dong-song-khong-nhin-thay-cua-pham-ngoc-lan-o-lien-hoan-phim-locarno-2020-1673592366234768487386.jpg

Khi dự án CJ short được bắt đầu ở Việt Nam do CJ Foundation và CJ CGV Việt Nam khởi xướng vào năm 2017, nhóm các nhà làm phim được mời vào ban tuyển lựa và hướng dẫn dù lạc quan đến đâu cũng không thể ngờ các dự án phim ngắn được chọn cấp kinh phí sản xuất cuối cùng lại đi xa đến thế tới các liên hoan phim quốc tế hàng đầu thế giới.

Cùng lúc đó, Trung Quốc và Hàn Quốc, hai quốc gia mà CJ short được tổ chức song song với Việt Nam, kết quả không được như vậy. 

Tất nhiên chúng tôi đều hiểu rằng sự thành công vượt trội của Việt Nam trong dự án này chưa cho phép chúng ta so sánh mình với hai nền điện ảnh lớn vừa nhắc, nhưng chí ít nó cho thấy nếu đi đúng hướng và nếu biết cách hỗ trợ đường dài các tài năng trẻ, chúng ta sẽ có quả để hái và nền điện ảnh hầu như chưa được biết đến của chúng ta có ngày sẽ được xướng tên xứng đáng.

10 tháng 10 phim

Tôi muốn nhắc đến một dự án khác được khởi xướng 20 năm trước do Ford Foundation hỗ trợ, dự án 10 tháng 10 phim, ra đời ngay sau thời điểm Nhà nước cho phép thành lập hãng phim tư nhân và lần đầu tiên các quỹ hỗ trợ phát triển quốc tế mở các hoạt động tài trợ nghệ thuật tại Việt Nam. Ford Foundation là quỹ mở đường và điện ảnh được họ chọn làm trọng tâm.

Năm đầu tiên của 10 tháng 10 phim, Nguyễn Hoàng Điệp, Bùi Kim Quy, hai nữ sinh chưa tốt nghiệp trường điện ảnh, là những cái tên đầu tiên được dự án giúp máy quay, phòng dựng và một ít tiền. 

Phim ngắn Cái đệm của Quy và Mùa thứ năm của Điệp tạo được tiếng vang đủ để năm sau đó, Ford mạnh tay mở một Master Class mời cả đạo diễn Trần Anh Hùng từ Pháp về dạy.

Tôi là một trong ba người được chọn vào lớp này, học đã không mất tiền mà còn được cầm 12.000 USD quay phim ngắn Khi tôi 20. 

12.000 USD 20 năm trước rất lớn, đủ để làm 20 phim tốt nghiệp trường điện ảnh, cũng đủ, như chúng tôi hay nói đùa, mua một mảnh đất rộng ngoại thành. Thế mà cục tiền này được giao vào tay đứa non nớt kinh nghiệm như tôi nhẹ như giao viên kẹo.

duong-dieu-linh--167359236623885663426.jpeg

Tôi còn nhớ khi làm phim này, không ai can thiệp vào chi tiêu, cũng không ai quản về nội dung, tôi muốn làm gì thì làm miễn là cuối cùng xong phim. 

Tôi đang làm ở Cục Điện ảnh, nơi phân chỉ tiêu cho các hãng phim nhà nước, quy trình để một phim được duyệt kịch bản, duyệt tổng dự toán, rồi duyệt nháp quay, duyệt hòa âm, duyệt bản cuối là vô cùng nhiêu khê, phức tạp, chi tiêu được soi kỹ đến từng hộp sơn.

Quen với quy trình này tôi đâm lo sao bên trao tiền cho mình không bật chế độ cảnh giác? Nhưng tôi nhận ra đã có một cách quản lý đơn giản và hiệu quả hơn đặt vào niềm tin, khi trao tiền tài trợ cho ai chỉ cần tìm ra người mà chất lượng bộ phim sẽ là chuyện sống còn với họ. Gánh nặng danh dự và khát khao được làm phim của người nhận đã quàng lên cổ họ rồi. 

Hồi đó tôi đã sống cảm giác cổ đeo ách cả năm trời trong khi sục sạo khắp Hà Nội để tìm diễn viên, đến khi quay được phim thì đã vào mùa đông, 10 ngày quay hôm nào về nhà cũng chỉ dám ngủ trên sofa, sợ giường êm quá, ngủ quá giờ ra phim trường.

Tôi tin sự thấp thỏm, "sống trong sợ hãi" này có thể cũng là cảm giác chung của hầu hết các nhà làm phim trẻ được Ford hỗ trợ lúc đó. 

