Bộ phim vượt qua 10 tác phẩm, trong đó có dự án từng tranh giải các liên hoan lớn như Dreaming & Dying, Fire on Water. Đạo diễn và nhà sản xuất nhận 10.000 USD (250 triệu đồng) tiền thưởng. Trên sân khấu, Sheron Dayoc cảm ơn các giám khảo, tri ân êkíp. "Tôi thật sự sốc khi được xướng tên nhận giải thưởng. Thành quả này là vinh dự của tôi và đoàn làm phim", đạo diễn nói.
Đạo diễn Sheron Dayoc (giữa) nhận giải Ngôi Sao Vàng cho Phim Đông Nam Á xuất sắc ở lễ bế mạc Liên hoan phim TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Tác phẩm xoay quanh quá trình trưởng thành của Mateo, 15 tuổi, thường xuyên quậy phá ở trường nhưng lại dành tình yêu thương cho hai em ruột. Sau khi cha mất tích, Mateo trở thành trụ cột gia đình và cố gắng chăm sóc hai em. Tuy nhiên, sau một cuộc cãi vã, Mateo vô tình giết chết bạn của cậu. Lúc này, Mateo bỏ trốn cùng người chú Berto, cầm đầu băng nhóm tội phạm. Cuộc đời Mateo dần trở nên tăm tối.
Trailer "The Gospel of the Beast". Video: Southern Lattern Studios
Dự án từng tranh giải Phim xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2023, được giới chuyên môn đánh giá cao. Đại diện ban giám khảo cho biết: "Tác phẩm soi rọi cuộc sống của các thanh niên Philippines, khi phải đối diện với bạo lực. Nhiều cảnh quay đẹp và sáng tạo, khiến người xem cảm nhận được tình gia đình, tình bạn và sự phấn đấu vì một xã hội công bằng".
Trang Hollywood Reporter nhận xét: "Có sự ấm áp lẫn mơ mộng trong cách ghi hình của nhà quay phim Rommel Andreo Sales. Tính thẩm mỹ này phù hợp với câu chuyện về tuổi mới lớn. Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý là đạo diễn mô tả nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện đại ở Philippines, đồng thời khai thác triệt để tâm lý nhân vật".
>>> Danh sách thắng giải LHP quốc tế TP HCM
Bên cạnh giải quan trọng, sự kiện còn trao nhiều hạng mục cho các tác phẩm tranh giải. Trong đó, Last Shadow at First Light của đạo diễn Nicole Midori Woodford thắng bốn giải, gồm cúp bạc cho phim đầu tay, quay phim, kỹ xảo và kịch bản xuất sắc. Theo sau là 13 Bombs (Indonesia), Oasis of Now (Malaysia) và Wonderland (Singapore), mỗi phim nhận hai giải.
Hạng mục phim đầu tay hoặc thứ hai xuất sắc được trao cho tác phẩm City of Wind và Night Courier - đồng giải vàng. Phim ngắn xuất sắc thuộc về Leila do đạo diễn Thuỵ Điển Fariba Haidari chỉ đạo. Giải Phim TP HCM xuất sắc được trao cho Song Lang (2018) của đạo diễn Leon Quang Lê.
Đạo diễn Leon Quang Lê (giữa) nhận giải Phim TP HCM xuất sắc cho "Song Lang". Ảnh: Tùng Trương
Lễ trao giải diễn ra trong hai giờ đồng hồ, không có nhiều điểm nhấn. Trừ êkíp Wonderland, The Gospel of the Beast, Last Shadow at First Light và Song Lang, các đoàn phim khác hầu như vắng mặt do không sắp xếp được lịch trình. Ban giám khảo nhận giải thay nghệ sĩ. Bên cạnh đó, bài phát biểu về tiêu chí chọn phim thắng giải dài dòng, không cần thiết.
Một số tiết mục ca nhạc mang đến không khí sôi động cho hội trường Nhà hát TP HCM, như phần biểu diễn mở đầu chương trình của Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Phúc với Bài ca đất phương Nam (sáng tác: Lê Giang, Lư Nhất Vũ), Hồ Trung Dũng thể hiện ca khúc Feeling Good (Anthony Newley, Leslie Bricusse).
Trong lần đầu tổ chức, sự kiện mắc một số sai sót. Lịch trình thay đổi liên tục, trong đó, có những chương trình chiếu phim được thông báo sát giờ tổ chức. Một số tác phẩm ban đầu có tên trong danh sách tham gia nhưng không công chiếu do việc tổ chức, tuyển phim diễn ra gấp gáp.
Công tác đón tiếp cũng bị khách mời phản ánh chưa chu đáo. Trong buổi tiếp xúc báo chí trưa 12/4, giám đốc điều hành HIFF - Phạm Minh Toàn - cho biết sự kiện đón hơn 200 khách quốc tế nên có nhiều vấn đề phát sinh như chuyến bay chậm trễ hoặc họ có lịch đột xuất. Ban tổ chức buộc phải linh động theo lịch của mỗi người.
"Chúng tôi thừa nhận thiếu sót trong khâu tổ chức và mong mọi người thông cảm. Ban tổ chức luôn lắng nghe các ý kiến để có sự điều chỉnh phù hợp cho các kỳ liên hoan phim sau", đại diện chương trình nói.
Liên hoan phim quốc tế TP HCM lần đầu tiên là một phần của chiến lược phát triển văn hóa, điện ảnh TP HCM. Trong hơn một tuần, ngày 6-13/4, sự kiện mang nhiều màu sắc, góp phần tôn vinh điện ảnh cách mạng Việt Nam, đồng thời phát hiện, ươm mầm tài năng trẻ trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ liên hoan, gần 100 tác phẩm trình chiếu, trong đó có 45 phim tham gia tranh giải - chọn từ hơn 400 dự án gửi về. Kinh phí mang các phim quốc tế về Việt Nam dao động từ 150 đến 3.000 USD, kèm nhiều quy định về bản phim và dịch thuật phụ đề.
Trước HIFF, trong nước có một số liên hoan phim lớn như Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF). Từ năm 2023, Luật Điện ảnh sửa đổi cho phép các địa phương, thành phố tổ chức liên hoan phim, tuần lễ phim.
Quế Chi