Hôm 28/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện thoại cho ông.
"Theo như tôi biết, không có cuộc điện thoại nào gần đây giữa hai nguyên thủ quốc gia", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Guo Jiakun nói tại họp báo thường kỳ. "Tôi muốn nhắc lại rằng Trung Quốc và Mỹ không tham gia vào các cuộc tham vấn hoặc đàm phán về vấn đề thuế quan", ông nói thêm.
Cuộc gọi duy nhất của ông Tập với phía Mỹ được Trung Quốc ghi nhận diễn ra vào ngày 17/1, tức ba ngày trước lễ nhậm chức của ông Trump. Trước đó, hôm 24/4, cả Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ thông tin về các cuộc đàm phán.
Như vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến nay vẫn duy trì lập trường cứng rắn, ngay cả khi ông Trump dịu giọng vào tuần trước, nói rằng thuế quan với hàng Trung Quốc sẽ "giảm đáng kể" và hứa "tử tế" tại bàn đàm phán.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có nhiều đòn bẩy để giữ vững lập trường trong thương chiến và chờ ông Trump chủ động hạ nhiệt hơn nữa.
Kinh tế Mỹ có thể "thấm đòn" từ chính sách thuế quan, dù cần thêm thời gian để cho thấy các dấu hiệu rõ ràng hơn. Hai tuần qua, lượng container vận chuyển đến Cảng Los Angeles giảm gần 36%, theo đơn vị theo dõi tàu thuyền Port Optimizer. Sản lượng còn có thể tiếp tục lao dốc. "Tôi dự đoán trong vòng hai tuần tới, lượng hàng cập cảng giảm 35%, bởi gần như toàn bộ đơn hàng từ Trung Quốc cho các nhà bán lẻ và nhà sản xuất lớn đã ngưng", Giám đốc Cảng Los Angeles Gene Seroka nói.
Hàng về ít, thuế tăng cao được dự báo sẽ đẩy giá cả leo thang, điều có thể gây bất mãn trong giới tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là tầng lớp lao động. Bắc Kinh tin rằng các biện pháp thuế của ông Trump có nguy cơ đẩy kinh tế Mỹ - vốn trước đó đang vững mạnh - vào một cuộc suy thoái.

Container hàng hóa tại cảng Oakland, bang California, Mỹ ngày 3/4. Ảnh: AP
Quy mô của các loại thuế đã ảnh hưởng đáng kể đến hàng nhập khẩu của Mỹ nhưng cú sốc thật sự chưa diễn ra. Bởi lẽ, thông thường tàu hàng container từ Trung Quốc cần ít nhất một tháng để vận chuyển đường biển và thông quan tại Bờ Tây nước Mỹ, và khoảng hai tháng nếu đến Bờ Đông.
Trong lúc chờ đợi, Bắc Kinh cũng tiến hành các biện pháp chủ động để tránh thiệt hại từ mức thuế trả đũa 125% lên hàng Mỹ. CEO Boeing Kelly Ortberg tuần trước xác nhận Trung Quốc dừng tiếp nhận các máy bay, dù hãng này dự kiến bàn giao khoảng 50 chiếc năm nay. Đến nay, 3 chiếc đã bị trả về Mỹ.
Tuy nhiên, ngừng giao dịch mảng hàng không với Mỹ sẽ khiến nước này chịu ảnh hưởng, bởi họ cần đảm bảo duy trì đội bay Boeing lớn. Dòng máy bay nội địa thân hẹp C919 cũng phụ thuộc vào linh kiện phương Tây cho toàn bộ các bộ phận thiết yếu, gồm động cơ LEAP của liên doanh Safran và General Electric.
Do vậy, theo nguồn tin của CEO Tập đoàn Safran Olivier Andriès, Trung Quốc sẽ không áp thuế với động cơ máy bay, bộ càng hạ cánh và vỏ động cơ nhập từ Mỹ.
Bloomberg cho hay Trung Quốc cũng cân nhắc miễn trừ thuế với một số sản phẩm như thiết bị y tế và khí ethane dùng trong sản xuất nhựa. Tạp chí kinh tế Caijing nói Bắc Kinh đã miễn thuế cho ít nhất 8 loại chất bán dẫn. Một số công ty Trung Quốc từng phải nộp, nhận thông báo họ sẽ được hoàn thuế.
Theo Le Monde, những biện pháp trên có thể được hiểu theo hai cách, là tín hiệu xoa dịu, cho thấy đằng sau giọng điệu cứng rắn vẫn tồn tại sự linh hoạt. Hoặc đây là sự điều chỉnh bắt buộc để Trung Quốc có thể trụ vững trước áp lực.
Cuối tuần trước, ông Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp kinh tế quan trọng, đưa ra đánh giá tích cực nhưng thừa nhận "tác động ngày càng tăng từ các cú sốc bên ngoài" và "khuyến khích chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất bằng cách lập kế hoạch đầy đủ", theo Xinhua.
Giới phân tích cho rằng có sự thay đổi trong cách phản ứng của Trung Quốc lần này. Không thể phủ nhận tác động của thuế quan với các doanh nghiệp xuất khẩu nước này, đặc biệt là ngành nội thất, may mặc, đồ chơi và thiết bị gia dụng. Nhưng kể từ khi ông Trump lần đầu áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào 2018, nhiều yếu tố kinh tế nền tảng nước này đã thay đổi đáng kể. Điểm then chốt là tầm quan trọng của thị trường Mỹ với xuất khẩu giảm rõ rệt.
