Nhưng không chỉ thành “thánh ca” cho những người da màu khắp thế giới, ca khúc về sau còn là nỗi niềm chung của những người bị áp bức hay những người sẽ phải chịu cảnh cô quạnh khi chọn con đường riêng.
Thật ra, nếu nhìn kỹ vào câu chuyện khi The Dock Of The Bay ra đời, rõ ràng, nó là sự phản kháng trong tiềm thức. Cái kết bi thảm nhưng tráng lệ của nó sẽ mang lại sự tự hào không chỉ cho Otis Redding mà cả các cộng đồng rộng khắp.
Ngồi mãi tới hoàng hôn
Otis Redding dường như chưa bao giờ cảm thấy bình yên đến thế. Ánh nắng mặt trời California rải kim cương trên mặt nước phẳng lặng ở vịnh, những con mòng biển chao lượn trên bầu trời xanh ngắt và những ngư phủ già kéo lưới bên bến tàu.
Khi đang ở Bờ Tây để diễn buổi lịch sử tại nhà hát Fillmore vào tháng 6/1967, Redding và người quản lý lộ trình của ông là “Speedo” Sims đã trốn đi vài ngày, bỏ lại tất cả những bộn bề, để thuê một căn nhà thuyền ở gần Sausalito. Trong khung cảnh bình dị đó, Redding thả mình, dịu dàng gảy cây đàn guitar acoustic và cứ hát đi hát lại mãi: “Ngồi đây trong ánh nắng ban mai/ Tôi sẽ ngồi cho tới khi chiều xuống”.
Sims nhớ lại rằng ông hoàn toàn không hiểu Redding đang hát gì. Đó là những ca từ nghe có vẻ cổ quái và lạc điệu. Phải mất tới vài ngày cùng ngồi trên vịnh, Sims mới nhận ra chàng trai trẻ này đang có những bước chuyển mình âm thầm nhưng lớn lao.
Redding1.jpgOtis Redding đang ở bước ngoặt cuộc đời khi sáng tác “The Dock Of The Bay”
Với Redding, sự thay đổi nghĩa là anh bắt đầu nghe Bob Dylan và The Beatles, nghĩ về những chân trời mới bên ngoài sự nghiệp R&B của mình, một sự thay đổi cả về cá nhân lẫn nghề nghiệp. Anh đang vượt ra ngoài luồng hôn nhân khi phải lòng ca sĩ Carla Thomas, đồng thời cảm thấy bị hãng đĩa hạn chế khi họ muốn giữ anh ở nguyên con đường đang chạy bon bon. Nhưng Redding có tham vọng thành lập hãng đĩa riêng và trở thành nhà sản xuất.
Khi đi lưu diễn ở châu Âu vào Hè đó, Redding tiếp tục mày mò giai điệu ở Sausalito nắng chói của mình. Năm tháng kể từ khi bắt đầu, anh mang ca khúc vẫn đang dang dở tới phòng thu Stax. Ở đây, anh gặp cộng tác viên/nhà sản xuất quen thuộc Steve Cropper. Cùng nhau, vào ngày 7/12/1967, chỉ trong nửa tiếng, họ đã viết lên một trang mới trong lịch sử âm nhạc khi hoàn thiện câu chuyện và thêm vào một đoạn chuyển cho The Dock Of The Bay.
Những người đã phải lòng ca từ đậm tính triết lý của The Dock Of The Bay có thể sẽ ngỡ ngàng khi biết Cropper mới là người viết lời, dựa trên những chỉ dẫn rất mong manh. “Đây là tất cả những gì anh ấy có: Ngồi trên bến đỗ của vịnh, tôi nhìn những con tàu tiến về rồi lại biến đi một lần nữa. Tôi chỉ có vậy thôi. Chúng tôi ngồi xuống và khi anh ấy chơi hợp âm thì tôi hoàn thành ca từ” - Cropper kể. Redding không có ý thức rằng sẽ viết về mình nhưng Cropper đã luôn viết lời dựa trên cuộc đời của chàng nghệ sĩ trẻ. “Những ca khúc như Mr. Pitiful, Sad Song - tất cả đều về anh ấy. The Dock Of The Bay cũng vậy. Tôi rời nhà mình ở Georgia để tiến về Frisco đúng là chuyện anh ấy tới San Francisco để biểu diễn. Redding tin tưởng tôi. Dường như tôi luôn làm những điều anh ấy thích” - Cropper nói thêm.
Và như thế, The Dock Of The Bay là khúc ca về thân phận con người khi cố gắng tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống bất chấp những rào cản tới tuyệt vọng mà ai cũng từng phải đối mặt. Đi thẳng vào lòng người là những câu: “Tôi không còn gì để sống/Như thể chẳng có gì xảy ra như cách tôi mong/… Như thể sẽ chẳng có gì thay đổi/ Mọi thứ vẫn y như cũ và tôi sẽ ngồi đây tới rục xương/ Nỗi cô đơn này sẽ không để cho tôi yên”.
Một trong những bản thu vĩ đại nhất lịch sử “The Dock Of The Bay”:
Thoát khỏi những định kiến
Để ôm chặt nhiệt huyết sáng tạo bừng bừng vào khoảnh khắc đó, Redding và Cropper đã gọi ban nhạc tới phòng thu vào giữa đêm muộn. Redding rất phấn khích, chỉ huy Booker T chơi dương cầm còn Al Jackson chơi trống, trong khi ngân nga phần kèn cho ban nhạc nghe.
“Với Redding, tất cả là về cảm xúc và biểu hiện” - Cropper nói - “Hầu hết các ca khúc của anh ấy chỉ có hai hay ba lần thay đổi hợp âm, thế nên không có nhiều nhạc ở đây. Động lực, năng lượng, cách chúng tôi tấn công nó - đó mới là phần khó diễn giải”.
Mọi người đều cảm thấy rõ ràng rằng Dock Of The Bay không giống bất cứ gì Redding từng thu âm. Không có kiểu soul gào thét hay gầm gừ. Không có những “Got-ta!” hay “C’mon baby”. Chỉ có Redding thư giãn, tinh tế và thoải mái nhất.
“Tôi biết đúng là nó đây rồi” - Cropper nhớ lại - “Một ca khúc vĩ đại đây. Tôi biết cuối cùng thì chúng tôi cũng có một ca khúc giúp anh ấy vượt sang thị trường pop”.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022