Những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc được tái hiện trong niềm xúc động và tự hào khôn xiết.


Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Hoa hậu Tiểu Vy và diễn viên Quốc Anh ghi lại những khoảnh khắc chào mừng tháng 4 lịch sử tại Nghĩa Trang Liệt Sỹ Trường Sơn (Quảng Trị) và Dinh Độc Lập (Tp Hồ Chí Minh).
Đổi lấy một nền hòa bình, độc lập và tự do cho thế hệ trẻ, là sự hi sinh bằng máu, bằng xương của lớp lớp người anh hùng, thế hệ ông cha ta thời trước. Có những người đã nằm xuống "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", những người trở về là nhân chứng lịch sử chứng kiến những thời khắc khốc liệt nhất của một dân tộc. Và giờ đây khi đất nước đã hòa bình, những nhân chứng lịch sử giờ đã là các cụ ông, cụ bà cựu chiến binh ngồi kể lại những câu chuyện về thời chiến để con cháu, thế hệ trẻ bây giờ hiểu hơn về tháng năm lịch sử, hào hùng ấy.
Cụ ông livestream kể chuyện kháng chiến, nhắn tìm đồng đội, thu hút hàng triệu người xem
Lướt trên MXH, một tài khoản đã chia sẻ: "Thay vì xem live drama thì đây là kênh live mà tôi muốn xem nhất". Đó là kênh TikTok của cụ ông Đoàn Tước - một trong hàng nghìn, hàng vạn người lính giải phóng quân năm xưa, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.


Cụ Đoàn Tước đã bước vào tuổi U90, mái tóc đã bạc phơ, làn da đã lấm tấm vết đồi mồi, những dấu tích của chiến tranh vẫn in hẳn trên cơ thể, nhưng cụ vẫn minh mẫn ngồi kể lại những thời khắc lịch sử qua kênh TikTok của cụ.
Đến thời điểm hiện tại, kênh của cụ đã có tới hơn 88 nghìn lượt yêu thích và gần 40 nghìn người theo dõi. Hàng tuần cụ Tước sẽ livestream vào 19h30 thứ 6,7 và chủ nhật. Mỗi buổi live của cụ có đến hàng triệu mắt xem, không chỉ có thế hệ các bố các mẹ, mà cả các bạn trẻ cũng lắng nghe cụ kể chuyện và dành tình cảm cũng như sự khâm phục đến một thế hệ anh hùng của dân tộc.


Clip đầu tiên cụ Tước chia sẻ trên kênh TikTok là một lời giới thiệu về bản thân, về hành trình tham gia kháng chiến của thanh niên yêu nước Đoàn Văn Tước ngày ấy. Cụ chia sẻ: "Tôi tham gia TikTok với mong muốn đem đến những câu chuyện kể thật từ những điều bản thân đã từng trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cho các thế hệ sau nghe". Ngay lập tức đoạn clip đã nhận về hơn 11 ngàn lượt quan tâm trên MXH.
Cụ Đoàn Tước chia sẻ về hành trình tham gia kháng chiến.


Rất nhiều người đã dõi theo hành trình kháng chiến qua lời kể của cụ Đoàn Tước, bằng tất cả sự tôn kính, ngưỡng mộ của thế hệ trẻ sau này dành cho thế hệ đi trước - những người đã làm nên lịch sử của dân tộc.
Thanh xuân của chàng trai đôi mươi khi ấy là hành trình xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Nhiều người nói về thanh xuân, về tuổi trẻ, về những câu chuyện yêu đương, sự nghiệp… Nhưng, tất cả thế hệ trẻ được tận hưởng thanh xuân dưới một bầu trời độc lập tự do như ngày hôm nay, đều là công lao của những vị anh hùng thời chiến.
Những lớp người mà thanh xuân và tuổi trẻ của họ đều đặt Tổ quốc trên vai và cụ Tước cũng vậy. Một thời tuổi trẻ của cụ là những lần đầu quân ra chiến trường, là tham gia những trận đánh lịch sử... Và hiện tại những tấm huân huy chương trên ngực áo ghi dấu một thời thanh xuân hào hùng.


Cụ Tước chia sẻ: "Các huy hiệu, huân chương này là từ thời quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng. Tuy đã cũ nhưng ông không đi đổi vì đây là kỷ niệm một thời tuổi trẻ của ông".


