
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (giữa), diễn viên Thái Hòa (phải) và diễn viên Hồ Thu Anh sẽ giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ - Ảnh: ĐPCC
10h sáng nay 7-4, báo Tuổi Trẻ tổ chức giao lưu trực tuyến với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, diễn viên Thái Hòa và diễn viên Hồ Thu Anh của phim Địa đạo tại trụ sở báo (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Buổi giao lưu còn có bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.
Mời bạn đọc đặt câu hỏi cho đoàn phim và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy. Buổi giao lưu sẽ được tường thuật trực tiếp trên Tuổi Trẻ Online.
Khi Tuổi Trẻ đặt câu hỏi "Một bộ phim về đề tài như thế này xứng đáng khiến khán giả khóc chứ?", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói: "Khóc thầm bao giờ cũng đau đớn hơn.
Tôi không muốn khán giả khóc ầm ĩ lên rồi ra khỏi rạp là thấy nhẹ nhõm và quên đi thật nhanh. Hãy khóc, nhưng là khóc nuốt vào bên trong, khóc âm thầm thì sẽ nhớ lâu hơn".
"Hiện thực trong bộ phim này, tôi muốn người ta phải nhớ, phải day dứt, suy nghĩ vì nó" - anh nói thêm.
Điều gì khiến Bùi Thạc Chuyên đau đớn?
Trên thực tế, có những phim nước ngoài làm về chiến tranh và ăn khách như anh nói, họ xoáy sâu vào số phận một hai con người trong chiến tranh và khắc họa rất rõ số phận và sự hy sinh của họ, tô đậm âm hưởng anh hùng ca.
Vậy tại sao Địa đạo lại chọn cách làm lướt nhanh về cái chết của các nhân vật, không xoáy sâu và có khi còn không kịp để khán giả rơi nước mắt, đặc biệt là với nhân vật chính Bảy Theo (Thái Hòa đóng)?
Trả lời Tuổi Trẻ, đạo diễn nêu quan điểm chủ đạo của anh về cách khắc họa cái chết trong phim: "Về mặt cấu trúc, phim này cũng tập trung vào con người trong chiến tranh, những con người rất bình dị.
Tôi nghĩ rằng cái chết của nhân vật Bảy Theo sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ là một cái chết âm thầm đúng như những người du kích Củ Chi đã hy sinh.
Ý tưởng ban đầu của tôi là có thêm cảnh Bảy Theo nói chuyện với Ba Hương và Tư Đạp, nói anh lo lắng cho họ như thế nào. Cảnh đó là một trường đoạn rất cảm xúc, nhưng tôi phải lựa chọn giữa cấu trúc chung của bộ phim.
Cái kết bằng cảnh làm tình cũng rất mạnh mẽ, nói lên sức sống của con người trong địa đạo. Nhân vật chính của bộ phim là địa đạo. Mình phải lựa chọn giữa hai thứ: cấu trúc chung của phim và một trường đoạn hay. Sau này nếu có tiền, có lẽ tôi sẽ dựng lại một bản phim khác".

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên theo dõi monitor và chỉ đạo ê kíp trên trường quay - Ảnh: Mi Ly
Ngẫm nghĩ thêm một chút, Bùi Thạc Chuyên bộc bạch: "Việc cắt cảnh phim đó khiến tôi đau đớn, cực kỳ đau đớn vì khi quay tôi đã rất cảm xúc". Bảy Theo và tất cả những người du kích ở Địa đạo đều được Bùi Thạc Chuyên xây dựng không nhằm mục đích khiến bất cứ ai trở nên quá nổi trội trong phim.
Anh giải thích: "Họ là những người dân bình thường làm nên những điều phi thường. Ở phần credit, tên của diễn viên đều dàn hàng ngang. Đó là một tinh thần rất Củ Chi. Họ là những người dân bình thường, rất anh hùng nhưng cũng rất thầm lặng. Phim không sa vào ngợi ca cá nhân".

Bùi Thạc Chuyên xứng danh đạo diễn “chưa từng làm phim dở” của Việt Nam - Ảnh: C.K.
Siêu dự án nhưng cũng phải "giật gấu vá vai"
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói anh mất đến 11 năm để sản xuất bộ phim này vì "đã nghĩ ra một câu chuyện như thế này mà không làm cho đến nơi đến chốn thì tôi cảm thấy có lỗi với những người anh hùng đã hy sinh".
Và bốn chữ "đến nơi đến chốn" cần tiền, rất nhiều tiền. Theo một nguồn tin của Tuổi Trẻ, mức hòa vốn của Địa đạo vào khoảng 180 tỉ đồng. Đại diện truyền thông không công bố kinh phí cụ thể nhưng cho biết là "cao hơn nhiều" so với con số nhiều báo đã đăng tải (55 tỉ đồng, tức hơn 2 triệu USD).

