Giải Nobel Văn học thường được trao cho những tác phẩm có giá trị phổ quát. Vậy tại sao giải Nobel Văn học 2023 lại được trao cho Jon - một kịch tác gia, nhà văn, nhà thơ có "phong cách kể chuyện băng giá, văn phong khan hiếm tính từ và hạn hán cảm xúc", mà lại sáng tác bằng tiếngNynorsk - một ngôn ngữ chỉ với khoảng 50 nghìn người sử dụng? Viện Hàn lâm Thụy Điển cho rằng, những bài học cuộc sống ẩn chứa trong các tác phẩm của ông và chính câu chuyện cuộc đời ông cùng con đường đưa ông đến với việc viết lách là cả một điều phi thường.
Viết văn, thơ, tiểu thuyết… để giải phóng chính mình
Jon Fosse không phải là người có năng khiếu viết lách bẩm sinh. Khi còn nhỏ, ông rất sợ hãi mỗi khi được giáo viên yêu cầu đọc thành tiếng. Nỗi sợ hãi đó lớn tới mức khiến ông thực hiện một số hành vi kỳ cục như chạy khỏi lớp, nói dối… mỗi lần bị yêu cầu đọc bài. Điều đó khiến cậu bé Jon bị bạn bè cười nhạo, thầy cô thiếu tin tưởng. Và Jon tìm cách xoay xở để chiến thắng nỗi sợ hãi đó, bắt đầu bằng việc viết ra những dòng chữ của riêng mình: thơ ngắn, truyện ngắn. Điều kỳ diệu là, việc viết lách mang lại cho cậu cảm giác an toàn. Và cứ thế, Jon viết miệt mài, để chiến thắng nỗi sợ kia và để chiến thắng chính mình.
Đến khi là sinh viên, Jon Fosse đã có tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản – cuốn Đỏ, đen. Cuốn sách đầu tiên của ông, nhà xuất bản yêu cầu cắt đi… một nửa. Với ông, bản in của Đỏ, đen cũng chỉ còn… một nửa giá trị. Jon bảo, ông từng xấu hổ khi đọc bản in những tác phẩm đầu tiên của mình. Quả thật, chúng không được các nhà phê bình đánh giá cao. Nhưng Jon Fosse là một cây bút kiên định, quyết không nghe theo giới phê bình. Sau này, khi đã nhận được nhiều giải thưởng, trở thành cây bút nổi tiếng, ông cũng không để những lời tán dương ảnh hưởng đến việc viết lách. Luôn kiên định với ngòi bút của mình, đó là điều ông tâm niệm, kể cả sau khi nhận giải Nobel. Bởi hơn ai hết, ông hiểu rằng, đó là một phần thưởng làm biến đổi cuộc đời. Giải Nobel giúp ông thay đổi địa vị xã hội nhưng cũng có thể khiến ông đánh mất chính mình. "Luôn kiên định với ngòi bút của mình", đó cũng là lời khuyên của Jon Fosse dành cho các nhà văn trẻ.
Trong bài phát biểu đọc trước Viện Hàn lâm Thụy Điển khi được trao giải Nobel 2023, Jon Fosse chia sẻ rằng, ông không viết để bộc lộ bản thân như các nhà văn, nhà thơ khác, mà ông viết để thoát khỏi chính mình. Khi viết, ông không nghĩ đến độc giả cụ thể nào, không có kế hoạch, cũng không ý định, chỉ cố gắng viết đúng và tốt nhất có thể. Với Jon, viết lách là một cách cầu nguyện. Các tác phẩm của Jon Fosse phản ánh khá toàn diện, cụ thể cuộc sống ngoài đời thực của ông. Khi còn nhỏ, ông từng bị một tai nạn thảm khốc, cận kề cái chết, độc giả có thể biết về điều này qua nhân vật Asle trong cuốn Scenes from a Childhood (1994). Có giai đoạn, ông nghiện rượu nặng, không ăn gì trong vài tháng và rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, ông đã chia sẻ về tình trạng mất kiểm soát đó của mình qua nhân vật họa sĩ trong tiểu thuyết Septology. Đôi khi, ông xây dựng phong cách cho nhân vật rồi tự mình bắt chước…
Trở thành kịch tác gia vì… tiền
Câu chuyện cuộc đời của Jon có nhiều chi tiết lạ thường, con đường sự nghiệp của ông cũng đầy kịch tính. Suốt thời tuổi trẻ, ông không mấy quan tâm tới sân khấu kịch. Giám đốc một nhà hát nổi tiếng ở Na Uy, người đọc rất nhiều tiểu thuyết của Jon và nhận ra khả năng viết kịch của ông, đã nhiều lần đề nghị ông viết kịch cho nhà hát, nhưng Jon đều từ chối. Mãi đến năm 1993, mười năm sau khi tiểu thuyết đầu tiên của Jon được phát hành, ông bị cháy túi nên đành nhận lời viết kịch để nhận về một khoản thù lao hậu hĩnh. Khi bắt tay vào viết những đoạn thoại đầu tiên của vở Someone Is Going to Come, Jon nhận ra rằng, viết kịch thật quá dễ dàng. Đến năm 1997, lần đầu tiên kịch của ông xuất ngoại, chỉ vài năm sau đó, ông trở thành kịch tác gia nổi tiếng trên thế giới. Hiện Fosse là một trong những nhà soạn kịch lớn của thế giới, với hơn 1.000 lần được chuyển thể trong hơn 50 ngôn ngữ khác nhau.
Một cảnh trong vở kịch đầu tiên của Jon Fosse - Someone Is Going to Come
Jon chia sẻ, điều thu hút ông nhất khi lần đầu tiên xem tác phẩm của mình được diễn trên sân khấu hoàn toàn trái ngược với sự cô đơn khi viết tiểu thuyết và thơ - đó là sự đồng hành để sáng tạo nghệ thuật thông qua chia sẻ, cho ông cảm giác hạnh phúc và an toàn. Sau khi cai rượu, Jon tạm ngừng viết kịch trong một thời gian. Ông cảm thấy đã viết đủ nhiều và cũng sợ lặp lại, gây nhàm chán. Ông cần một khoảng lặng với kịch nên đã trở lại với nỗi cô đơn – viết tiểu thuyết. Trong khoảng thời gian sau đó, một số tiểu thuyết nổi tiếng ra đời: Sleepless, Olav’s Dreams, Weariness, Trilogy. Tuy nhiên, với Jon, không dễ để từ bỏ việc viết kịch. Sau vài năm tạm ngừng, ông viết trở lại và cho ra đời những kịch bản tiếng tăm, được biểu diễn ở rất nhiều sân khấu trên thế giới.
Một cảnh trong vở Someone Is Going to Come
Điều đặc biệt là, văn chương của Jon lược bỏ mọi cảm xúc rườm rà hay sự bóng bẩy của đời sống hiện đại. Ông đặt các nhân vật trong truyện, kịch của mình vào cuộc sống tối giản. Tuy nhiên, theo Viện Hàn lâm Nobel, thông qua các vở kịch và tiểu thuyết, Jon đã mang lại tiếng nói cho những điều khó tả. Khi được hỏi về thông điệp muốn truyền tải qua bài phát biểu đọc tại Lễ trao giải Nobel 2003, Jon bảo: "Nếu bài phát biểu của tôi có chứa một thông điệp, thì nó nhắm đến những người đang trải qua thời kỳ khó khăn, đang cảm thấy tuyệt vọng hoặc lo lắng. Tôi cố gắng chìa tay ra với họ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!