* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Dự án tài liệu do êkíp người Anh thực hiện, xoay quanh tai nạn của máy bay MH370từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014. Nhiều quốc gia tham gia tìm kiếmtrong khoảng bốn năm, trước khi gác lại cuộc điều tra vì không phát hiệndấu vết cụ thể của chiếc Boeing 777 cùng 239 hành khách và phi hành đoàn.
Trailer "MH370: The Flight That Disappeared". Video: Netflix
Khai thác vụ mất tích "bí ẩn nhất lịch sử hàng không", MH370: The Plane That Disappeared gây tranh cãi vì chỉ đưa ra giả thuyết thay vì bằng chứng.
Series tập trung nhắc đến một số giả thuyết được truyền thông, người dùng mạng xã hội đặt ra suốt quá trình cơ quan chức năng điều tra thảm họa. Theo Washington Post, năm 2015, chính quyền Malaysia công bố vụ mất tích là tai nạn, nước đi nhằm cho phép hãng hàng không bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều người không chấp nhận lời giải thích, nói còn nhiều uẩn khúc liên quan đến chính trị hoặc khủng bố.
Một số nhà báo phương Tây đưa ra lập luận chiếc máy bay bị tấn công vì yếu tố chính trị. Khoảng bốn tháng sau khi MH370 mất tích, một máy bay của Malaysia mang số hiệu MH17 bị tên lửa do Nga sản xuất bắn hạ khi đi qua lãnh thổ Ukraine. Cây viết người Mỹ Jeff Wise cho rằng chiếc Boeing 777 biến mất vài tháng trước đó chịu số phận tương tự. Người này phân tích MH370 đủ nhiên liệu để bay đến Kazakhstan - một đồng minh thân thiết của Nga. Còn Florence de Changy - phóng viên của tờ báo Pháp Le Monde - nói một nguồn tin tình báo giấu tên khẳng định chính phủ Mỹ biết sự thật đằng sau sự việc, liên quan đến một kiện hàng bí ẩn được chở trên chuyến bay.
Ngoài ra, êkíp khai thác giả thuyết cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah cố tình thay đổi hành trình và tạo ra vụ tai nạn để tự sát. Ý tưởng này từng gây ồn ào một thời sau khi chính quyền công bố bản ghi cuộc đàm thoại giữa phi hành đoàn và trung tâm kiểm soát không lưu. Một phi công nói: "Chúc ngủ ngon, Malaysia 370!". Nhiều người nghĩ rằng đây là lời tạm biệt của phi hành đoàn trước khi khiến chiếc máy bay biến mất. Nhưng theo Washington Post, câu nói này thường được các phi công sử dụng trên các hành trình.
Một số nguồn tin lại nói Shah gặp vấn đề mâu thuẫn trong gia đình dẫn đến bất ổn tâm lý. Dù vậy, phim đưa ra một số tài liệu thu thập được của cơ quan điều tra và chuyên gia cho thấy cơ trưởng Shah không có động cơ để gây ra tai nạn thảm khốc.
Hình ảnh chiếc máy bay mất tích trong "MH370: The Plane That Disappeared". Ảnh: Netflix
Suốt ba tập phim, nhiều khách mời tham gia phỏng vấn - gồm người thân các nạn nhân, thám tử nghiệp dư, nhà báo, chuyên gia ngành hàng không - bày tỏ nghi ngờ với các phát biểu, kết luận điều tra của chính quyền Malaysia. Tạp chí The Week chê tác phẩm: "Sau chín năm, vụ biến mất bí ẩn vẫn khiến chúng ta tò mò, đến mức Netflix phải làm một phim tài liệu về sự kiện đau thương này. Nhưng series có cung cấp thêm thông tin gì công chúng chưa biết? Nếu có, đó là những giả thuyết điên rồ được nhắc đến".
Tờ Indian Express cho biết những sự việc gây tranh cãi thường thu hút những thám tử và chuyên gia tự phong theo đuổi. "Cácnhà làm phim tài liệu có nghề sẽ không mời họ tham gia một dự án nghiêm túc như thế này", tờ báo của Ấn Độ nhận xét.
Phim đạt điểm trung bình 6.0/10 theo thống kê của trang IMDb sau khi phát hành. Nhiều người bày tỏ thất vọng vì series không đưa ra kết luận mới về vụ mất tích. Một số thậm chí chỉ trích êkíp khơi lại nỗi đau của gia đình các nạn nhân.
Đạt Phan