Năm 2018, khi thương chiến nổ ra, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 19,8% tổng kim ngạch của Trung Quốc. Đến 2023, tỷ lệ này còn 12,8%. Các biện pháp thuế quan mới càng thúc đẩy Bắc Kinh đẩy nhanh chiến lược mở rộng nhu cầu nội địa.
Ngoài ra, 7 năm trước Trung Quốc bước vào cuộc chiến thương mại trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ, thì tình hình hiện nay lại rất khác. Thị trường bất động sản ảm đạm, dòng vốn tháo chạy và xu hướng "tách rời" từ phương Tây.
"Một cách nghịch lý, đợt suy giảm kéo dài này có thể khiến kinh tế Trung Quốc trở nên bền bỉ hơn trước các cú sốc", nhà nghiên cứu Linggong Kong phân tích. Doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách buộc phải thích nghi với thực tế khắc nghiệt trước khi ông Trump tung đòn thuế. Không những thế, chính sách mới của Mỹ còn giúp Bắc Kinh khơi dậy thêm tinh thần dân tộc.
Wang Yiwei, thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa tại Bắc Kinh cho biết nước này đã chuẩn bị cho cách tiếp cận thuế quan mới khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. "Trung Quốc đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và không còn sống trong ảo tưởng về toàn cầu hóa nữa", Wang nói.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh hiểu rằng Washington không dễ dàng thay thế được sự phụ thuộc vào hàng hóa của họ, đặc biệt trong chuỗi cung ứng. Dù lượng nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc của Mỹ đã giảm, nhiều sản phẩm mua từ các nước thứ ba vẫn sử dụng linh kiện hoặc nguyên liệu do Trung Quốc sản xuất.
Tính đến năm 2022, Mỹ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc với 532 nhóm sản phẩm chủ chốt, gần gấp 4 lần so với năm 2000. Trong khi mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào hàng hóa Mỹ trong cùng kỳ đã giảm một nửa.
Trong khi giữ quan điểm cứng rắn, Bắc Kinh cũng tin rằng việc Mỹ tăng thuế các đối tác thương mại sẽ định hình lại địa chính trị. Việc này cũng giúp mở rộng tầm ảnh hưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tại Đông Á, từ cuối tháng 3 - thời điểm sau khi ông Trump lần đầu tiên tăng thuế với Bắc Kinh - Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên sau 5 năm và cam kết thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do ba bên.
Quan hệ thương mại với EU đang bế tắc cũng có cơ hội tháo gỡ, với cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc và EU hôm 8/4. Cả hai có cùng lập trường phản đối chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ thương mại tự do. Các bên đang đàm phán dỡ bỏ các rào cản thương mại và cân nhắc tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm đến Bắc Kinh, ngày 6/4/2023. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, Trung Quốc nhận thấy chính sách thuế quan của ông Trump có khả năng làm suy yếu vị thế quốc tế của đồng đôla Mỹ. Thuế quan áp dụng rộng rãi với nhiều quốc gia đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất thế giới, góp phần làm giảm giá trị USD.
Theo truyền thống, đồng bạc xanh và trái phiếu kho bạc Mỹ được coi là tài sản trú ẩn, nhưng tình trạng hỗn loạn gần đây làm dấy lên nghi ngờ, cũng như mối lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ và tính bền vững của khoản nợ. Việc này làm suy yếu niềm tin vào cả USD và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Cùng với đó, Trung Quốc vẫn còn những "lá bài" uy lực khác. Nước này thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu, cung cấp khoảng 72% lượng đất hiếm nhập khẩu của Mỹ, theo một số ước tính. Hôm 4/3, Bắc Kinh đưa 15 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, tiếp theo là 12 thực thể khác vào ngày 9/4. Nhiều thực thể là nhà thầu quốc phòng hoặc công ty công nghệ cao của Mỹ, vốn phụ thuộc vào đất hiếm cho các sản phẩm của họ.
Bắc Kinh còn có khả năng nhắm mục tiêu vào các ngành xuất khẩu nông sản chính của Washington như gia cầm và đậu nành, vốn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Trung Quốc và tập trung ở các bang ủng hộ đảng Cộng hòa. Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lượng đậu nành và gần 10% gia cầm xuất khẩu của Mỹ.
Về công nghệ, nhiều công ty như Apple và Tesla vẫn gắn bó sản xuất chặt chẽ với Trung Quốc, nên thuế quan đe dọa đáng kể biên lợi nhuận của họ.
Theo Le Monde, Bắc Kinh đang có lợi thế chính trị khi khiến ông Trump phải tiếp tục chờ đợi. Họ vẫn liên tục yêu cầu Mỹ từ bỏ phương thức áp đặt và đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Hôm 22/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng thừa nhận rằng tình trạng hiện nay không thể kéo dài. Cùng ngày, Tổng thống Trump nói mức thuế áp lên Trung Quốc "sẽ giảm đáng kể, nhưng không trở về mức 0".
Nhà phân tích Linggong Kong cho rằng thuế quan của ông Trump chắc chắn gây tổn hại đến kinh tế Trung Quốc nhưng Bắc Kinh dường như có nhiều quân bài hơn. "Họ có các công cụ để gây ra thiệt hại đáng kể với lợi ích của Mỹ. Và quan trọng hơn, cuộc chiến thuế quan toàn diện đang mang đến cho Trung Quốc cơ hội chiến lược hiếm thấy và chưa từng có", ông nhận định.
Phiên An (theo Conversation, Le Monde, CNN, AP)