Vào đầu thế kỷ 21, chúng tôi sắp hoặc vừa tốt nghiệp trường điện ảnh, ngoài giấc mơ to lớn muốn làm phim mà chưa biết phải làm sao ra thì chính xác là một đám lơ ngơ chưa biết gì về thế giới bên ngoài. 

Một hôm thấy mình được những đạo diễn nổi tiếng thế giới đến dạy, được cho tiền làm phim, được tự do làm phim theo ý mình, chừng đó thôi là quá đủ để ai cũng chạy xoắn cả lên.

31916451310594286487747135437164729089326781n-1673592366218506556627.jpg

Các nhà làm phim Việt Nam tại LHP Locarno 2018: Phạm Ngọc Lân (thứ 2 từ trái sang), Phan Đăng Di (thứ 3), Dương Diệu Linh (thứ 5), Trần Thị Bích Ngọc (thứ 7 hàng sau), Bùi Thạc Chuyên (thứ 9), nhà sản xuất Bảo Nguyễn (thứ 10), Phạm Thiên Ân (thứ 11)

Sau này khi có dịp tới nhiều liên hoan phim quốc tế tôi mới nhận ra cách vận hành của 10 tháng 10 phim do Ford tài trợ khi đó là cách vận hành chung của các quỹ hỗ trợ điện ảnh trên toàn thế giới. 

Nguyên tắc của nó là đúng người, đúng việc, hỗ trợ nhưng không can thiệp. Đúng người đầu tiên phải là chọn đúng người có thể chọn ra đúng người được hỗ trợ. Đây phải là những người làm nghề có uy tín, nằm trong các hội đồng độc lập, quyết định của họ không thể bị bất kỳ ai, kể cả bên tài trợ tài chính can thiệp. 

Với người nhận hỗ trợ, nếu trong phạm vi quốc gia thì những đại diện uy tín của cộng đồng làm phim nước đó sẽ là người chọn, vì họ biết rõ ai giỏi, ai xứng đáng (dự án 10 tháng 10 phim hồi đó do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên phụ trách, anh là người có tiếng nói quan trọng trong việc mời giảng viên và chọn dự án).

Với các quỹ quốc tế, phạm vi nhận dự án là khắp nơi trên thế giới, người trong hội đồng tuyển lựa không thể đến từng nước để tìm hiểu thì đã có một hệ thống sàng lọc giúp họ là các liên hoan phim. 

Trong hệ thống này các liên hoan phim hạng A như Cannes, Berlin, Venice có sức nặng vô cùng lớn, trong lúc Locarno, Rotterdam, Busan, Tokyo, Toronto cũng có ảnh hưởng nhưng ở mức thấp hơn. 

Nghĩa là trong các hồ sơ gửi đến, ngoài chất lượng dự án, nếu đạo diễn đã có phim được chọn vào các liên hoan phim này hoặc đạo diễn đã từng được mời tham dự hoạt động tại đó thì cơ hội được hỗ trợ sẽ cao hơn.

Phim ngắn cho đường dài làm phim

Tại sao trong giới làm phim, đặc biệt là dòng phim nghệ thuật - tác giả, một phim ngắn tốt lại có ý nghĩa đến thế. Bởi khi khởi nghiệp, chưa ai biết đến bạn cả, cách duy nhất để bạn được chú ý không thể nhờ quan hệ, dù quan hệ đôi khi cũng cần thiết. 

Cho nên những quỹ hỗ trợ giúp làm phim ngắn Việt Nam trước đây như Ford Foundation hay hiện giờ là CJ Foundation quý ở chỗ đã cho nhà làm phim trẻ Việt Nam đúng cái họ cần: tấm danh thiếp phim ngắn để chào sân. 

20 năm trước, nếu không có 10 tháng 10 phim thì cả tôi, Nguyễn Hoàng Điệp hay Bùi Kim Quy chưa chắc đã chuyển nổi sang giai đoạn làm phim dài. 

Biết tìm tiền ở đâu mà làm khi những dự án dài chúng tôi theo đuổi không trong phạm vi được Nhà nước cấp ngân sách, cũng chẳng phải kiểu phim các hãng phim tư mặn mà. 

Cho nên khi Bi đừng sợ của tôi được giới thiệu lần đầu tại chợ dự án của Busan năm 2007, dù là dự án hiếm hoi của Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế, nó vẫn chẳng phải lý do chính để tôi kiếm được hơn 600.000 USD cho phim. 

Lý do chính là nhờ Khi tôi 20 được chọn dự thi tại Liên hoan phim Venice 2008 và các quỹ biết điều này.

