Bài viết là lời chia sẻ của một cụ ông 71 tuổi được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc), nhận được sự quan tâm của mọi người.
Tôi tên là Chau Xingui, tôi 71 tuổi, vợ kém tôi 1 tuổi. Trước đây, tôi là nhân viên nhà nước, sau nghỉ hưu với mức lương 5.100 NDT (khoảng 17,5 triệu đồng). Mức lương hưu của vợ tôi là 3.800 NDT (khoảng 13 triệu đồng). Vợ chồng tôi rất hài lòng với khoản lương hưu, chúng tôi dường như không dùng hết hàng tháng và sẽ bỏ ra gửi tiết kiệm.
Vợ chồng chúng tôi chỉ có 2 cô con gái, một cô là giảng viên trường đại học, một cô là bác sĩ tại một bệnh viện lớn. Các con của tôi đều chưa lập gia đình nhưng đã ra ở riêng. Các con rất hiếu thảo, thường về thăm vợ chồng tôi vào dịp lễ Tết. Vì thế nên dù không có con trai nhưng chúng tôi vẫn hạnh phúc, mãn nguyện với cuộc sống.
Tuy nhiên, đó là tâm lý của vợ chồng tôi trước khi bước sang tuổi 70. Năm vừa qua, khi bước sang tuổi 71, chúng tôi bắt đầu lo lắng cho quãng đời còn lại của mình. Nếu một người trong vợ chồng tôi "đi" trước, người còn lại sẽ sống ra sao? Và chúng tôi đã chuẩn bị 4 phương án cho tuổi già.
(Ảnh minh hoạ)
1. Không kết hôn lần nữa
Về cuộc sống hưu trí khi một nửa qua đời, những cụ già có con trai có thể bớt lo lắng hơn khi sống với con. Còn chúng tôi chỉ có con gái, mà các con sẽ lấy chồng, vì thế đây quả thực là vấn đề lớn. Mặc dù con gái luôn nói với vợ chồng tôi rằng sau này dù lấy chồng cũng đón cha mẹ về ở cùng. Thế nhưng, tôi thấy thật bất tiện.
Để vẹn đôi đường, vợ chồng tôi đã bàn kế hoạch cho việc sau này một người qua đời trước thì người còn lại sẽ tự lo liệu cho mình như sau:
Nhiều người khi vợ/chồng qua đời sẽ kết hôn hoặc tìm người sống chung để bầu bạn, chăm lo cho nhau. Nhưng vợ chồng tôi không nghĩ vậy, việc kết hôn ở tuổi già phát sinh nhiều vấn đề. Vấn đề không ở tiền bạc, tính cách trong quá trình sống mà chúng tôi sợ phải nói lời từ biệt một lần nữa với nửa kia. Việc này chắc chắn sẽ rất khổ sở, đau buồn vì sinh - lão - bệnh - tử là quy luật tất yếu.
2. Không yêu cầu các con chu cấp
Tôi biết con gái và con rể sau này có thể hiếu thảo. Nhưng vợ chồng tôi bàn bạc và quyết định không để các con chu cấp cho mình lúc tuổi già, dù các con có muốn đưa chúng tôi về nhà ở, vợ chồng tôi cũng không đi.
Bởi vì nhà của con gái thực sự không phải là nhà của chúng tôi, ngôi nhà đó thuộc về bố mẹ chồng và vợ chồng con. Con rể không phải là con ruột. Con rể tuy hiếu thảo nhưng vẫn không thể đối xử như cách con gái đối với chúng tôi.
Bao năm qua, tôi cũng từng gặp nhiều cụ già về ở với con gái, ban đầu họ rất hòa thuận, vui vẻ. Nhưng sau một thời gian chung sống, nếu người già ốm đau hay có chuyện gì xảy ra thì mối quan hệ hòa hợp này sẽ bị phá vỡ, và lòng hiếu thảo cũng không còn.
Và khi thời điểm đó đến, mối quan hệ sẽ trở nên khó xử, gây phiền toái cho mọi người.
(Ảnh minh hoạ)
3. Bán nhà để có cuộc sống tuổi già đủ đầy
Nếu một người thực sự ra đi trước thì khó có thể dựa vào lương hưu để sống bởi tuổi già sẽ phát sinh bệnh tần, tiền thuê người chăm sóc. Chúng tôi cũng không thể yêu cầu các con chu cấp mỗi tháng.
Chính vì thế, tôi nghĩ sẽ bán căn nhà đang ở để đảm bảo tài chính khi về già. Căn nhà của chúng tôi mua ở thành phố cách đây 20 năm, giờ bán sẽ được khoảng 1,3 triệu NDT (khoảng 4,4 tỷ đồng). Chúng tôi sẽ mua căn hộ nhỏ hơn và gửi số tiền còn lại vào ngân hàng để phòng ngừa ốm đau.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm sẵn một viện dưỡng tốt để khi một người qua đời, người còn lại sẽ tới đó sống lâu dài. Hoặc nếu không muốn, chúng tôi có thể thuê người giúp việc chuyên chăm sóc người già. Tôi dự tính số tiền tiết kiệm có thể sống thoải mái đến 15 năm.
(Ảnh minh hoạ)
4. Không lãng phí tiền bạc để chữa bệnh hiểm nghèo
Vợ chồng tôi đều cảm thấy sau 70 tuổi, hầu hết mọi người không còn điều gì phải hối tiếc nên có xu hướng hưởng thụ, nếu chẳng may bị bệnh tật nặng cũng không muốn tốn nhiều tiền để duy trì sự sống, đặc biệt là bệnh ung thư, tim mạch, mạch máu não,… Bởi có bỏ tiền ra cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Tôi cũng nghĩ như vậy và sẽ dành tiền cho con cháu, đi du lịch, làm từ thiện. Tôi thấy không nên chi quá nhiều tiền chỉ để sống thêm 1-2 năm trong bệnh tật, thật sự vô nghĩa. Bởi dù có sống được thêm một thời gian, bạn cũng vẫn phải điều trị, uống nhiều thuốc, tiêm chích trong sự đau đớn của cơ thể. Chúng tôi cũng không muốn lãng phí tiền bạc, trở thành gánh nặng cho con cái.
Theo Toutiao