Cụ Đoàn Tước chia sẻ, tất cả clip đều là con gái của cụ quay cho. Có những sự kiện bản thân cụ cũng không còn nhớ rõ từng chi tiết, và cũng có những khoảnh khắc lịch sử không thể kể hết bằng lời. Nhưng cụ luôn mong những câu chuyện, những hình ảnh này sẽ là động lực cho các cháu sống cống hiến hết mình cho đất nước hôm nay và ngày mai.
Cụ Đoàn Tước kể lại hành trình vượt Trường Sơn vào Nam, kháng chiến giải phóng miền Nam.
"Nhớ lại kỷ niệm năm 1965 khi chúng tôi cùng nhau xung phong nhập ngũ vào miền Nam tham gia giải phóng. Lúc đó tôi 27 tuổi, tinh thần nhiệt huyết mong đóng góp sức mình vào cuộc chiến giải phóng dân tộc.
Chúng tôi lúc ấy chỉ có lòng yêu nước, tham gia huấn luyện mấy tháng gian khổ để chuẩn bị tinh thần và thể lực để đi bộ vượt Trường Sơn. Bộ đội ta lúc đó chỉ có 'chân đồng, vai sắt và ý chí thép'. Mong rằng qua những video của bác, các cháu thế hệ trẻ có thêm tinh thần yêu nước dân tộc" - Cụ Đoàn Tước chia sẻ.



(Ảnh: Lâm Tấn Tài, Lê Minh Trường - Trích trong cuốn sách: Another Vietnam: Pictures of the War from the Other Side - Một Việt Nam khác: Hình ảnh chiến tranh từ phía bên kia).
Theo như lời kể của cụ, ngày ấy các cụ chỉ là những thanh niên mới đôi mươi tham gia huấn luyện hơn 2 tháng, hàng ngày vác gạch, vác đá để rèn luyện. Sau đó là quá trình hành quân vượt dãy Trường Sơn vào Nam kháng chiến. "Thực phẩm, lương thực trên đường đi hành quân từ Bắc vào Nam là không có. Mỗi người chỉ được đơn vị phát cho 2 kí muối, 2 lạng bột ngọt, rồi lên đường hành quân từ Bắc vào Nam. Lúc bấy giờ, bộ đội mang vác nặng chủ yếu là quân trang, quân dụng" - cụ Tước kể lại.
Bộ đội hành quân "ăn núi ngủ rừng", chịu đói chịu rét, chống chọi với bệnh sốt rét ác tính
"Nhớ lại lúc chúng tôi hành quân đi vượt dãy Trường Sơn, lúc đó đường lớn chỉ cho xe ô tô đi, mà cũng rất hạn chế. Còn bộ đội thì tự bẻ cây rừng mở đường mà đi. Có lúc đi cả ngày leo lên đỉnh núi rồi đi xuống. Đi từ miền Bắc Việt Nam qua Lào rồi lại về Việt Nam. Các đồng chí cứ nối gót nhau, có khi phải dùng dây leo" - cụ Tước kể lại.


"Thời chiến, bữa ăn đôi khi chỉ là củ rừng, rau rừng tự hái lượm. Cả tháng có khi không có hạt muối để ăn. Lúa mì, khoai sắn đều không có. Có củ chụp ngon, nhưng để đào được củ chụp này là bộ đội phải đào sâu tới hơn 1m, mà bộ đội đói thì không đào nổi.
Còn có củ nần, loại củ này có trên mặt đất thôi, nhưng ăn vào là say. Bình thường bà con mang về phải ngâm cả tuần rồi mới luộc ăn được, nhưng bộ đội đói không có gì ăn, chỉ ngâm 2 - 3 ngày thì đã nấu ăn rồi, mới ăn chưa hết một bát đã say ngả nghiêng, ói ra hết. Bộ đội vài tháng không có hạt muối nào, thiếu muối nên chân tay bị phù hết cả... Bao nhiêu cực khổ nhưng vẫn vượt qua" - Cụ Đoàn Tước chia sẻ.
Cụ Tước còn kể lại, bộ đội không chỉ chịu đói, chịu rét, "ăn núi ngủ rừng", mà còn chống chọi với bệnh sốt rét cho muỗi rừng đốt. Những năm tháng hành quân, cụ từng bị sốt rét ác tính tưởng như không thể qua khỏi. Thậm chí đồng đội còn đào sẵn huyệt cho cụ, nhưng cuối cùng may mắn khỏi bệnh, cụ Tước tiếp tục lên đường, thực hiện hoài bão kháng chiến, đấu tranh bảo vệ hòa bình cho dân tộc.


Lịch sử không chỉ được biết bằng máu xương, bằng gian khổ hay những chiến thắng vẻ vang, mà còn qua những câu chuyện được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Lịch sử thì vẫn trôi qua từng giây từng phút, ai cũng có khát khao, hoài bão của tuổi trẻ và những thanh niên yêu nước như cụ Đoàn Tước ngày ấy, đã có một hành trình thanh xuân đầy tự hào.
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Cỏ sắc quá mà ấm quá phải không em…”
(Trích: Trường ca “Những người đi tới biển” - Thanh Thảo).
Nhân vật: @doan.tuoc.1938