Bà Châu Thị Phương Thảo, (tên tiếng Anh- Hien), đã mang hương vị của quê hương của bà đến với Jakarta. Tại khu vực Tebet, phía Nam thủ đô Jakarta, người phụ nữ 50 tuổi này có một nhà hàng nhỏ chuyên về đồ ăn Việt.

Dù nhà hàng còn nhỏ nhưng thu hút sự chú ý với khu quầy màu xanh lá cây. Nằm ven một con đường hẹp, không gian ấm cúng ở đây mang đến nhiều món ngon và lành mạnh trong cả những ngày mưa và nắng.

Hien chia sẻ với The Jakarta Post bằng tiếng Indonesia thuần thục: "Tôi muốn nhiều người Indonesia biết đến ẩm thực của đất nước tôi, nền ẩm thực đã cùng tôi lớn lên".

photo-1680077125339-16800771266202064848230-1680090836246-16800908372161108173541.jpeg

Nhà hàng Saigon Street Food có không gian ấm cúng. Ảnh: The Jakarta Post.

Saigon Street Food là tên nhà hàng của bà. Tại đây, bà đã nỗ lực giới thiệu nhiều món ăn Việt Nam, từ gỏi cuốn, phở, bánh mì kẹp đến chè khoai mì - một món tráng miệng làm từ sắn và nước cốt dừa.

Bà Hien nhớ lại: "Đây là những món ăn tôi từng được ăn hồi còn nhỏ ở Việt Nam. Tôi đã đặt tên nhà hàng là Saigon Street Food vì đây là những đồ ăn được bán trên khắp các đường phố nếu bạn đến Việt Nam".

Khi được hỏi đặc điểm chính của ẩm thực Việt Nam là gì, Hien trả lời không do dự: "là yếu tố sức khỏe. Chúng tôi không hay chiên rán đồ ăn. Ẩm thực Việt Nam cũng sử dụng rất nhiều rau. Tôi nghĩ rất nhiều người có thể dễ dàng thưởng thức các món ăn Việt Nam. Đặc biệt là trong mùa mưa, món Phở có thể giúp chúng ta hồi phục sau khi bị cúm. Phở có rau và nó không có dầu mỡ".

Ẩm thực trở thành một kênh ngoại giao hiệu quả

Việc nhiều người Việt Nam có mong mỏi như Hien là lý do tại sao công chúng thấy rất nhiều nhà hàng Việt Nam xuất hiện ở Indonesia và trên toàn cầu. Sau khi đến Jakarta vào năm 1997, Hien luôn muốn giới thiệu món ăn bà yêu thích với cộng đồng mới.

Ông Agus Trihartono, nhà đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu ngoại giao ẩm thực tại Đại học Jember, chia sẻ với The Jakarta Post rằng, ẩm thực Việt đã đóng góp rất nhiều cho vị thế của nước này ngày nay. Những người Việt đi ra nước ngoài đã mở nhiều nhà hàng của họ, phục vụ cho những người nhớ hương vị quê nhà. Sau đó, những nhà hàng Việt thu hút được đông đảo sự quan tâm, đặc biệt là bây giờ có một xu hướng ngày càng tăng đối với thực phẩm lành mạnh.

Ông Agus cũng đánh giá: "Ngoại giao ẩm thực là một cách để các quốc gia truyền bá ảnh hưởng văn hóa của mình thông qua các món ăn. Mặc dù các chính phủ có thể đưa chúng vào thành 1 yếu tố trong chính sách đối ngoại chính thức, nhưng những kiều bào ở nước ngoài thường đóng vai trò là những người khởi xướng và là một kênh truyền bá quan trọng".

Chuyên gia này cũng khẳng định: "Thông qua ngoại giao ẩm thực, chúng ta có thể kể câu chuyện về bản thân mình. Đây là một cách hiệu quả để giới thiệu bản thân và định hình cách chúng ta muốn các quốc gia khác nhìn nhận mình. Ẩm thực có thể thể hiện được quốc gia của chúng ta, bản sắc của chúng ta, cách chúng ta sử dụng tài nguyên thiên nhiên và cách hành xử của chúng ta".

Thế hệ trẻ và truyền thông xã hội giúp đưa nền ẩm thực đi xa

Khi được hỏi có điều chỉnh công thức để phù hợp hơn với người Jakarta hay không, Hien trả lời: "Công thức của tôi vẫn được giữ nguyên. Tôi không thay đổi bất cứ điều gì. Một điều chúng ta có thể tìm thấy trong một món ăn Việt Nam là nước mắm và rau củ Việt Nam: lá bạc hà, lá rau mùi và húng quế".

Dù không thay đổi gì nhưng người dân Jakarta vẫn rất thích đồ ăn của bà Hien. Đặc biệt, thế hệ trẻ rất thích hương vị ở đây. Phóng viên của The Jakarta Post đã đến thăm nhà hàng của bà Hien trong một ngày khác và thấy những người trẻ tuổi xếp hàng dài trong khi nhà hàng đã kín bàn. Họ đi cùng người yêu hoặc đi theo nhóm, kiên nhẫn chờ đợi để thử những món ăn đã lớn lên cùng bà Hien.

Bà Hien chia sẻ rằng trước đó, những người Indonesia thích đồ ăn Việt Nam thường là người lớn tuổi hoặc đã đi du học. Và họ cũng thường hay đến các nhà hàng Việt Nam trong những trung tâm thương mại lớn. Nhưng bằng cách nào đó, bà đã mang được hương vị phong phú của phở hay vị ngọt ngào của chè khoai mì đến với một thế hệ mới ở Indonesia.

Bà Hien chia sẻ: "Hầu hết những người trẻ tuổi phát hiện ra cửa hàng của tôi là nhờ truyền thông xã hội". Cửa hàng của bà đã được chủ tài khoản Instagram nổi tiếng Dari Halte Ke Halte đến thăm.

"Họ đã đến, họ đặt đồ ăn và chúng tôi đã nói chuyện một chút. Tôi vẫn nhớ nơi họ ngồi. Sau đó, tôi được họ cho biết sẽ đưa nhà hàng của tôi lên trang Instagram của họ. Và sau đó, rất nhiều người trẻ tuổi đã đến đây!", bà Hien bày tỏ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022