Ra mắt trong đợt lễ 30/4, phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu do Victor Vũ đạo diễn thu hút nhiều sự chú ý vì nội dung độc đáo.
Đảm nhận vai nữ thứ, đồng hành với Thám tử Kiên (Quốc Huy), Hai Mẫn (Đinh Ngọc Diệp) cho biết không phải vì cô là vợ đạo diễn nên mới được ưu ái cho vai. Có lúc, Victor Vũ cũng thể hiện thái độ không hài lòng với bà xã ngay trên phim trường, và điều này từng khiến Đinh Ngọc Diệp chạnh lòng, buồn đến mức bỏ ăn…

Mọi người thấy tội 2 vợ chồng tôi
- Sau khi “Thám tử Kiên” ra mắt, tôi thấy khán giả nói nhiều đến vai Hai Mẫn của Đinh Ngọc Diệp vì hài hước, dễ thương, có người thậm chí còn hỏi có phải Đinh Ngọc Diệp đang diễn hài hay không. Về phần mình, chị xây dựng nhân vật trong phim như thế nào để vừa tự nhiên, vừa đúng với ý đồ của đạo diễn?
Thật ra, tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang diễn hài trong phim đâu. Tôi chỉ muốn hoàn thành vai diễn tốt nhất và chỉ sống với nhân vật thôi. Ngoài đời, tôi cũng vô tư, hay nói thẳng, nhưng có chủ ý.
Ngay từ đầu, tôi đã bám vào bảng phân tích nhân vật, hiểu rõ cô ấy là người thế nào, tính cách ra sao. Một người hay vạ miệng, nói bậy thì sẽ hành động thế nào? Khi vui, khi lo, khi rối rắm, hoang mang hay sợ hãi, cô ấy sẽ như thế nào? Tôi không hề có ý diễn hài, vì đối với tôi, tôi không biết diễn hài là như nào luôn. Ai được gọi là diễn viên hài, tôi thấy người đó rất giỏi. Chính vì không tính toán, có lẽ khán giả thấy nó tự nhiên. Tôi cũng không hiểu tại sao mọi người cười dữ vậy, thật sự bất ngờ luôn.
Anh Victor và biên kịch đã cân nhắc liều lượng các cảnh quay của Hai Mẫn rất kỹ. Bản phim mọi người đang xem, thật ra anh ấy đã cắt rất nhiều câu thoại còn hài hơn, vui hơn nhiều. Anh nói nếu không cắt, người ta sẽ bảo phim này là phim hài mất. Anh ấy đã nghĩ đến một mức độ phù hợp và quyết định bản dựng cuối cùng theo ý của mình.
- Ngoài đời là vợ chồng nhưng trên phim trường lại là diễn viên và đạo diễn. Có lúc nào Victor Vũ góp ý hay trách mắng vì Đinh Ngọc Diệp diễn chưa tốt không?
Có chứ, diễn viên đi đóng phim bị đạo diễn chỉnh sửa, góp ý là chuyện bình thường. Nhưng với anh Victor Vũ thì chỉ cần nhìn sắc thái trên mặt là tôi hiểu vấn đề rồi. Có một cảnh tôi hay kể, khi Hai Mẫn ngồi nói chuyện với bé Nga nhỏ 7 tuổi và tặng chiếc vòng. Tôi tưởng cảnh này dễ, chỉ là trò chuyện với một đứa bé thôi.

Trong đầu, tôi nghĩ phải dùng giọng nghịch ngợm, trẻ con để bé hiểu thông điệp. Nhưng anh Victor bảo không, phải chân thành, mộc mạc nhất. Tôi tập ở nhà theo hướng khác, nên khi phải diễn thật, tôi loay hoay. Chồng tôi đứng ngoài tỏ ý không hài lòng, anh không la mắng mà chỉ liên tục nói: “Em diễn sao mà giống quảng cáo quá. Nối, cắt, nối, cắt”.
