Phim Cu li không bao giờ khóc đến chiều 19-11 thu được 388 triệu đồng - Ảnh: ĐPCC
Đây đều là phim dài đầu tay của hai đạo diễn trẻ, ngay từ đầu đã chủ động đưa lên màn ảnh những cách biểu đạt cá nhân, khác biệt bằng tâm thế tự tin và ung dung.
Khi xem phim, không thấy sự lo lắng của đạo diễn sợ phim không được lòng khán giả.
Theo đuổi cách riêng
Họ quả quyết theo đuổi cách làm riêng của mình vì tin khán giả nhất định sẽ thích phim của họ. Niềm tin có chút ngây thơ nhưng lành mạnh và cảm động, thứ cảm động ta thường thấy ở phim đầu tay hay mối tình đầu.
Cu li không bao giờ khóc là một phim lay động tâm can.
Phạm Ngọc Lân tạo ra một bầu khí quyển riêng nơi những suy tư về đời sống tinh thần con người, người với người, người với thời gian, nơi chốn, với thiên nhiên, với sự bất khả tri của tồn tại, bất ổn về tương lai... hiện lên vừa trầm mặc vừa bình thản, day dứt.
Cu li không bao giờ khóc trailer
Có điều gì đó thật phi thường khi một bộ phim nhỏ lại gợi lên được những khía cạnh lớn lao và bí ẩn đến vậy của đời sống.
Giải cứu anh "thầy" thì khác hẳn.
Nó lựa chọn một diễn đạt ồn ào, kỳ cục và buồn cười, một kiểu ngụ ngôn đen hiện đại được kể bằng giọng giễu nhại, tưng tửng đầy chất trí tuệ nhưng không hẳn quen thuộc với khán giả, dù đạo diễn đã mềm hóa những tình huống nặng nề bằng bông lơn và lối thoại rất dí dỏm.
Giải cứu anh "thầy" trailer
Cặp nhân vật chính hiếm thấy trong phim Việt, nhưng ngẫm lại sẽ thấy phiên bản của họ ngồi đầy trong các quán cà phê, các khu tập thể, các chung cư cũ và mới ở Hà Nội.
Điều thú vị là đạo diễn không nhằm dạy dỗ hay lên án mà đề xuất một cách để vượt qua. Đó là một thái độ rất nhân đạo, một tư duy trưởng thành của người làm phim.
Cả hai phim, tình cờ, cùng ra rạp Việt từ ngày 15-11.
Phim Giải cứu anh “thầy” đến chiều 19-11 thu được 126 triệu đồng - Ảnh: ĐPCC
Đừng xem phim một cách lười biếng
Một điều quý mà hai phim này làm được là làm nẩy lên nhu cầu đối thoại từ người xem, dù điều này chưa hẳn là mục đích của số đông khán giả Việt khi đi xem phim.
Nhiều nước phát triển có phim mục phong phú để khán giả lựa chọn. Khán giả Việt Nam ít có môi trường đa dạng như vậy. Rạp phim ở Việt Nam mặc định là nơi của giới trẻ, là chỗ giải trí nhiều hơn là chốn thưởng thức và nghiền ngẫm.
Rạp phim ở Việt Nam mặc định là nơi của giới trẻ, là chỗ giải trí
Môi trường như vậy nếu không có một sự bùng nổ truyền thông gây tò mò thì xác suất khán giả bỏ qua những phim kiểu indie, nghệ thuật, phim của các đạo diễn mới... để chọn kiểu phim "thân thiện" với thói quen là rất cao.
Đây là kiểu thân thiện dễ hiểu nhưng cũng dễ biến khán giả thành những người thụ hưởng lười biếng và bị động, khiến họ đánh mất niềm háo hức khám phá, không còn động lực đi tìm cái gì đó mới để được ồ lên khi gặp một phim lạ, một cách làm thông minh, mới mẻ hay giọng điệu khác đi.
Sẽ rất chán nếu một nền điện ảnh mà mọi nhà làm phim đều lựa chọn vỗ về nhu cầu được yên ổn trong vòng an toàn của khán giả. Sự dễ chịu đó giống như uống nước ngọt, sảng khoái nhanh nhưng khẩu vị dễ bị đông cứng, thao túng không thoát ra được.
