Xuất hiện cùng chiếc nạng gỗ, Trần Thành Trung háo hức gửi lời chào đến Trạm yêu thương, anh cố gắng hết sức để phát âm tròn vành rõ chữ nhất có thể. Căn bệnh bại não bẩm sinh thể co cứng không chỉ khiến đôi chân anh không thể giữ thăng bằng trong mỗi bước đi, đôi bàn tay co quắp mà còn khiến Thành Trung gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Kể về cuộc đời mình, Trung gói gọn trong những con số: 17, 23, 2016.

ban-sao-cua-mg0959-17133608968691357807802.jpg

Với Thành Trung, con số 17 gợi cho anh về những kỷ niệm không vui khi hàng loạt những tin buồn ập đến, người em trai song sinh – người cùng Trung bầu bạn mỗi ngày qua đời vì bạo bệnh. Cơ thể khác biệt với bạn bè nên tuổi thơ đến trường của anh gắn với những lời trêu chọc của bạn bè. Không ít lần phản kháng, Thành Trung đã gây ra không ít tổn thương cho các bạn và chính mình. Có nhiều nỗi buồn, nhiều khó khăn và nước mắt nhưng chưa bao giờ Trung từ bỏ việc học, bởi đó là cách duy nhất chàng trai này có thể chứng minh năng lực của bản thân.

Con số 23 mở ra những ngày khó khăn trong cuộc đời Thành Trung với quá trình xin việc gian nan và vất vả. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên với tấm bằng loại Khá nhưng đi đâu Trung cũng nhận được những cái lắc đầu và sự hoài nghi của nhà tuyển dụng. 3 năm xin việc với 23 bộ hồ sơ, 23 lần bị từ chối nhưng điều đó không khiến Trung nản chí. Để kiếm tiền mưu sinh, Trung không nề hà bất kỳ công việc thời vụ nào từ bán bảo hiểm, gia sư tiếng Anh cho đến sửa máy tính….Những lúc rảnh rỗi, Trung dành thời gian tham gia thiện nguyện cùng Hội Người khuyết tật thành phố Thái Nguyên.

ban-sao-cua-mg0976-17133608968761367814606.jpg

Con số 2016 đã mở ra một trang mới trong cuộc đời Trần Thành Trung khi quyết định của anh đã trở thành bước ngoặt: xuống Hà Nội để học thêm về công nghệ thông tin. Trong một lần đi xin việc, trong đầu Thành Trung tự trấn an "chắc lại bị trượt thôi" nhưng lần này nỗ lực của chàng trai bại não đã được đền đáp khi công ty nhận anh vào phòng kỹ thuật máy tính. Được trao cơ hội, Thành Trung đã cố gắng hết sức mình để học hỏi, tìm tòi và phát triển bản thân. Trong quá trình làm việc, thấu hiểu những khó khăn của người khuyết tật khi xin việc, với kinh nghiệm của bản thân, Thành Trung luôn nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm của mình, đào tạo kiến thức cho cộng đồng người khuyết tật. Khi thành lập công ty cho riêng mình, Trung luôn dành sự ưu tiên cho các khóa học đào tạo và sử dụng lao động là người khuyết tật, kết nối và tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước.

ban-sao-cua-mg1015-17133608968731509989467.jpg
ban-sao-cua-mg1054-1713360896790179838617.jpg

Nỗ lực không ngừng nghỉ để chứng minh bản thân, miệt mài giúp đỡ những học viên khuyết tật,…, công việc ấy đã mang lại cho Thành Trung nhiều niềm vui và cả những trái ngọt. Năm 2019, Thành Trung tìm được một nửa của cuộc đời mình và nên duyên với một cô gái xinh xắn khuyết tật vận động. Niềm vui nối dài khi trong năm đó, gia đình nhỏ đón thêm thành viên mới là một bé trai khỏe mạnh, kháu khỉnh. Phóng sự của Trạm yêu thương sẽ đưa khán giả đến với những khoảnh khắc ngập tràn hạnh phúc của chàng trai nghị lực này.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Thành Trung mong muốn có thể giúp đỡ được nhiều hơn nữa những hoàn cảnh không may, đặc biệt là những người khuyết tật khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm. Những món quà của Trạm yêu thương sẽ chắp cánh cho ước mơ đầy nhân văn này của chàng trai 9X bại não.

Luôn nỗ lực trong cuộc sống, luôn mong muốn giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên, trong mắt những học viên của Thành Trung, anh là người như thế nào? Sự xuất hiện bất ngờ của học viên sẽ mở ra nhiều câu chuyện thú vị về chàng trai bại não giàu lòng nhân ái này.

Tất cả sẽ có trong Trạm yêu thương chủ đề "Nấc thang của những giấc mơ", phát sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 20/4/2024 trên kênh VTV1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022