Diễn viên mà nghe đạo diễn nối - cắt liên tục vậy là xuống tinh thần, vì biết mình làm chưa được. Cảnh đó khó nhất với tôi. Tối về, tôi không ăn, không ngủ, khóc cả đêm. Tôi thấy mình chủ quan quá. Từ đó về sau, tôi không dám lơ là hay mất tập trung nữa. Mọi người trong đoàn sau này kể lại, họ thấy tội hai vợ chồng lắm, kiểu một người cố gắng, một người không biết làm sao để diễn tả ý nghĩ của mình.
- Thấy chị xuống tinh thần như thế, Victor Vũ có nói gì không?
Chồng tôi cứ đi ra đi vào liên tục, đảo nhiều vòng nhưng không nói gì. Mãi sau, anh ấy mới vỗ vai tôi và bảo: “Không sao, mai cố hơn”.
Tôi buồn vì đã chuẩn bị 6 tháng, học, xem phim, nghiên cứu, tập luyện, mà vẫn để sai một cảnh đơn giản. Đã vậy, chồng còn bảo mình diễn y như quảng cáo. Nhưng từ đó, tôi tập trung tuyệt đối, không dám buông lơi. Khi xem lại cảnh quay sau khi làm lại liên tục, tôi thấy phân đoạn đó rất tốt. Anh Victor giỏi biến những cảnh khó thành cảm xúc trên phim.
- Làm việc với Victor Vũ, một đạo diễn cầu toàn, có áp lực gì, nhất là khi chị là vợ anh?
Áp lực lớn nhất là sợ người ta nghĩ tôi được chọn vì là vợ, không phải vì khả năng. Tôi tự tạo áp lực, sợ làm anh buồn. Anh Victor cầu toàn, không chỉ với tôi mà cả đoàn. Không dưới 3 người khóc vì áp lực, từ người mới đến chuyên môn cao nhưng cho phép tôi không nói tên.
Diễn viên làm việc với cảm xúc, khó kiểm soát. Ngày diễn viên tốt, anh vui như trẻ con, nhảy chân sáo, giỡn với con. Ngày không ổn, anh sầm mặt, như rùa mang gánh nặng.
Tôi sợ nhất làm anh thất vọng, nhưng anh không giận, chỉ thương vì thấy vợ cố gắng nhiều. Những lần tôi buồn hay khóc, anh đều thấy hết. Qua phim này, anh dạy tôi lột bỏ mặt nạ, sống với nhân vật, không dùng kỹ thuật. Anh xé hết lớp áo, không cho phép diễn, chỉ được sống thật. Anh dạy tôi từng ly từng tí, từ cách phản ứng hai chiều với bạn diễn, đến việc không tính toán khóc cười theo kịch bản.


Nhà hỏng nặng, phải mang xe hơi và túi hiệu đi sửa
- Tôi nhớ có lần Đinh Ngọc Diệp kể chị đã dắt 2 con cùng đi quay phim, đến khi về thì tá hỏa thì mối mọt làm hỏng nhà, xe hơi và túi hiệu, quần áo hiệu đều phải mang đi sửa. Chị có thể chia sẻ lại trải nghiệm “kinh hoàng” này?
Ôi, đó kỷ niệm vừa buồn cười vừa xót xa, đến giờ nghĩ lại vẫn đau lòng! Sau 2 tháng quay phim, tôi về nhà thì tá hỏa luôn. Nhà bị mối mọt tàn phá, tường thấm nước loang lổ, trần nhà rỉ nước xuống sàn, đồ gỗ mục nát, tủ áo áp tường hỏng hết. Khu vực gần nhà là đầm lầy, thời tiết nóng hầm, độ ẩm cao, mối mọt và thấm nước kinh khủng. Mùi ẩm mốc khắp nơi, sàn nhà ướt nhẹp, như vừa qua trận lũ.
