Tôi từng ghét ngày chủ nhật, không phải vì sợ hết cuối tuần, mà vì đó là ngày ba tôi đáng ra sẽ đến thăm.
Mỗi lần, tôi xếp đồ từ sáng, mặc sẵn chiếc áo sơ mi mới, ngồi đợi ở bậc tam cấp trước nhà bà. Và mỗi lần, tôi lại ngủ gục trong nước mắt, với lời an ủi lặp lại của ngoại: "Ba con bận mà. Lớn rồi, đừng buồn".
Nhưng không phải ai lớn lên cũng sẽ thôi buồn, chỉ là sự trưởng thành bắt người ta phải giấu nhẹm nỗi buồn vào trong, đôi khi lén lút sợ sệt như thể 1 đứa trẻ giấu kẹo sợ mẹ bắt được.

Tranh minh họa
Người đàn ông chỉ giữ lời đúng một lần
Ba tôi và mẹ ly hôn khi tôi mới 5 tuổi. Mẹ gửi tôi về sống với ông bà ngoại, còn bà vào Nam làm công nhân. Ba tôi sống ở thị xã, tái hôn, có gia đình mới. Dù tòa án ghi "ba có trách nhiệm thăm nom mỗi tháng 2 lần", nhưng cái trách nhiệm đó giống như lịch chiếu phim không ai kiểm soát, có cũng được, không cũng chẳng sao.
Lần duy nhất ba giữ lời, là sinh nhật tôi năm lớp 4. Ba đến, mang theo một chiếc xe đạp mini. Tôi cười như được sống lại. Nhưng rồi sau đó, không còn lần nào nữa. Chiếc xe đạp sớm bị gỉ sét vì tôi không dám đi, sợ làm hỏng món quà hiếm hoi ấy.
Tôi từng thử viết thư, từng gọi điện nhưng những tin nhắn "ba ơi con nhớ ba" luôn chỉ nhận lại các biểu tượng cảm xúc cộc lốc, đôi khi là một cái like, đôi khi là… không gì cả.
Năm 22 tuổi, tôi gặp lại ba trong đám tang của ông nội. Ba tôi ngồi ở hàng ghế đầu, dáng vẻ đĩnh đạc như một người con hiếu thảo. Tôi ngồi lặng ở hàng sau, không ai giới thiệu tôi là cháu đích tôn. Ba tôi nhìn tôi, chớp mắt một lần, rồi quay đi.
Tôi ước gì ông nói một câu, dù chỉ là "con tới rồi à" nhưng không.

Tranh minh họa
Sự vô hình để lại vết sẹo dài hơn ta tưởng
Tối hôm đó, tôi đứng trước bàn thờ ông nội, cố nhớ lại những lần hiếm hoi tôi được gặp ông, toàn là những lần ghé chớp nhoáng, không ai dám để tôi ở lại lâu vì "bên nội sợ phiền".
Ba tôi đi ngang qua, dừng lại, đặt tay lên vai tôi, rồi bỏ xuống. Tôi không quay lại, chỉ nghe tiếng bước chân ông xa dần. Cảm giác ấy, còn khó chịu hơn cả những lần ông không đến.
Mãi đến khi tôi làm cha, tôi mới hiểu: Sự vô hình để lại vết sẹo dài hơn ta tưởng.
Khi con trai tôi ra đời, tôi hoảng sợ vì mình không biết làm gì. Tôi lóng ngóng thay tã, sợ đến run tay khi bế nó. Nhưng hơn tất cả, tôi sợ mình sẽ trở thành một phiên bản khác của ba – một người đàn ông chỉ để lại họ tên trong giấy khai sinh.
Tôi bắt đầu đi trị liệu, tham gia một nhóm dành cho những người có "cha vắng bóng". Lần đầu tiên, tôi dám nói: "Tôi không hận ba, tôi chỉ tiếc những gì lẽ ra mình nên có".
Người ta thường nghĩ đàn ông không cần nhiều cảm xúc. Nhưng không ai dạy chúng tôi rằng, thiếu cha cũng là một dạng tổn thương. Rằng những lần ngồi chờ đến mỏi mắt, rồi cố gồng mình cười như không có gì đã hằn thành nỗi buồn thầm lặng, len lỏi trong cách chúng tôi làm cha sau này.
Có một ngày, tôi tha thứ không phải vì ba xứng đáng, mà vì tôi cần sống tiếp, để nhìn con mình được thanh thản, thoải mái hơn.

Tranh minh họa
Chúng ta phải học cách đối mặt với những mối quan hệ sẽ không bao giờ lành lặn
Năm ngoái, tôi đưa con về quê nội. Ba tôi giờ đã về hưu, tóc bạc nhiều. Chúng tôi ngồi ăn cơm cùng nhau lần đầu tiên sau 20 năm.
Tôi không hỏi ông lý do vì sao. Tôi chỉ nói: "Con đã từng rất buồn nhưng giờ con hiểu, ai cũng có nỗi sợ riêng. Con chỉ mong con trai con không phải lớn lên với câu hỏi 'ba đâu rồi?' như con ngày xưa".
Ba tôi không nói gì. Nhưng hôm đó, ông đưa con trai tôi đi đá bóng. Tôi đứng nhìn từ xa, cảm giác như chính mình ngày nhỏ được sống lại, lần đầu tiên, trong hình hài con mình.
Tôi biết, có những mối quan hệ sẽ không bao giờ lành lặn. Nhưng ta có quyền chọn cách bước tiếp.
Tôi chọn đi trị liệu qua 1 trung tâm bạn thân giới thiệu, nơi có những chuyên gia thực sự hiểu về "đứa trẻ bên trong" bị cha bỏ rơi. Tôi học cách nói với bản thân: "Không phải lỗi của mình khi ai đó không ở lại".
Và mỗi tối, tôi đọc cho con trai nghe một câu chuyện, ôm nó thật chặt trước khi ngủ. Vì tôi biết, điều một đứa trẻ cần không phải là một người cha hoàn hảo, mà là một người cha luôn có mặt.
Lời nhắn từ trái tim: Nếu bạn từng lớn lên với chiếc ghế trống bên cạnh, tôi mong bạn sẽ tìm được cách lấp đầy nó bằng sự hiện diện của chính bạn hôm nay. Có những vết sẹo trong quá khứ không thể dùng hiện tại hay tương lai xóa mờ, cách duy nhất là chúng ta chịu nhìn thẳng vào đó, bạn sẽ thấy nó không còn xấu xí nữa. Càng trải nghiệm, làm con rồi được làm cha, bạn sẽ càng nhận ra, thứ chúng ta muốn có và phải học mỗi ngày là giữ được cân bằng, sự bình yên trong trái tim, không phải lòng hận thù trong tâm trí.