Được World Travel Awards gọi tên 2 lần trong năm 2024

Tỉnh Hà Nam có diện tích 860,90 km², là tỉnh nhỏ thứ hai của Việt Nam, chỉ lớn hơn Bắc Ninh – địa phương có diện tích nhỏ nhất với 822,70 km². Xếp sau Hà Nam về diện tích là Hưng Yên (930,20 km²) và Vĩnh Phúc (1.235,20 km²).

Mặc dù diện tích nhỏ, Hà Nam lại giữ vị trí địa lý quan trọng, nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 50 km và được xem là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô. Đây cũng là điểm đến lý tưởng cho du lịch tâm linh, văn hóa và ẩm thực, nhờ sở hữu nhiều di tích lịch sử, danh thắng và làng nghề truyền thống nổi tiếng.

Đặc biệt, Hà Nam còn được tổ chức Du lịch Thế giới vinh danh ở 2 hạng mục là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á" năm 2024 và "Giải thưởng thành tựu đặc biệt 2024". Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 3.600 tỷ đồng (đạt 110% kế hoạch năm và tăng 8,1% so với năm 2023).

photo-1743569882012-1743569882425284859725-1743579978335-17435799784999128959.png

Ảnh: Internet

Khí hậu Hà Nam tương tự các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, với mùa hè nóng ẩm và mùa đông lạnh. Du khách có thể ghé thăm nơi đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Mùa lễ hội diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm, đặc biệt vào rằm tháng 4 có lễ hội Phật đản, là dịp lý tưởng để chiêm bái các ngôi chùa. Nếu không thích thời tiết oi bức, mùa thu và mùa đông cũng là lựa chọn phù hợp.

Ngoài di chuyển bằng ô tô, xe máy, từ Hà Nội, du khách có thể đến Hà Nam bằng tàu hỏa với giá vé từ 60.000 đồng/người, thời gian di chuyển khoảng hơn một giờ, xuống ở Ga Phủ Lý. Đây lại là cơ hội để thư thả ngắm nhìn cảnh sắc dọc theo đường sắt Bắc - Nam.

Sức hấp dẫn không thể chối từ, thu hút đông đảo du khách

Chiêm bái quần thể du lịch tâm linh nổi tiếng

Khu du lịch Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 60 km và cách thành phố Phủ Lý 12 km. Tam Chúc là một vùng núi đá vôi ngập nước với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Nhìn từ trên cao, nơi đây tựa như một bức tranh thủy mặc nên thơ. 

Điểm nhấn của quần thể danh thắng này là chùa Tam Chúc – một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới, thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái mỗi năm. Chùa Tam Chúc nằm trong khu du lịch rộng gần 5.000 ha, bao gồm khoảng 1.000 ha mặt nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên cùng nhiều thung lũng. Khu vực này được bao bọc bởi núi ở ba phía, phía trước là hồ Tam Chúc với sáu ngọn núi nhỏ nhấp nhô giữa mặt nước. 

photo-1743569417681-17435694180281404369699-1743579980108-17435799809281048148148.png

Ảnh: Internet

Khu du lịch tâm linh này nằm trên độ cao hơn 40 m so với mặt hồ, gồm các công trình quan trọng như cổng Tam quan, vườn Cột Kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ và điện Tam Thế.

Lưu ý khi tham quan, du khách nên chọn trang phục lịch sự, kín đáo và đi giày bệt hoặc giày thể thao để thuận tiện di chuyển, do khu vực này cần đi bộ nhiều. Khi vào điện thờ, nên bước từ cửa bên thay vì cửa chính giữa, không giẫm lên bậu cửa mà cần bước qua.

Do quần thể Tam Chúc rất rộng, du khách nên tham khảo bản đồ để tránh mất thời gian tìm đường. Vào mùa lễ hội, phương tiện di chuyển phù hợp nhất là xe ôm, do các phương tiện như thuyền và xe điện thường phải chờ đợi lâu.

photo-1743569287736-17435692884261235498239-1743579982740-1743579983470398639857.png

Chùa Tam Chúc vào dịp lễ hội. Ảnh: KDL Tam Chúc

Ngoài hoạt động chiêm bái, du khách còn có thể trải nghiệm các dịch vụ như chèo thuyền kayak, trượt ván nước, thiền định hay đạp xe để khám phá thiên nhiên và tận hưởng không gian thanh tịnh tại đây.