Như vậy từ 12.000 USD được cho để làm phim ngắn, sau 4 năm, lại giúp tôi, một đạo diễn vô danh từ một nền điện ảnh cũng vô danh không kém, kiếm được số tiền gấp 50 lần cho phim dài, đây là điều mà cả khi nằm trên chiếc sofa gỗ vắt tay lên trán nghĩ về tương lai lúc quay phim ngắn mấy năm trước tôi cũng không nghĩ tới nổi.

bi-dung-so--167359236622391014419.jpeg

Phim Bi đừng sợ và Đập cánh giữa không trung là 2 phim đầu tiên đánh dấu bước đi độc lập của điện ảnh trẻ Việt ra thế giới

Với CJ short của CJ Foundation, khi tôi cùng Nguyễn Hoàng Điệp, Trịnh Đình Lê Minh, Leon Quang Lê, Nguyễn Hồng Ánh và Trần Thị Bích Ngọc được mời phụ trách dự án, hầu hết chúng tôi đã "lăn lộn" nhiều năm tại các liên hoan phim, hiểu rõ hệ thống này vận hành thế nào, biết phải làm gì để đưa phim Việt đến được các liên hoan phim hàng đầu hay bán ra thế giới. 

Tôi và Ngọc trước đó còn lập ra Gặp gỡ mùa thu, nơi các bạn trẻ Việt Nam và châu Á tiếp tục được học làm phim với Trần Anh Hùng, với các nghệ sĩ thú vị khắp thế giới, nơi họ cũng có thể gặp người đại diện của các quỹ điện ảnh, các liên hoan phim để biết rõ phải làm phim hay sáng tạo ra các dự án thế nào để đi xa.

Chúng tôi hầu như không mất công đi tìm các dự án thú vị, chúng chờ sẵn ở đó rồi, còn các tác giả thì chỉ chờ tiền để đưa chúng lên màn ảnh thôi. Bởi thế mà chỉ 2 mùa đầu của dự án, đã có một sự bùng nổ của nhiều bộ phim xuất sắc với phong cách cực kỳ đa dạng.

Chính là ở các mô hình như Gặp gỡ mùa thu, TPD hay mới đây là Xine House, những cuộc gặp gỡ giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế được duy trì thường xuyên, ở mức thân mật đã thu hẹp khoảng cách giữa chúng ta với thế giới, không chỉ trong tư duy nghệ thuật mà quan trọng hơn là trong sự tự tin dám thử nghiệm những biểu đạt độc đáo trong sáng tạo điện ảnh.

Nếu Một khu đất tốt của Phạm Ngọc Lân (hạng mục dự thi Liên hoan phim Berlin 2019) mang một chất bí ẩn gần như tiên tri thì Mây nhưng không mưa của Vũ Minh Nghĩa và Phạm Hoàng Minh Thy (hạng mục dự thi của Venice 2020) đậm chất giễu nhại, phi lý và hài hước. 

Trong lúc đó với duy nhất cú máy cho cả phim Hãy thức tỉnh và sẵn sàng của Phạm Thiên Ân khắc họa rõ trạng thái trống rỗng, bạo lực và mắt kẹt của đàn ông trong cuộc sống đô thị. 

Phim được chọn vào Cannes, và đoạt giải thưởng lớn dành cho phim ngắn trong khu vực Director Fortnigh. 

Như vậy chỉ trong 2 năm cả 3 liên hoan phim lớn nhất thế giới đã có sự hiện diện của phim ngắn Việt Nam, chưa kể phim của Phạm Quang Trung, Dương Diệu Linh, Phạm Quốc Dũng cũng ghi dấu tại Rotterdam, Locarno, Busan...

dap-canh-giua-khong-trung--16735923662281033788895.jpeg

Phim Bi đừng sợ và Đập cánh giữa không trung là 2 phim đầu tiên đánh dấu bước đi độc lập của điện ảnh trẻ Việt ra thế giới

Là một người làm phim, điều tôi thấy mừng không chỉ vì phim ngắn Việt Nam đã xuất hiện đều đặn, đàng hoàng ở các khu vực hàng đầu, quan trọng hơn là thấy được các đạo diễn trẻ ngay từ các tác phẩm đầu tay đã nỗ lực quyết liệt cho ngôn ngữ điện ảnh và phong cách cá nhân, khiến cho phim ngắn Việt Nam khó bề bị trộn lẫn trong những năm gần đây.

Tôi còn thấy trong các phim của Phạm Ngọc Lân, Phạm Quang Trung, cả khát khao làm mới và sự chung thủy, kiên trì để những thổn thức cá nhân trước thiên nhiên, con người, tình yêu được hiện lên thuần khiết và tĩnh lặng, một điều hiếm thấy song cũng thường bị xem nhẹ trong nền điện ảnh ồn ào của chúng ta. 