Còn lại là tùy duyên
Có một tâm thế thân thiện ở hai bộ phim Cu li không bao giờ khóc và Giải cứu anh "thầy" đến từ kinh nghiệm sống và muốn mở lòng của người làm phim trong cách nhìn nhận thế giới.
Từ những vấn đề lớn như lịch sử đến những vấn đề cá nhân hơn như mối quan hệ con người trong gia đình, sự nhìn nhận đó của người làm phim hướng người xem phát hiện ra khả năng của sự thông cảm. Điều này rất quan trọng với một tác phẩm điện ảnh.
Rất hiếm khi thấy trên phim ảnh Việt Nam có hai nhân vật như người anh trai và cô em gái như trong Giải cứu anh "thầy".
Cảnh phim Giải cứu anh "thầy"
Người anh trai đại diện cho người đàn ông mãi không chịu lớn, tận cùng vô trách nhiệm, tận cùng trơ tráo thì đồng thời đạo diễn cũng xây dựng nhân vật cô em gái cũng chưa từng có trên màn ảnh, tột cùng tưng tửng, mặt luôn cau có nhưng tinh thần luôn luôn đối đầu và chấp nhận để đi hóa giải tất cả những thứ có thể làm người ta phát điên trong các mối quan hệ gia đình.
Khái niệm về sự rộng lượng, chấp nhận những trạng thái đầy rẫy oán hận, phi lý tận cùng trong cuộc sống mà ai ai cũng phải đối mặt trong cuộc đời từ tiền bạc, niềm tin, ái tình... được phim trình bày rất buồn cười, hài hước - cách tiếp cận rất thông minh, một tinh thần nhân đạo rất lớn hiếm thấy trên màn ảnh Việt Nam.
Giải cứu anh "thầy" của Phi Phi Anh đã tạo ra một cuộc tranh cãi triền miên để gợi ý một giải pháp cho hòa giải và chữa lành; trong khi đó, con cu li của Phạm Ngọc Lân thậm chí chẳng có giải pháp nào, chỉ nhìn mọi thứ bằng đôi mắt u sầu trong veo và biến mất.
Biết đâu trước các áp lực về sáng tạo, danh tiếng lẫn doanh thu, ước mơ sâu kín của nhiều người làm phim là được biến mất như con cu li.
Phim đầu tay đừng nghĩ đến tiền
Ở những phim đầu tay như hai phim này, việc của người làm phim là tập trung tạo ra tác phẩm chứ không phải loay hoay với suy nghĩ phải bán được bao nhiêu vé.
Nhưng phim đầu tay như mối tình đầu, ý muốn dâng tặng thứ quý giá nhất tới người mình yêu sẽ lấn át suy nghĩ nhẽ ra cần tặng thứ người yêu cần. Đây là sự cố chấp thành thực cần có. Nó chính là chất đặc biệt giúp tạo ra các phim đầu tay đậm tính riêng tư, độc đáo, tươi tắn của nền điện ảnh Việt Nam trong khoảng hai thập niên lại đây.
Trong một số trường hợp, danh tiếng có được từ những liên hoan phim quốc tế uy tín và lối biểu đạt mới mẻ đã khiến khán giả tò mò, nhưng để tạo nên một làn sóng người xem, một thói quen xem phim dạng này là việc lâu dài, cần nhiều kiên nhẫn.
Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh
Giải cứu anh "thầy" là phim truyện đầu tay của "hiện tượng nhạc kịch" Nguyễn Phi Phi Anh - từng làm nên "hiện tượng cháy vé" với dự án HOPE (Mộng ước) gồm chuỗi 35 đêm nhạc kịch (musical).
Trước khi ra rạp chính thức, phim giới thiệu theo cách trải nghiệm blind movie (xem phim mù) đầu tiên ở Việt Nam.
Cu Li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân là phim Việt mới nhất đoạt giải ở một liên hoan phim hàng đầu thế giới (Berlin) - Ảnh: Berlinale
Cu li không bao giờ khóc từng nhận tài trợ phát triển kịch bản tại LHP quốc tế Rotterdam và nhận quỹ L'Atelier tại LHP Cannes.
Tháng 2-2024, phim ra mắt trong hạng mục Panorama tại LHP quốc tế Berlin lần thứ 74 và giành giải thưởng "Phim đầu tay xuất sắc nhất".