Ghé thăm "nhà Bá Kiến", dấu ấn văn học tại làng Vũ Đại

Làng Vũ Đại trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng, thuộc thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – quê hương của tác giả. Nhắc đến ngôi làng này, người ta không thể không nhớ đến những nhân vật văn học kinh điển như Chí Phèo, Bá Kiến và Thị Nở. 

Hiện nay, ngôi nhà ba gian từng thuộc về Bá Kiến ngoài đời thực vẫn còn tồn tại và trở thành điểm tham quan thu hút du khách. Công trình mang đậm kiến trúc truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với ba gian nhà được dựng bằng 16 cột gỗ lim kiên cố, có lịch sử hơn 100 năm.

Choáng ngợp trước danh thắng kỳ vĩ bên dòng sông Đáy

Kẽm Trống là danh thắng quốc gia được công nhận từ năm 1962, nổi bật với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đây là nơi dòng sông Đáy chảy len lỏi qua hai dãy núi, tạo nên khung cảnh thơ mộng và kỳ vĩ. 

photo-1743569481701-17435694819691664290653-1743579984736-17435799849261372191475.png

Toàn cảnh Kẽm Trống nhìn từ bờ sông Đáy. Ảnh: @nguoicodo

Không chỉ có cảnh sông núi hữu tình, Kẽm Trống còn sở hữu nhiều danh thắng hấp dẫn khác. Du khách có thể khám phá núi Bồng, núi Vọng, núi Rồng ở phía bờ phải hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi Rùa, núi Cổ Động, núi Trinh Tiết bên kia sông Đáy. Trên đỉnh núi Trinh Tiết còn có một ngôi chùa cổ, được người dân địa phương xem là nơi hội tụ linh khí đất trời, mang lại sự thanh tịnh và bình an cho những ai ghé thăm.

Say mê hương vị tinh tế của ẩm thực Hà Nam

Nhắc đến đặc sản Hà Nam, không thể bỏ qua bánh cuốn Phủ Lý – món ăn mang hương vị đặc trưng khó quên. Khác với nhiều loại bánh cuốn khác, bánh cuốn Phủ Lý được làm từ gạo tám xoan ngon và chất lượng. Gạo sau khi ngâm từ 3-4 tiếng sẽ được xay thành bột nước, rồi tráng trên nồi hấp để tạo ra lớp bánh mỏng, mềm nhưng vẫn có độ giòn nhất định. 

Đặc biệt, bánh ở đây không nhân thịt hay mộc nhĩ mà chỉ đơn giản là bánh chay, điểm xuyết bằng lớp hành phi vàng ruộm, thơm nức cùng chút mỡ hành béo ngậy.

photo-1743569525702-1743569525962544587010-1743579986677-1743579986788140661349.png

Món bánh này thường được thưởng thức cùng nước chấm pha chua ngọt, ăn kèm dưa góp làm từ su hào, cà rốt và đặc biệt là thịt nướng tẩm ướp vừa vặn. Miếng thịt được nướng chín tới, không quá khô nhưng cũng không quá béo, tạo nên hương vị hài hòa.

Du khách có thể dễ dàng thưởng thức món bánh cuốn đặc sản này tại các quán ăn trên địa bàn Hà Nam với mức giá dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng một suất.

Không thể bỏ qua làng kho cá Vũ Đại

Làng Vũ Đại không chỉ nổi tiếng qua tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao mà còn được biết đến là nơi lưu giữ nghề kho cá truyền thống với hương vị đậm đà, đặc trưng. 

Điểm đặc biệt của cá kho Vũ Đại nằm ở cách chế biến công phu. Cá được kho trong nồi đất, đun liền 14 tiếng trên bếp củi, nước cạn đến đâu lại tiếp thêm, giữ cho lửa luôn ở mức vừa phải để cá không bị cháy. Nguyên liệu chính là cá trắm đen loại lớn, nặng từ 4-6 kg, được nuôi tự nhiên hoặc chọn lọc kỹ lưỡng. 

photo-1743569933903-17435699341241353979013-1743579987874-17435799883081471529559.png

Ngoài cá, nồi kho còn có thêm thịt ba chỉ cùng nhiều loại gia vị đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thành phẩm đạt chuẩn là khi thịt cá săn chắc, xương mềm rục, gia vị thấm đều vào từng thớ cá, tạo nên vị cay nhẹ, đậm đà nhưng không quá mặn.

(Tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022