Mở tủ ra, quần áo bám đầy mốc, gỗ thì bị mối đục lỗ chi chít, có chỗ vỡ vụn luôn. Xe bị mất, túi hiệu cũng mất, đến cẩu xe đi sửa luôn. Cô giúp việc, trợ lý đi theo đoàn hết, nhà không ai trông, lại gần khu xây dựng, nên thảm họa vậy.
Chúng tôi phải dỡ bỏ tủ gỗ, mà nhà toàn gỗ, sửa chữa tốn cả núi tiền. Đến giờ, tôi vẫn sửa từng phần, chưa xong vì quá tốn kém. Mỗi lần mở cửa, thấy tường nứt, nước rỉ, mối bò, tôi chỉ muốn khóc.
Anh Victor nói: “Coi đây là điều tốt. Mình mất thứ này để đoàn phim thuận lợi, đúng tiến độ, không phát sinh chi phí. Đoàn quay trong điều kiện khó, ngân sách ít, mà vẫn về đích trong mơ”. Nói lạc quan thế thôi chứ tôi xót lắm. Sống chung với mối mọt, mốc meo để làm nghề, nghĩ cũng buồn cười mà cay cay. Thêm nữa, đến giờ tôi vẫn không có tiền sửa nhà nè, làm phim hết tiền rồi (Cười).
- Chị và anh Victor cân bằng thế nào giữa công việc và chăm sóc con cái?
Với chúng tôi, con cái là ưu tiên hàng đầu. Con lớn học lớp 1, con nhỏ mẫu giáo. Khi quay phim, chúng tôi để con học online. Tôi thấy tiếc, nhưng đó là lựa chọn đúng. Tuổi thơ của con ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này. Từ khi con 6 tuổi rưỡi, chúng tôi chưa xa con quá 5 ngày.
Đi công tác, chúng tôi mang con theo hoặc tranh thủ về. Anh Victor dạy con tiếng Anh, tôi dạy tiếng Việt. Chúng tôi đưa đón con, theo sát bài vở, tâm lý. Có lần con lớn bực, chúng tôi tìm hiểu mới biết vấn đề ở trường. Hỏi sao để con chịu kể là cả nghệ thuật tâm lý chứ không đùa đâu. Con lớn tâm lý phức tạp, hai vợ chồng phải làm việc sâu sắc để con thoải mái.


- Anh Victor là người cha, người chồng như thế nào trong mắt chị?
Anh quan tâm con hơi quá, như chuyên gia. Con chảy máu cam hay sốt, đang ngủ mà nửa đêm anh bật dậy, chuẩn bị khăn lạnh, miếng dán hạ sốt, xoắn xít lên. Còn tôi làm mẹ, thấy những chuyện như vậy là bình thường, không có gì lớn hết. Tôi cố giải thích cho chồng hiểu nhưng anh không chịu, anh cứ cuống hết cả lên.
Dù rất bận nhưng khi về nhà là anh quăng điện thoại khi chơi với con, làm việc nào ra việc đó. Sức khỏe gia đình là ưu tiên. Tôi nhớ có lần, một người bệnh, cả nhà đi bác sĩ. Kiểu như con lớn ốm, ba mẹ và em nhỏ sẽ đi bệnh viện cùng, cả gia đình tôi sống như vậy đó.
Sống với nhau nhiều năm, tôi thấy may mắn và hạnh phúc khi có anh. Anh ít nói nhưng luôn đồng hành. Lúc nào thấy tôi buồn, anh âm thầm ở bên. Vợ chồng tôi đã đi qua đủ mọi sóng gió, đủ hiểu để không cần phải nói ra nhưng vẫn biết đối phương nghĩ gì.
- So với các cặp vợ chồng làm phim nổi tiếng, chẳng hạn như Lý Hải và Minh Hà, chị thấy hành trình của mình thế nào?
Mấy hôm nay, mọi người hay nói với tôi về việc cạnh tranh, rồi so sánh Victor Vũ - Đinh Ngọc Diệp với Lý Hải - Minh Hà.
