(CLO) Giai đoạn 2011 – 2015, Ninh Thuận đón trung bình mỗi năm đạt 1,3 ~ 1,4 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân 16% năm, trong đó khách quốc tế dao động 40- 95 ngàn lượt/năm. Riêng năm 2015 Ninh Thuận đón 1,5 triệu lượt khách, trong đó có 40 ngàn lượt khách quốc tế. Con số này được cho là chưa tương xứng với tiềm năng và khá khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực.
Nhiều tiềm năng
Ninh Thuận nằm ở giữa “tam giác” du lịch Nha Trang – Phan Thiết – Đà Lạt trong vùng cực Nam Trung bộ, được biết đến với nhiều đặc sản nổi tiếng là nho, dê, cừu, tỏi,.. Thật ra, dấu ấn về Ninh Thuận nhiều hơn thế. Đây là địa phương có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống tập trung nhất cả nước.
Ninh Thuận có nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ.Có lẽ không ở nơi nào, văn hóa Chăm lại quy tụ và đặc trưng hơn nơi này, từ chữ viết, trang phục dân tộc đến nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, những làng nghề thủ công mỹ nghệ, lễ hội văn hoá dân gian. Ninh Thuận là nơi có nhiều cụm đền tháp Chăm pa nổi tiếng, trong đó có cụm tháp Hòa Lai, được xem là cụm tháp Chăm cổ nhất và là những kiến trúc tháp thành công nhất, đẹp nhất của văn hóa Chăm Pa còn hiện diện.
Gắn với đồng bào Chăm, văn hóa Chăm pa là Lễ Hội Katé- một lễ hội dân gian thiêng liêng đặc sắc của đồng bào Chăm. Các làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc, là hai làng nghề độc đáo và đặc trưng của đồng bào Chăm, còn giữ được kỹ thuật sản xuất truyền thống, được xem là 2 trong số những làng nghề cổ xưa nhất ở vùng Đông Nam á.
Ninh Thuận còn dấu ấn bởi vô số những bãi biển đẹp, trải trên chiều dài 105 km bờ biển. Với địa hình bờ biển thoai thoải, nhiều vùng biển sâu, nhiều chân núi đâm ra biển, kiến tạo nên những vũng, vịnh, cồn tuyệt đẹp là Cà Ná, Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy, Ninh Chữ,.. Nếu bãi biển Cà Ná thơ mộng với những bãi cát trắng phau, nước biển trong vắt thì vịnh Vĩnh Hy, biển đảo quần tụ quấn quýt, hoang sơ với những bãi đá cổ hùng vĩ. Đây cũng là nơi có những dải san hô đẹp với chủng laoị được đánh giá phong phú vào loại bậc nhất cả nước.
Điều lý thú, các bãi biển nổi tiếng của Ninh Thuận đều nằm kề sát những dãy núi ăn ra biển vứi nhiều hang động. Núi đá có đặc trưng riêng với vô vàn những tảng đá xếp chồng lên nhau, tạo nên những hình thù kỳ thú; núi rừng, biển đảo với môi trường và cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, trong lành, ẩn chứa những tiềm năng du lịch.
Là vùng khô hạn, Ninh Thuận có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa, diện tích 28 nghìn ha, phần lớn là rừng nguyên sinh với nhiều loại động, thực vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ. Đặc biệt, biển Ninh Thuận còn được Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã của Liên hợp quốc (WWF) xác định là vùng trú ngụ thuận lợi của rùa biển- một loại động vật quý hiếm trên thế giới. Các vùng bình nguyên nằm giữa khu vực núi rừng và biển có các hồ nước ngọt lớn là Sông Trâu, Sông Sắt, Tân Giang, sơn thủy hữu tình.
Gốm Chăm một sản phẩm độc đáo của đồng bào Chăm.Với những đặc điểm địa hình, tự nhiên như vậy, Ninh Thuận thích hợp cho phát triển rất nhiều loại hình dịch vụ du lịch biển đảo, sinh thái, văn hóa, dã ngoại, leo núi,… Đây chính là cơ sở để Ninh Thuận tham vọng từng bước hình thành các khu du lịch trọng điểm của cả nước và khu vực Đông Nam Á, phấn đấu đến năm 2020 nhóm ngành du lịch đóng góp 12% GDP của tỉnh và giải quyết 13% lao động xã hội.
Không “hút” du khách, vì sao?
Báo cáo của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 42 dự án du lịch cao cấp, tổng vốn đăng ký 8.722 tỷ đồng, trong đó có 30 dự án có vị trí dọc theo tuyến đường ven biển với tổng vốn đăng ký 9.567,5 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 721.7 ha.
Ông Châu Thanh Hải- Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Ninh Thuận, thừa nhận, địa phương chưa “hút” được khách du lịch do chất lượng sản phẩm du lịch còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao, loại hình chưa phong phú, thiếu tính độc đáo và bản sắc văn hóa.
Mặt khác, các doanh nghiệp chưa tập trung cho sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá cả so với một số khâu dịch vụ còn cao dẫn tới kém sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Tiến độ đầu tư ở nhiều dự án du lịch quá chậm, hoặc đầu tư chưa đúng tầm. Ngoài ra, quảng bá du lịch ra nước ngoài của địa phương còn hạn chế, cung cấp chưa đủ và kịp thời thông tin cho du khách. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư khu du lịch còn có những bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là lý do khiến thương hiệu du lịch Phan Rang, Ninh Thuận chưa được biết nhiều trên thị trường quốc tế cũng như trong nước.
Tháp Chăm Hòa Lai, một trong những cụm tháp Chăm cổ và đẹp nhất của Ninh Thuận.Có thế mạnh về du lịch biển, trung tâm hành chính tỉnh cũng là thành phố biển, tuy vậy khi đến Phan Rang, Ninh Thuận, điều dễ nhận thấy là khu vực ven biển khá vắng vẻ. Ngoài các resort nghỉ dưỡng, hầu như không có điểm vui chơi, giải trí. Phía đông con đường biển Yên Ninh, thuộc địa phận thành phố Phan Rang và huyện Ninh Hải, dài cả chục cây số là hệ thống các khu resort du lịch kề nhau san sát, khiến biển và bãi tắm tại đây hầu như bị che lấp hoàn toàn, ngoại trừ một dải đất ngắn được sử dụng làm công viên biển Bình Sơn.
Chính bởi vậy, tiếng là thành phố biển nhưng Phan Rang đã không “phô” ra được vẻ đẹp của biển, không để lộ “mắt tiền” là biển. Điều này rất khác với các thành phố biển có sức hấp dẫn khách du lịch là Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, đều có điểm chung là vùng trung tâm đô thị nằm sát biển hoặc gần biển.
Anh Huy