sĩ này, với họ được khán giả nhớ đến, nghệ sĩ ở trong lòng nhân dân đã là danh hiệu lớn nhất, không phải vinh danh mà thành.
Nhiều NSƯT không muốn làm hồ sơ xét tặng NSND vì không muốn "xin - cho" và vì danh hiệu lớn nhất là nghệ sĩ của nhân dân
Tuy nhiên, về phía dư luận vẫn tỏ ra bất bình với tình trạng bất cập trong xét tặng danh hiệu này. NSND Vương Duy Biên cho rằng, việc đánh giá tài năng ở Việt Nam đang có một nghịch lý, nhiều ca sĩ có tài năng, được nhiều khán giả yêu mến, họ cứ xuất hiện là bán được vé, lại không quan tâm đến việc xét duyệt danh hiệu, điển hình như trường hợp này như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… Những ca sĩ này không tham gia liên hoan, hội diễn, không có huy chương nên không đủ tiêu chí để xét duyệt danh hiệu, như vậy là chúng ta đang bỏ sót người tài.
Nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho biết thêm, nhiều nghệ sĩ cao tuổi đã nghỉ hưu, không tham dự được các cuộc thi để có thêm huy chương nữa nên không thể xét duyệt NSƯT, NSND. "Vì vậy, tiêu chí cũng cần làm rõ, nghệ sĩ đã nghỉ hưu, nghệ sĩ tự do thì có thể tham gia các liên hoan không? Có nghệ sĩ đến khi mất mới được truy tặng danh hiệu một cách cấp tập. Nhiều nghệ sĩ đến khi về hưu mới được xét tặng danh hiệu thì sự vinh danh này muộn quá.
Thực tế ghi nhận, nhiều người tài năng cũng ở mức độ vừa thôi nhưng do nhiều yếu tố vẫn được phong các danh hiệu. Theo tôi, nghệ sĩ đạt danh hiệu NSƯT, NSND là phải xuất chúng, chứ không thể "chìm nghỉm" được", ông Biên nói.
Cùng bàn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - UV Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, qua 10 mùa xét tặng, dù có nhiều sửa đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thi đua khen thưởng, chúng ta thấy có nhiều vấn đề bất cập vẫn đang xảy ra. Một số nghệ sĩ được biết đến rộng rãi nhưng không được phong tặng. Một số nghệ sĩ được phong tặng lại chưa nhận được sự đồng tình cao.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết qua 10 mùa xét tặng danh hiệu còn nhiều vấn đề bất cập vẫn đang xảy ra.
"Cơ chế xin - cho trong xét duyệt hồ sơ. Thành tích ảo từ những cuộc thi chủ yếu dành để trao huy chương phục vụ xét tặng danh hiệu. Rồi những đơn thư kiện cáo liên quan. Tất cả ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ, cũng như sự phát triển của cả nền nghệ thuật", ông Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, khi nói về gợi ý có cần bổ sung tiêu chí "sự lan tỏa hình ảnh" cho các nghệ sĩ xét duyệt danh hiệu không? - Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, danh hiệu NSƯT, NSND là dành cho cống hiến của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đối với nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng. Như vậy, không phải cứ là nghệ sĩ nổi tiếng, được công chúng biết đến rộng rãi thì đương nhiên là NSƯT, NSND.
Tuy vậy, ông cũng đồng ý rằng, nghệ sĩ là người của công chúng, phải được công chúng biết đến thông qua tác phẩm, tài năng nghệ thuật của mình, tác phẩm đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cách mạng thì cũng cần phải đến được với công chúng.
"Tôi nghĩ, dù việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã qua nhiều vòng, với nhiều bước đánh giá, nhưng việc có thêm một tiêu chí về sự công nhận, đánh giá của công chúng đối với các nghệ sĩ cũng là một ý tưởng thú vị, có thể tham khảo và áp dụng", ông bày tỏ quan điểm của mình.
Đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 lần đầu tiên áp dụng theo Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Theo đó, để đạt được danh hiệu NSƯT, NSND, bên cạnh những tiêu chí về số năm làm việc, giải thưởng... hội đồng các cấp còn thảo luận, đánh giá các trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tháng 7/2022, Bộ VH-TT&DL đã công bố 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT lần thứ 10 được trình lên Hội đồng cấp Nhà nước.
Từ tháng 8 năm nay, Bộ VH-TT&DL đăng tải trên trang thông tin của Bộ danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, để lấy ý kiến nhân dân.
Việc lấy ý kiến của nhân dân đã được tiến hành trong 20 ngày, bắt đầu từ 26/7 đến hết 16/8 trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.
Danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước. Trong danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét duyệt NSND, cho đến nay, đợt 1 có 77 người đạt tiêu chí, đã được thông qua và đợt 2 có 42 cá nhân được phong tặng NSND.