TP New York
Lực lượng y tế được chích trước từ 1-2 tuần trước (ngay khi Vaccine Pfizer đến Mỹ). Tiếp đến là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như cựu chiến binh, người cao tuổi, đặc biệt những người già nhung nguoi gia trong nhà dưỡng lão.
Ông quản lý khu chung cư của tôi ở khu Midwood (khu Do Thái) là cựu chiến binh, năm nay 65 tuổi, có vợ Việt Nam, đã được chích mũi đầu tiên từ 2 tuần. Ông phấn khởi khoe: “Chích nhẹ nhàng, không có dấu hiệu mệt mỏi hay khác thường gì cả. Tôi thấy tự tin an tâm hẳn…” Ông Anthony tiếp: “Chích mũi thứ 2 nữa là xong. Chính phủ tốt với cựu chiến binh lắm. Người ta tự gọi tôi để mời đi chích vaccine đó. Tôi không phải đăng ký hay nộp đơn xếp hàng gì cả…”
Ông Chen, người gốc Hoa, 73 tuổi, bác sĩ ở khu phố Tàu Manhattan, có vợ Việt Nam (Anh Đào, 49 tuổi) cũng được đi chích vaccine Pfizer từ những ngày đầu. Ông Chen nói: “Lúc đầu cũng sợ sợ vì cao tuổi mà vacxin COVID 19 lại được nghiên cứu và phê duyệt trong thời gian ngắn. Nhưng đến nay thì không thấy có biến chứng gì cả. Tôi thấy bệnh nhân và đồng nghiệp đều chia sẻ tương tự như vậy… Vaccine an toàn rồi!”
Tin vui về vaccine chích diện rộng thành công bước đầu làm mọi người phấn khởi. Mấy tuần vừa rồi khi nào tôi ra đường đều thấy một không khí đã khởi sắc. Các phương tiện đi lại công cộng như xe bus và xe điện ngầm càng ngày càng đông đúc lên.
Người dân vẫn chen chúc ở Đại Lộ số 5 (Fifth Avenue) để mua sắm, xem cây thông Giáng Sinh, và nhạc ánh sáng tại khu mua sắm nổi tiếng Sak Fifth.
Tuy nhiên, đông thì có đông nhưng vẫn không thể như New York của những năm trước. Nhớ năm ngoái ba mẹ đến thăm tôi ở New York: “Ba mẹ không dám nhìn cảnh vật xung quanh mà chỉ nhìn áo đỏ của con đi trước vì sợ bị lạc. Giữa biển người reo hò tưng bừng vậy, lạc mất sao mà tìm… Không thể nghe được tiếng của nhau!”
Người dân New York đã đi xe buýt đông hơn |
TP Houston
Houston là nơi có đông người Việt định cư thứ 3 ở nước Mỹ, chính vì thế có rất nhiều người Việt mình góp công sức vào cuộc chiến lịch sử chống đại dịch COVID 19!
Cô Trang (30 tuổi, dược sĩ) nói: “Từ hôm vaccine Pfizer đến bệnh viện tôi, mỗi ngày chích gần mười mấy tiếng mà không kịp… Tôi trong ban nhận và phát vaccine nên phải ký giấy tờ bảo mật ghê lắm… Lộ thông tin các nhân nào liên quan đến vaccine ra là mất việc như chơi…”
Cô Trang tiếp: “Tính đến thời điểm này (đêm 21.12), vaccine Pfizer của bệnh viện tôi đã hết. Những đợt chích sau phải dung Moderna. Chúng tôi rất lo vì Pfizer đã được dùng trên diện rộng mà không thấy biến chứng gì nên yên tâm hơn! Bây giờ chích Moderna thì khác gì mình là đợt đầu thử nghiệm trên người… Nhưng Pfizer thì là sản phẩm nhập khẩu từ Đức còn Moderna là hàng nội địa, một bên chỉ có chỉ tiêu vài ngăm ngàn liều cả nước, một bên mình lấy được hàng triệu liều ngay trong sân nhà… Chắc là từ đây nơi nào cũng sử dụng Moderna…”
Anh Vinh (29 tuổi, dược sĩ) nói: “Cái khó ở đây nữa là vaccine Pfizer được yêu cầu phải bảo quản trong môi trường cực lạnh… Chỉ có bệnh viện mới có kinh phí bảo quản vaccine trong môi trường đặc biệt này… Thường thì các vaccine như cảm cúm (flu vaccine) người dân Mỹ chích hàng năm đều được lấy từ các hệ thống phân phối của CVS hay Walgreen nên tiện lợi lắm, mỗi con đường hay khu phố đều có các cửa hàng này… Câu hỏi hóc búa bây giờ cho ngành y là làm sao các đại lý phân phối này có thể đảm bảo yêu cầu bảo quản của vaccine Pfizer trong khi Moderna không đòi hỏi các điều khiện bảo quản nghiêm ngặt… Trong tương lai tôi nghĩ chắc chắn Moderna sẽ được đưa ra sử dụng rộng rãi hơn!”
