Chuyển nhượng tài sản trước cho cháu trai
Ông Kim, Trung Quốc, năm nay 86 tuổi, trước đây ông đã từng công tác tại các trường cao đẳng đại học. Vào những năm 1990, nhà trường giao cho ông một căn nhà ở quận mới Phố Đông, hai vợ chồng đã sống ở đây kể từ đó.
Cách đây vài năm, ông Kim bị bệnh phải nhập viện và phải phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của ông sa sút rất nhanh. Kể từ đó, con trai và con dâu của ông luôn thuyết phục ông lão chuyển giao tài sản duy nhất đứng tên mình cho cháu trai sớm để tránh rắc rối sau này.
Cứ như vậy, ông Kim đã chuyển nhượng căn nhà cho cháu trai, mặc dù hợp đồng chuyển nhượng ghi số tiền là 1,05 triệu nhân dân tệ (tương đương 3,6 tỉ VND) nhưng thực tế họ không trả cho vợ chồng ông một xu nào. Hai bên thỏa thuận, quyền sở hữu tài sản thuộc về cháu trai, còn quyền sử dụng thuộc về ông bà. Ông bà có thể tiếp tục sống trong nhà.
Nhưng những chuyện xảy ra sau đó càng khiến ông Kim vô cùng hối hận và tự trách về quyết định của mình.
Bị đuổi ra khỏi nhà của chính mình
Sau khi tài sản được chuyển nhượng, gia đình người cháu trai để tỏ “lòng thành” đã giao giấy chứng nhận tài sản mới cấp cho hai vợ chồng già để cất giữ. Sau này, ông Kim đã cho thuê bớt 1 tầng để có thêm tiền trang trải cuộc sống.
Nhưng bắt đầu từ năm ngoái, con trai ông Kim bất ngờ bày tỏ muốn bán nhà và mua biệt thự. Ông Kim vô cùng bối rối: Nếu bán nhà đi thì vợ chồng ông phải làm sao?
Trước sự van nài của hai vợ chồng già, người con trai vẫn thờ ơ, thậm chí còn nói những lời gay gắt với họ. Sau đó, vì hai người không chịu giao giấy chứng nhận bất động sản nên người cháu đã đến cơ quan công quyền xin cấp giấy chứng nhận bất động sản mới với lý do đã thất lạc.
Hai vợ chồng già ngậm đắng nuốt cay rơi vào cảnh không còn nơi nào để đi.
Nhà cũng đã chuyển nhượng cho cháu trai, nhưng không ngờ đến tiền thuê nhà gia đình cậu con trai cũng không bỏ qua.
Ông Kim cho biết, nửa cuối năm ngoái, gia đình con trai ông tìm đến người thuê nhà, nói rằng đây là nhà của họ và yêu cầu phải ngừng trả tiền thuê nhà cho ông Kim. Vì người thuê nhà và vợ chồng ông quen biết nhiều năm, hơn nữa do không thể chịu nổi cách cư xử độc đoán ích kỷ của gia đình con trai ông nên đã giao lại căn nhà cho ông bà Kim, sau đó kết thúc hợp đồng thuê vào cuối năm ngoái.
Nhưng chỉ hai ngày sau khi người thuê chuyển đi, vợ chồng ông Kim phát hiện khóa cửa nhà mình đã bị thay, “Chúng nó thay ổ khóa và nhốt hai ông bà già chúng tôi ở ngoài, không cho chúng tôi vào”.
Đôi vợ chồng già bây giờ chỉ có thể sống trong khách sạn.
Hai cụ già không nơi nương tựa và phải ở tạm trong khách sạn. Bà Kim bất lực thở dài: “Sống ở khách sạn không thể tự nấu ăn nên không thể chăm sóc tốt cho sức khỏe của chồng bà.”
Ông Kim bật khóc: “Đám cưới của con trai, phòng tân hôn hay tiệc cưới, tất cả mọi thứ đều là một tay hai vợ chồng chúng tôi lo liệu từng chút. Sau khi cháu trai chào đời, chúng tôi cũng trả tiền thuê bảo mẫu. Từ trước đến nay chúng nó không bao giờ phải động tay vào cái gì, tất cả đều là chúng tôi dâng đến miệng cho, thế mà không ngờ rằng chúng nó lại không có một chút lòng biết ơn nào.”
Đôi vợ chồng già nghĩ lại, có lẽ cũng là do bản thân mình đã quá nuông chiều con cháu..
Người già ở tuổi xế chiều: “Đừng từ bỏ quyền sở hữu tài sản quá sớm.”
Luật sư Tần Dụ Bân - đối tác cấp cao của Công ty Luật Thiện Pháp của Thượng Hải cho biết chuyện xảy ra với gia đình ông Kim không phải ngẫu nhiên. Những năm gần đây, các vụ tranh chấp tài sản giữa con cháu trong gia đình ngày càng gia tăng. Nhiều người cao tuổi đã chuyển nhượng tài sản cho con hoặc cháu, gọi là mua bán nhưng thật ra là tặng lại. Tuy nhiên sau khi nhận nhà, con cháu không chăm sóc người già và không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, lúc này người cao tuổi rất khó bảo vệ được quyền lợi của mình.
Tần Dụ Bân nhắc nhở, người cao tuổi phải thật thận trọng khi giải quyết các vấn đề lớn về tài sản như bất động sản, nên duy trì quyền kiểm soát tài sản của mình, xử lý các quyết định quan trọng một cách thận trọng và không từ bỏ quyền tài sản của mình quá sớm.
Người cao tuổi có thể chọn những cách khác để chuyển giao tài sản của họ. Ví dụ, bạn có thể quy định việc thừa kế bất động sản khi lập di chúc, hoặc thành lập quỹ gia đình để quản lý tài sản. Điều này không chỉ đảm bảo người cao tuổi có quyền kiểm soát tài sản của mình mà còn tránh việc chuyển nhượng tài sản sớm cho người khác và giảm thiểu rủi ro về tài sản.