Tất nhiên, những điều tốt lành kể trên mới chỉ là tín hiệu ban đầu, trong điện ảnh, để tạo ra một sự nghiệp thì tài năng cá nhân không phải là tất cả. 

Bản chất của điện ảnh là công việc tập thể, bị chi phối mạnh mẽ bởi tiền bạc, thời thế, năng lực quản lý của bản thân nền công nghiệp điện ảnh, thậm chí rộng hơn là của quốc gia từ đó tạo lập ra được một môi trường sáng tạo yên ổn. 

10 năm qua, dù các phim Việt làm nên chuyện tại các liên hoan phim quốc tế lớn đều do các đạo diễn trẻ thực hiện, nhưng họ chẳng bao giờ nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước. 

Tiền làm phim của họ hoàn toàn do hỗ trợ của các quỹ nước ngoài hoặc đầu tư tư nhân. Nên nhớ các nguồn hỗ trợ này là có hạn và họ cũng không có trách nhiệm phải hỗ trợ mãi cho nghệ sĩ của chúng ta (Ford Foundation đã đóng cửa từ 10 năm trước, ngay cả quỹ CJ Foundation đang hoạt động cũng có thể đóng bất cứ lúc nào).

Nếu chính phủ đứng ngoài câu chuyện hỗ trợ này như 20 năm qua thì các tài năng vừa nảy mầm của chúng ta sẽ sẽ khó có thể vươn lên vì không được trợ lực kịp thời.

Ngay cả các tài năng đã chuyển thành công từ phim ngắn sang phim dài như Nguyễn Hoàng Điệp, Lê Bảo, Trương Minh Quý hay Phạm Ngọc Lân cũng sẽ không dễ dàng đi tiếp khi các quỹ hỗ trợ nước ngoài đang cắt giảm ngân sách trong lúc thị trường Việt Nam cho dòng phim nghệ thuật vẫn chưa đủ lớn để các nhà đầu tư tư nhân có thể vào thay thế.

Như vậy khi Chính phủ nhìn thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì sự hiện diện của Việt Nam ở các khu vực quan trọng của điện ảnh thế giới nhờ những gương mặt trẻ bước đầu đã làm nên chuyện và từ đó có đột phá chính sách, chẳng hạn hỗ trợ thẳng cho các dự án họ đang thực hiện trước khi bàn tiếp một chiến lược bài bản hơn cho cả nền điện ảnh. 

Còn không chúng ta vẫn sẽ tiếp tục nghe mãi chuyện dài không có hồi kết về các bộ phim nhà nước không đi được liên hoan cũng không bán được vé, vừa ra đời đã cất kho, trong lúc một thế hệ nhà làm phim trẻ có tài năng và hoài bão vẫn phải ăn đong mãi vào lòng tốt của người ngoài. Dù lòng tốt của ai thì cũng là lòng tốt cả.

Trong 10 năm lại đây, các dự án của Nguyễn Hoàng Điệp, Phạm Ngọc Lân, Trương Minh Quý, Lê Bảo, Phạm Quang Trung, Dương Diệu Linh... thường xuyên nhận được giải thưởng từ các chợ dự án hay hỗ trợ tài chính từ các quỹ điện ảnh uy tín như World Cinema Fund (Liên hoan phim Berlin) Cinema Du Monde (Bộ Văn hóa và Bộ Ngoại giao Pháp), Quỹ hỗ trợ điện ảnh của chính phủ Singapore, Philippines...

Đây không phải do Việt Nam đang được ưu tiên hay gặp may, các đạo diễn trẻ này, ngoài tài năng họ còn đang đi đúng quy trình quốc tế cho dòng phim nghệ thuật họ theo đuổi. Quy trình đó luôn yêu cầu người đạo diễn phải có một phim ngắn tốt, một dự án đủ chất lượng để sẵn sàng pitch tại các chợ dự án hàng đầu thế giới.

pham-ngoc-lan-16735923662451486105835.jpg

Phạm Ngọc Lân, sau khi ghi gây ấn tượng bằng một chùm phim ngắn đặc biệt xuất sắc, 2 lần được chọn dự thi tại Liên hoan phim Berlin nhưng khi thực hiện dự án phim dài đầu tay trong năm 2022 đã gặp phải áp lực thiếu kinh phí khiến khâu tổ chức sản xuất rất lao đao.

Vấn đề Lân gặp phải cũng cho thấy có những bất ổn trong chính sách đối với tài năng trẻ của chúng ta.

Dù Luật điện ảnh hay các chiến lược phát triển ngành, hỗ trợ tài năng trẻ luôn được nhắc đến như nhiệm vụ hàng đầu, nhưng chưa được thực thi đúng mức.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022