Anh Vinh cũng chia sẻ thêm việc anh đã nhận mũi đầu tiên của vaccine Pfizer và đến thời điểm này thì hoàn toàn yên tâm về độ an toàn.
Ban Quản lý vắc xin Covid-19 tại bệnh viện Houston |
Cô Mai (28 tuổi, y tá) cũng đã nhận mũi đầu tiên. Cô chia sẻ giấy chứng nhận đã chích đợt 1 và hình ảnh tươi vui của các nhân viên y tế sau khi được tiêm vaccine Pfizer. Cô Mai nói: “2 mũi vaccine có tác dụng bảo vệ có thể đến 8 tháng. Sau đó nếu cơ thể yếu có thể bị nhiễm bệnh lại. Chính vì thế vaccine cho COVID 19 sẽ được khuyến khích chích hằng năm như flu vaccine.”
Cô Mai cũng nói thêm “Mũi thứ 2 dự đoán có thể sẽ gây mệt mỏi hơn mũi thứ 1. Ba tuần nữa tôi sẽ chích mũi thứ 2. Cứ chờ xem!”
Cô Trang, dược sĩ ở bệnh viện MD Anderson và là thành viên của đội vaccine, lo ngại khi những vaccine này được chích đại trà cho người dân vì nhiều lí do: “Thứ nhất là trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ vaccine. Để trở thành thuốc chích thì vaccine gốc (nhận trực tiếp từ tập đoàn dược Pfizer) cần phải điều chế thành nhiều liều thuốc chích cho bệnh nhân. Trong suốt quá trình này, vaccine phải được nghiêm ngặt bảo quản. Nếu không thì tác dụng, hiệu quả của vaccine sẽ bị giảm sút đi rất nhiều.”
Tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 ở Houston |
Cô cũng cho biết thêm: “Chỉ có bệnh viện lớn với nguồn nhân lực và kinh phí dồi dào mới đảm bảo được chất lượng của vaccine. Thứ hai là cơ sở vật chất cần để bảo quản vaccine quá mắc và khan hiếm. Tất cả đều được thiết kế và sản xuất bởi Pfizer…”
Theo cô Trang, ngay cả bệnh viện nhỏ ở trung tâm Y tế Houston còn chưa có được cơ sở vật chất như thế thì làm sao những công ty bán thuốc như Walgreen và CVS hay những trung tâm Y tế ở vùng ngoại ô có được…
Bác sĩ phẫu thuật, Tuệ Đinh, và trợ lý y khoa của ông, Linda, ở bệnh viện Methodist nằm trong nhóm đầu tiên được lấy vaccine. Cả 2 phấn khởi cho biết “Trước sau gì cũng phải lấy, lấy bây giờ thì còn được đội vaccine theo dõi triệu chứng phụ nên thấy an toàn hơn là lấy sau này!” Sau một tuần lấy vaccine, cả hai đều không có biến chứng phụ!
Ngày 22.12, các bệnh viện lớn của Houston sẽ nhận được vaccine của Moderna. Không khí thận trọng lại bao phủ trung tâm Y tế lớn nhất thế giới này như khi họ mới nhận dược vaccine Pfizer những ngày đầu tiên…
Tuy nhiên, anh Trí, bác sĩ nội khoa bệnh việc Methodist, lại thích vaccine mới của Moderna hơn sau khi đọc thông tin so sánh của cả 2 loại vaccine. Lý do chính mà anh cho biết là điều kiện bảo quản của vaccine Moderna không khắc nghiệt như của Pfizer nên chất lượng sẽ được đảm bảo hơn nhiều.
Kết
Khi cựu phó Tổng Thống Mike Pence và Tổng thống mới đắc cử Joe Biden công khai quá trình chích vaccine thì người dân Mỹ, bao gồm cộng đồng Việt xa xứ, ai nấy đều cảm thấy yên tâm hơn vì “các ông ấy già thế, quan trọng thế mà còn dám chích thì chắc là vaccine an toàn rồi. Nếu vaccine có vấn đề gì thì các ông cũng đã nắm được thông tin mật trước rồi đấy chứ!”
Tôi cũng đăng ký chích đợt đầu tại trường Đại Học Brooklyn. Thật sự là nỗi lo dịch bệnh hàng ngày làm tôi và các bạn đồng nghiệp mệt mỏi: “Không thể sống trong lo âu mãi như thế này được. Chẳng lẽ ở trong nhà cả đời?! Phải trở lại cuộc sống bình thường. Trường học cũng nên được sớm mở cửa lại…”
Trong thời gian chờ đợi vaccine đến các nhà giáo và nhân viên trường đại học, chúng tôi vẫn thường xuyên đi kiểm tra COVID 19 hàng tuần tại các trung tâm thử miễn phí gần trường.
Năm 2020 thật sự bắt đầu với đại dịch thế kỷ nhưng may mắn kết thúc với tin vui về các vaccine bắt đầu sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Cộng đồng Việt Kiều Mỹ mong rằng năm 2021 mọi hoạt động sẽ trở lại như trước dịch để “còn về Việt Nam ăn Tết và thăm gia đình!”