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khóc khi ôm anh hùng Tô Văn Đực - người đã tham gia tư vấn và đồng hành với phim suốt quá trình quảng bá - Ảnh: ĐPCC
Trước tin đồn về con số kinh phí thực của phim và cả kinh phí đầu tư cho truyền thông quảng bá, nhiều người trong ngành phim gọi Địa đạo là "siêu dự án".
Thế nhưng, so với kinh phí hàng chục, hàng trăm triệu USD cho những "siêu dự án" điện ảnh của nước ngoài, mức đầu tư của Địa đạo vẫn là rất nhỏ. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng không thể nhận đầu tư nhà nước cho bộ phim Địa đạo vì cơ chế phức tạp.
"Một con đường mà đầu tư công bỏ ra 30% thôi thì con đường ấy cũng thuộc về Nhà nước. Đầu tư phim rất rủi ro nhưng cũng phải có công bằng với sự đầu tư của tư nhân. Nếu giải quyết được chuyện đó, các bộ phim đòi hỏi đầu tư lớn sẽ có cơ hội tốt hơn, có khả năng được đầu tư lớn hơn. Thực ra với Địa đạo còn rất thiếu, tôi cũng phải giật gấu vá vai" - đạo diễn nói.
Ước mơ làm phim lịch sử, chiến tranh của các đạo diễn Việt là một ước mơ đẹp. Rõ ràng chúng ta cần những tác phẩm điện ảnh xứng tầm với lịch sử hào hùng của đất nước. Sau Địa đạo, mong rằng các nhà làm phim Việt Nam khác sẽ được truyền cảm hứng để đi tiếp con đường chông gai này.
"Có lẽ chúng ta phải có suy nghĩ khác vì việc đầu tư tư nhân tạo điều kiện cho điện ảnh rất tốt, khi những đồng tiền thực sự giá trị. Mọi người xem phim này xong, có người nói họ nghĩ dự toán phải cao hơn như thế rất nhiều vì phim trông đắt tiền quá" - Bùi Thạc Chuyên chia sẻ.
Trailer Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối
Đúng, khán giả sẽ nhớ phim rất lâu
Sau hơn hai ngày chiếu chính thức và hai ngày chiếu sớm, Địa đạo thu gần 50 tỉ đồng vào chiều 6-4 (theo Box Office Vietnam). Bộ phim được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và giới chuyên môn với vô số lời khen ngợi.
Khán giả tự nguyện viết những bài bình luận hàng trăm, hàng nghìn chữ trên mạng xã hội. Không chỉ khen phim, họ còn phân tích kỹ lưỡng nhiều tình tiết và nhận xét từ bối cảnh, trang phục, nhân vật cho đến lời thoại tiếng Việt và cả tiếng Anh (riêng lời thoại tiếng Anh của lính Mỹ được đánh giá xuất sắc, chuẩn xác đến từng từ lóng thời chiến).
Ở nhiều suất chiếu, khán giả ngồi im phăng phắc xem hết toàn bộ phần credit, từ bộ phim tài liệu ngắn cũng rất cảm xúc đến bài hát nhạc phim Mặt trời trong bóng tối và đến tận dòng chữ cuối cùng. Nhiều khán giả suy ngẫm rất lâu sau khi xem phim và đặt vé xem lại.
Với những phản hồi này, có thể nói mong muốn của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã trở thành sự thật. Khán giả không nói rằng họ khóc giàn giụa, khóc nức nở khi xem phim nhưng hầu hết những ai đã xem đều cảm thấy phim đáng nhớ và nhớ thật lâu.
Với gia tài phim ảnh gồm 12A và 4H, Chơi vơi, Sống trong sợ hãi, Lời nguyền huyết ngải, Tro tàn rực rỡ và nay là Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, Bùi Thạc Chuyên xứng danh đạo diễn "chưa từng làm phim dở" của Việt Nam.
Cảnh làm tình: mãnh liệt, dồn nén
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói với Tuổi Trẻ về những cảnh làm tình mà anh đưa vào phim một cách táo bạo, duy mỹ và cũng không hề ngần ngại: hai cảnh cưỡng hiếp đầy day dứt và một cảnh yêu đương đẹp đẽ, thăng hoa.
Anh phân tích: "Điều đó thuộc về bản năng của con người. Khi người ta biết mình sẽ chết, họ sẽ muốn sống những giây phút cuối cùng. Tình cảm nam nữ là thứ bị dồn nén trong chiến tranh. Út Khờ nằm trong một túi bom. Một trận bom khủng khiếp khiến cô ấy sợ hãi, run rẩy; khi có đụng chạm về xác thịt, người ta không cưỡng lại được.
Còn ở cảnh sau, khi Tư Đạp và Ba Hương nằm trong một túi bom B52 thì mọi thứ chủ động và mãnh liệt vì họ đã yêu nhau và phải kìm giữ quá lâu rồi.
Thậm chí họ đã nói lời vĩnh biệt. Sự dồn nén ấy rất khủng khiếp, khi đã nói lời vĩnh biệt mà còn gặp lại nhau thì họ bất cần. Tôi đã chuẩn bị cho tình huống đó rất kỹ và mong khán giả cũng cảm nhận được điều đó".