Tôi không xem ai là đối thủ, tôi sợ từ “cạnh tranh” lắm. Tôi ngưỡng mộ anh Hải, chị Hà vì cách làm nghề nghiêm túc, chân thành và vì cả tình cảm khán giả dành cho họ. Phim chúng tôi ra mắt mùa lễ, mang tính giải trí, hy vọng là lựa chọn cho khán giả. Dù thời điểm chiếu rủi ro, với ít suất hơn cao điểm, chúng tôi vẫn chọn vì không muốn bỏ lỡ. Được làm nghề, mang giá trị cho khán giả, là tôi vui rồi.


- Trong 9 năm hôn nhân, giai đoạn nào khó khăn nhất với hai anh chị?
Khoảng 4 - 5 năm đầu, 2 chúng tôi vẫn còn giữ hình ảnh với nhau, chưa hoàn toàn bộc lộ con người thật. Sau đó, khi mọi mặt nạ, lớp áo được cởi ra hết, chúng tôi đối diện nhau một cách trần trụi nhất. Đó là lúc nhận ra bạn đời có những khuyết điểm thật kinh khủng, nhưng vẫn chọn ở bên. Khi thực sự thấu cảm những biến cố, vết thương của nhau, tôi chỉ muốn ôm ấp và xoa dịu anh Victor. Đời sống vợ chồng luôn có xung đột nhỏ tích tụ, thậm chí có lúc mọi thứ như tấm kính vỡ nát. Nhưng nếu đủ kiên nhẫn để vá lại từng mảnh, cả hai sẽ vượt qua và bước vào giai đoạn mới, hiểu và thương nhau nhiều hơn.
- Anh Victor Vũ từng đối mặt với vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chị đã đồng hành cùng anh thế nào trong những lúc khó khăn đó?
Anh Victor mắc bệnh tim, từng trải qua 2 cuộc phẫu thuật lớn, cận kề cái chết. Lần đầu đưa anh vào viện cấp cứu, trên taxi, anh nắm tay tôi, rơi nước mắt và nói: “Anh còn nhiều thứ chưa làm được quá”.
Đến viện, bác sĩ phát hiện anh đứt vài mạch máu, phải đặt stent, mổ cấp cứu trong đêm. Giờ anh phải uống thuốc suốt đời. Mỗi lần đi khám, hai vợ chồng nắm tay nhau, cùng nghe bác sĩ dặn dò. Tôi là người lưu lại, kiểm tra thuốc men và chứng từ liên quan sức khỏe của anh. Qua cơn nguy kịch, cả hai trân trọng cơ hội sống hơn. Anh luôn mơ làm một bộ phim để đời cho điện ảnh Việt, và lý tưởng của anh trở thành mục tiêu chung của cả hai.
- Chị có lo lắng khi anh Victor Vũ dồn hết tâm sức cho công việc làm phim không?
Lo chứ, anh ấy đam mê công việc đến mức quên cả sức khỏe. Tôi luôn đồng hành cùng anh trên mọi nẻo đường để nhắc nhở và chăm sóc. Có lần, chúng tôi cùng trèo vào thác Nậm Me ở Tuyên Quang để khảo sát bối cảnh cho Thám tử Kiên. Vừa đi, tôi vừa nghĩ: “Trời ơi, nếu lỡ sảy chân thì hai con ở nhà biết làm sao”. Hay khi quay ở hang Tú Làn, Quảng Bình, anh cùng đoàn leo ra leo vào suốt ba tiếng. Khi nước dâng lên, không ai ra được. Anh như con kiến cần mẫn tha mồi về tổ, đánh đổi sức khỏe để làm phim. Nhìn anh lăn xả, tôi vừa thương vừa lo, nhưng cũng tự hào vì đam mê cháy bỏng của anh.
- Xin cảm ơn Đinh Ngọc Diệp!